Dòng sự kiện:
Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc
22/07/2022 15:15:59
Việc room tín dụng được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện hạn chế giải ngân vào các lĩnh vực rủi ro, dự báo lợi nhuận 2 quý cuối năm 2022 của các ngân hàng sẽ thấp hơn so với 2 quý đầu năm.

Có nhiều yếu tố tác động tới lợi nhuận ngân hàng trong nửa cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Đà tăng giảm dần

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của SHB cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của Ngân hàng ước đạt gần 5.900 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 113% cùng kỳ.

Trước đó, như thường lệ, là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, TPBank (mã TPB) cho biết, lợi nhuận quý II/2022 tăng mạnh 73% so với cùng kỳ 2021.

SeABank (mã SSB) cho biết, kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 có lợi nhuận trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 115% kế hoạch lợi nhuận6 tháng đầu năm năm 2022.

Eximbank (mã EIB) ước tính sẽ đạt khoảng 1.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính riêng lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022, Eximbank dự báo tăng gấp 3 lần cùng kỳ.

Trong khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, thời điểm cuối tháng 5/2022, lãnh đạo Vietcombank (mã VCB) tiết lộ, tăng trưởng lợi nhuận ở mức 30%, thậm chí có thể đột biến sau 2 năm chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.

Những thông tin trên không bất ngờ bởi tại kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo - Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố cho biết, các tổ chức tín dụng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2022 tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý trước, đúng như kỳ vọng của gần 80% tổ chức tín dụng tại kỳ điều tra trước.

Nhiều dự báo khả quan về kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2022 cũng được các công ty chứng khoán đưa ra. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính, tổng lợi nhuận ròng của ngành ngân hàng trong quý I/2022 tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp nhiều lần so với mức 7,7% của quý IV/2021 và đóng góp 12,3% vào tổng lợi nhuận ròng thị trường.

Còn Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ các ngân hàng trong quý II/2022 ước giảm khoảng 9% so với quý trước, nhưng tăng 36% so với cùng kỳ 2021 cho toàn ngành (27 ngân hàng niêm yết). Lợi nhuận kỳ vọng quý II giảm chủ yếu do lợi nhuận quý I ở mức khá cao vì có đóng góp từ những khoản thu nhập ngoài lãi bất thường, đáng chú ý là khoản phí trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền trị giá hơn 5.000 tỷ đồng của VPBank.

Các chuyên gia ước tính, thu nhập ngoài lãi ròng của toàn ngành ngân hàng trong quý II/2022 sẽ giảm 30% so với quý trước (hoặc giảm 5% so với quý trước sau khi điều chỉnh lại khoản thu nhập bất thường), nguyên nhân do sự chậm lại trong hoạt động tín dụng và đầu tư trong kỳ.

Ước tính thu nhập lãi ròng quý II/2022 tăng 3% so với quý trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tăng trưởng thấp trong quý II/2022 do hầu hết ngân hàng đều đã dùng hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng và đang chờ Ngân hàng Nhà nước nới thêm. Thu nhập phí quý II/2022 ước tính tăng 5% so với quý trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bancassurance có thể thấp trong quý II/2022 do hoạt động cho vay kém sôi động.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cấp cao LienVietPostBank cho hay: “Doanh thu bancassurance thường tốt khi hoạt động giải ngân cho vay diễn ra tốt”.

Điểm đáng chú ý, dư nợ tái cơ cấu liên quan đến Covid đạt đỉnh vào tháng 12/2021 và giảm kể từ đó tới nay, nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng dự phòng quý II/2022 sẽ tăng 5% so với quý trước do các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) thấp vẫn cần chuẩn bị cho sự gia tăng của nợ xấu sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hạn vào ngày 30/6/2022.

Kế hoạch cao khó với

Ngay từ đầu năm 2022, mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng đặt ra là 33% trên cơ sở các điều kiện trong và ngoài nước có những thuận lợi nhất định, nhưng nay xuất hiện nhiều thách thức để đạt mục tiêu này, có thể kể đến đầu tiên là thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh khi yếu tố hỗ trợ tăng tỷ lệ thu nhập lãi thuần - NIM (cắt giảm, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, điều chỉnh lãi vay) sẽ cân bằng với việc tăng tỷ lệ chi phí huy động vốn - COF (tăng lãi suất huy động, đồng thời các yếu tố hỗ trợ giảm COF khác đã không còn nhiều dư địa cải thiện), trong khi tín dụng các quý sau khó có thể giữ mức tăng trưởng cao như quý I/2022. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ lớn để bù đắp cho sự sụt giảm tăng trưởng thu nhập lãi thuần.

Câu chuyện hiện hữu là áp lực nợ xấu nội bảng sẽ tăng lên tại các ngân hàng chưa trích lập đủ nợ tái cơ cấu khi thời hạn cơ cấu nợ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022 theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn do khả năng vỡ nợ chéo khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi.

Đáng chú ý, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, ảnh hưởng của ngành bất động sản đến lợi nhuận hệ thống ngân hàng là rất lớn trong những tháng cuối năm 2022. Số liệu cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ tín dụng bất động sản đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó nợ xấu chiếm 1,62%; cho vay nhà ở ước đạt 65%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 35%.

Theo ông Nghĩa, thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang ở mức báo động theo các tiêu chí của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) như để mua một căn hộ, những người lao động có thu nhập trung bình phải dành ra tới 30 năm tiền lương trở lên là có dấu hiệu bong bóng. Ông Nghĩa tính toán, hiện Việt Nam ở mức 57 năm và khảo sát theo Big Data trên mạng xã hội sẽ thấy rất rõ giao dịch bất động sản trong thời gian gần đây chủ yếu là giao dịch của các nhà đầu tư dự án và nhà đầu tư thứ cấp (đầu cơ). Các giao dịch mua nhà để ở rất ít, nhất là với tầng lớp lao động phổ thông.

“Đây cũng là một chỉ báo cho thấy nguy cơ bong bóng bất động sản đang đến gần. Mặt khác, việc đứt gãy chuỗi phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua cũng giáng một đòn nặng nề vào thị trường bất động sản. Một số tập đoàn bất động sản đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp khi không thể phát hành để đảo nợ trái phiếu cũ hoặc triển khai dự án”, ông Nghĩa nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm, ngành bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng, trong đó các khoản cho vay nhà ở có mức NIM cao, cho dù ít rủi ro hơn do được phân tán.

Ngoài ra, khó khăn của các ngân hàng còn đến từ câu chuyện room tín dụng mới và áp lực của việc tăng lãi suất huy động. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung - dài hạn được hạ xuống mức 34% kể từ ngày 1/10/2022, buộc các ngân hàng phải tăng nguồn vốn huy động dài hạn, khiến chi phí vốn bình quân tăng cao hơn. Trong khi đó, thông thường, phải cần từ 1-2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động.

“Các nguồn thu ngoài lãi giảm tốc. Ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối sẽ sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản. Theo đó, khả năng lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng 2 quý cuối năm 2022 sẽ thấp hơn 2 quý đầu năm”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.

Tác giả: Nhuệ Mẫn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến