Dòng sự kiện:
Lợi nhuận ngân hàng nào dự báo tăng cao nhất trong quý I/2022?
25/03/2022 17:19:52
Dù quý I/2022 còn chưa kết thúc nhưng lợi nhuận trước thuế của hầu hết các ngân hàng đều được dự báo có thể đạt mức tương đối tốt, bình quân khoảng 25-27% so với cùng kỳ.

SHB là một trong các ngân hàng được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tốt nhất trong kỳ. Ảnh: BNEWS phát

Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân của các ngân hàng trong quý I/2022 sẽ đạt từ một đến hai chữ số thấp. Tuy nhiên mức tăng trưởng này sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng và ở mức tương đối thấp so với nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, SSI ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân chỉ đạt khoảng 9-11%. Điều này phần lớn là do Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, các ngân hàng còn lại được SSI nhận định có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tương đối tốt, bình quân khoảng 25-27% so với cùng kỳ. Trong đó, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao nhất được kỳ vọng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Trên thực tế, dù quý I/2022 còn chưa kết thúc, nhưng một số ngân hàng đã bắt đầu công bố những con số lợi nhuận rất khả quan.

Như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), ông Hồ Vân Long, Phó Tổng giám đốc ngân hàng chia sẻ trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên rằng lợi nhuận quý I/2022 của VIB ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 24-25% so với cùng kỳ và tương đương 21% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau trích lập các quỹ của VIB hiện là 5.908 tỷ đồng. Trong 5 năm tới, VIB kỳ vọng mỗi năm có thể ghi nhận ít nhất mỗi tháng 1.000 tỷ lợi nhuận.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ngân hàng trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây cho biết, lợi nhuận hợp nhất trong quý I/2022 của ngân hàng ước đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo MB cũng đặt mục tiêu trong 5 năm tới đạt doanh thu 120.000 tỷ đồng (tương đương tăng 24%/năm) và lợi nhuận 45.000 tỷ đồng (tương đương tăng 21%/năm) vào năm 2026.

Trước đó, Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh tiết lộ ngay trong tháng 1/2022, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA tại ngân hàng này đã tăng 2.350 tỷ đồng so với cuối 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 577 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của MSB trong tháng 1/2022 đạt 577 tỷ đồng. Ảnh: BNEWS phát

Theo SSI, tín dụng tăng trưởng mạnh từ 15-16% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận (NIM) ổn định và nợ xấu, các khoản cho vay tái cơ cấu được kiểm soát tốt là những yếu tố chính giúp các ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ổn định trong quý đầu năm.

Đối với cả năm 2022, hầu hết các ngân hàng đều có mục tiêu khả quan cho tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức khoảng 24-25% so với cùng kỳ. Con số này cũng tương đương với dự báo ước tính của SSI ở mức 25,5%. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15-35%.

Hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7-15%, cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng. Do đó, SSI cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng này sẽ duy trì ở mức tương đối cao.

Theo kết quả điều tra xu hướng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thực hiện vào tháng 12/2021, các tổ chức tín dụng ước tính, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 5,3% trong quý I và dự báo tăng 14,1% cả năm 2022. Các chuyên gia đang khá lạc quan với dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đưa ra cả năm nay là 14%.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, nhu cầu tín dụng năm nay vẫn ở mức cao và có thể tăng 14% nhờ kinh tế tiếp tục hồi phục. Ngoài ra, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng./.

Tác giả: Lê Phương

Theo: Bnews
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến