Dòng sự kiện:
Lợi nhuận quý II/2024 của PVI đi lùi do đâu?
24/07/2024 10:15:37
Doanh thu tài chính đi lùi và chi phí tài chính tăng cao khiến PVI báo lãi sau thuế quý II/2024 giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước còn 291 tỷ đồng.

CTCP PVI (HoSE: PVI) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.832 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ yếu đến thu phí bảo hiểm gốc tăng 16,6% so với cùng kỳ lên 2.878 tỷ đồng và thu phí nhận tái bảo hiểm tăng gần 4 lần năm trước lên 1.975 tỷ đồng.

Trong kỳ, công ty đã chi bồi thường bảo hiểm gốc gần 1.450 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Đồng thời chi bồi thường nhận tái bảo hiểm 522 tỷ đồng, tăng 127% so với quý II/2023.

CTCP PVI.

Các khoản chi phí như dự phòng bồi thường, chi phí hoạt động kinh doanh… của PVI cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Kết quả, công ty thu về lợi nhuận gộp từ bán hàng và dịch vụ tăng 5% so với năm trước lên 267 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính của PVI giảm 8% so với năm trước xuống 328 tỷ đồng.

Chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền vay giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 179 tỷ đồng. Đồng thời, lãi từ kinh doanh cổ phiếu giảm 11 lần so với năm trước còn 5 tỷ đồng.

Trong khi chi phí tài chính của doanh nghiệp này lại tăng 48% lên 98 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản lỗ từ chênh lệch tỉ giá tăng 2,8 lần so với năm trước lên 48 tỷ đồng.

Kết quả, lãi thuần từ hoạt động tài chính của PVI đạt 230 tỷ đồng, giảm 20,8% so với quý II/2023.

Chính vì vậy, dù đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp từ 172 tỷ đồng xuống 158 tỷ đồng, PVI vẫn báo lãi trước thuế 343 tỷ đồng, lãi sau thuế 291 tỷ đồng, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lãi ròng trước thuế của PVI là 777 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 662 tỷ đồng, tăng 11,4% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Năm 2024, PVI đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.080 tỷ đồng. Như vậy, qua nửa đầu năm, công ty đã thực hiện được gần 72% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của PVI ghi nhận ở mức 31.545 tỷ đồng, tăng 17% so với hồi đầu năm. Phần lớn là tài sản ngắn hạn với gần 26.671 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính cho thấy, công ty đã tăng cường đầu tư tài chính ngắn hạn khi tăng từ 7.876 tỷ đồng lên 10.657 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVI đã giảm mức đầu tư tài chính dài hạn từ 4.205 tỷ đồng xuống 3.632 tỷ đồng.

Tại ngày này, nợ phải trả của PVI là 22.825 tỷ đồng, phần lớn là nợ ngắn hạn với 22.697 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của công ty là 934 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, số dư vay ngắn hạn phản ánh các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank và Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam - chi nhánh Phạm Hùng.

Tại diễn biến gần nhất, PVI vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua kế hoạch triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024.

Theo đó, ĐHĐCĐ dự kiến xem xét và thông qua các nội dung: tờ trình về miễn nhiệm thành viên HĐQT và kiện toàn nhân sự HĐQT;

Tờ trình về bầu bổ sung thành viên HĐQT cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022 - 2027, phê chuẩn việc HĐQT bổ nhiệm Tổng Giám đốc và các nội dung khác thuộc thẩm quyền nếu có. Ngày họp ĐHĐCĐ dự kiến là 16/8/2024.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến