Dòng sự kiện:
Lợi nhuận tăng mạnh khi nợ xấu giảm
27/02/2019 14:01:17
Đầu năm Kỷ Hợi 2019, các nhà băng ồ ạt công bố con số lợi nhuận đạt được trong năm rồi tăng trưởng khá mạnh. Một phần nhờ kiểm soát được nợ xấu, thu hồi nợ để hoàn nhập dự phòng rủi ro vào lợi nhuận.

Đạt lợi nhuận kỷ lục

Một số ngân hàng đạt mục tiêu lợi nhuận năm qua như: Techcombank, VCB… Bên cạnh đó, TPBank, VIB, Sacombank cũng nằm trong câu lạc bộ nghìn tỷ đồng.

Không chỉ với các nhà băng quy mô mới đạt con số lợi nhuận “khủng” năm qua mà ngay cả ngân hàng vừa và nhỏ, lợi nhuận thu về cũng đạt mức tăng trưởng tích cực trong 2018, thậm chí gấp đôi so với chỉ tiêu đưa ra ban đầu. VietBank đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm qua; Kienlongbank đạt hơn 300 tỷ đồng trước thuế; ABBank đạt 924 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm rồi.

Đặc biệt, tại Nam A Bank đến hết năm 2018, tổng tài sản đạt 75.096 tỷ đồng; tăng 20.602 tỷ đồng tương đương 37,8% so với năm 2017, đạt 114% kế hoạch. Huy động thị trường 1 đạt 56.860 tỷ đồng; tăng 15.022 tỷ đồng (+35,9%) so với năm 2017, đạt 103% kế hoạch. Dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 50.815 tỷ đồng; tăng 14.469 tỷ đồng (+39,8%) so với năm 2017, đạt 121% kế hoạch. Đáng chú ý, lợi nhuận đạt 740 tỷ, đạt 231% kế hoạch.

Lần đầu tiên sau 26 năm hoạt động, Nam A Bank đạt mức lợi nhuận 231% kế hoạch, nhiều chỉ số vượt xa kế hoạch đề ra. Sở dĩ lợi nhuận tăng mạnh năm qua, theo Nam A Bank, ngoài hoạt động cho vay, phí dịch vụ… thì nguồn thu từ xử lý nợ xấu đã đóng góp không nhỏ cho ngân hàng với số lượng trái phiếu VAMC còn lại không nhiều. Nam A Bank cho biết, sẽ sớm xử lý thu hồi nợ xấu, đồng thời đẩy mạnh trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng.

Hiện tại trái phiếu VAMC mà Nam A Bank đang nắm giữ chỉ còn 178 tỷ đồng so với mức đầu năm nay nhà băng này có đến 2.588,8 tỷ đồng trái phiếu VAMC.

Nhờ nỗ lực tất toán trái phiếu VAMC

Số liệu vừa công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, giá trị xử lý nợ xấu năm 2018 tăng khoảng 30% so với năm 2017. Cơ quan này dẫn báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho thấy tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với cuối năm 2017, ở mức 2,4% (năm 2017: 2,5%). Dự phòng rủi ro tín dụng 2018 tăng khoảng 30,1% so với cuối năm 2017. Tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu báo cáo cải thiện lên mức 78,2% (năm 2017: 65,4%), nhưng không bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC.

Tính đến nay, cả hệ thống hiện đã có một số nhà băng tất toán xong trái phiếu VAMC gồm: ViCB, VIB, Techcombank, MB, ACB. Các ngân hàng còn lại đang nỗ lực xử lý và hứa hẹn sẽ tất xong trái phiếu VAMC trong năm 2019 như: OCB, VPBank, Nam A Bank, Eximbank… Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm qua, đã không ít nhà băng xóa được gần hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó. Điển hình tại Nam A Bank, trong 9 tháng đầu năm 2018, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN về đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, bằng nhiều biện pháp quyết liệt.

Các ngân hàng đã nỗ lực mua lại các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó để xử lý, thu hồi. Bởi trách nhiệm xử lý, thu hồi nợ vẫn luôn thuộc về ngân hàng. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018, Nam A Bank đã thu hồi được 2.469,3 tỷ đồng nợ gốc lãi của các khoản nợ đã bán cho VAMC; thực hiện thanh lý trái phiếu VAMC với tổng mệnh giá là 2.410,4 tỷ đồng. Do vậy, các khoản nợ đã bán cho của Nam A Bank VAMC đã giảm mạnh và khả năng tất toán hết năm nay. Tổng mệnh giá trái phiếu VAMC tại Nam A Bank chỉ còn 7% so với đầu năm. Ngân hàng đã thu hồi 2.410 tỷ đồng trái phiếu VAMC, tương ứng giảm 93% so với đầu năm.

Cũng trong năm qua, Nam A Bank là 1 trong 3 NHTMCP được NHNN chỉ định trực tiếp tham gia tái cấu trúc 3 Quỹ tín dụng nhân dân tại Đồng Nai. Đồng thời, Nam A Bank đã tăng vốn điều lệ từ 3.021 tỷ đồng lên 3.353 tỷ đồng năm 2018. Có thể thấy, Nam A Bank là một trong số ít tổ chức tín dụng đầu tiên được NHNN tin tưởng phê duyệt đề án tái cơ cấu giai đoạn II (2018-2020) và đang đi đúng hướng. Ngân hàng được cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế (Moody’s) xếp hạng B2.

Những tháng cuối năm 2018, Nam A Bank được NHNN chấp thuận mở rộng mạng lưới gồm 5 Chi nhánh và 30 Phòng giao dịch. Nam A Bank cũng đã ký tài trợ vốn với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) triển khai tín dụng xanh hướng tới các dự án sử dụng năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, nước và tiết kiệm điện năng hoặc giảm thiểu khí thải CO2 là 20% với số tiền giải ngân 10 triệu USD…

Theo Nhịp sống kinh tế

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến