Lạm phát, lãi suất tăng là những nguyên nhân khiến lợi nhuận của Thế Giới Di Động đang tăng chậm lại. Ảnh: T.L.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét quý III của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), nhà bán lẻ này đã ghi nhận gần 103.000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 22.850 tỷ đồng lãi gộp từ đầu năm, tăng lần lượt 18% và 13% so với cùng kỳ năm trước.
Đi cùng đà tăng doanh thu và lãi gộp, chi phí bán hàng từ đầu năm của Thế Giới Di Động cũng đã tăng 16%, tiêu tốn gần 15.200 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại được tiết giảm hơn 35% (tương đương mức giảm ròng hơn 1.100 tỷ).
Lãi vay cao khiến lợi nhuận tăng chậm
Thay đổi lớn nhất trong các chi phí hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ này từ đầu năm chính là chi phí tài chính (toàn bộ là chi phí lãi vay).
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, Thế Giới Di Động đã phải chi ra hơn 1.000 tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi vay. So với cùng kỳ năm 2021, mức chi này đã tăng hơn gấp đôi.
Ở chiều ngược lại, doanh thu từ hoạt động tài chính kỳ này mang về cho công ty hơn 1.000 tỷ, với khoảng 737 tỷ đồng đến từ lãi tiền gửi. Tuy nhiên, mức thu về này chỉ tăng chưa đầy 10% so với cùng kỳ.
Tính riêng quý III, chi phí lãi vay cũng đã tiêu tốn của Thế Giới Di Động 435 tỷ đồng, cao gấp 2,65 lần cùng kỳ năm 2021.
Thực tế, báo cáo tài chính của Thế Giới Di Động cho biết từ đầu năm 2020, việc lãi suất ngân hàng xuống thấp đã giúp chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) của công ty giảm đáng kể. Việc dùng tiền nhàn rỗi cho vay với bên thứ ba cũng đều đặn giúp công ty thu về hơn trăm tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động tài chính mỗi quý.
Tuy nhiên, trong hai quý gần nhất, chi phí tài chính của Thế Giới Di Động đã tăng vọt và cao hơn cả mức doanh thu hoạt động này mang về. Kết quả là công ty chịu lỗ thuần từ hoạt động tài chính trong hai quý gần nhất với tổng giá trị gần 150 tỷ đồng.
Tính riêng quý III, nhà bán lẻ này vẫn thu về 907 tỷ đồng lãi ròng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu so với quý liền trước, mức lãi này đã giảm 20%.
Các đơn vị phân tích cũng cho biết sự gia tăng của chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) là một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động chậm lại.
Công ty Chứng khoán SSI cho biết với nền so sánh thấp trong quý III/2021, khi công ty phải chịu tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam, mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 15% của Thế Giới Di Động đã thấp hơn so với dự báo.
Điều này có thể đến từ sự gia tăng chi phí tài chính và chi phí ghi nhận một lần liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động không hiệu quả.
Trong quý cuối năm nay, SSI dự báo chi phí tài chính của công ty này sẽ tiếp tục tăng do xu hướng lãi suất cao hơn; cơ cấu lại nợ sang kỳ hạn dài hơn và tiền Đồng mất giá. Diễn biến này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý cuối năm của Thế Giới Di Động.
Theo đó, lợi nhuận ròng quý IV của công ty dự kiến đạt 1.670 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Giảm dự báo lợi nhuận 2022-2023
SSI cũng điều chỉnh giảm 6% mức lãi ròng dự báo năm 2022 của Thế Giới Di Động xuống 5.160 tỷ đồng, từ mức 5.480 tỷ đồng trong dự báo trước đó. Đồng thời, mức lợi nhuận ròng năm 2023 cũng bị điều chỉnh giảm 18% xuống 5.860 tỷ đồng, từ mức 7.190 tỷ trước đó.
Theo chuyên gia phân tích tại SSI, lạm phát sẽ làm tăng chi phí cho Thế Giới Di Động, đồng thời làm giảm sức mua của người tiêu dùng, do đó công ty khó có thể chuyển phần tăng lên của chi phí sang giá bán cho khách hàng.
SSI dự báo lạm phát tiếp tục kéo dài trong vài quý tới, do đó sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng doanh thu của các cửa hàng Điện Máy Xanh, Thegioididong.com và Topzone. Điều này, cùng với việc mở mới cửa hàng chậm lại, sẽ gây áp lực giảm lợi nhuận của mảng điện máy, điện thoại vào năm 2023.
Đơn vị phân tích này cũng dự báo USD sẽ tăng giá 4,2%, trong khi lãi suất cho vay dự kiến tăng 0,5-1 điểm % trong quý cuối năm nay, từ đó làm giảm đáng kể doanh thu tài chính của Thế Giới Di Động.
Đến năm 2023, USD dự kiến tăng giá ở mức nhẹ hơn (khoảng 1-2%), trong khi lãi suất dự kiến tăng 1-1,5 điểm %. Do đó, trong giai đoạn 2022-2023, SSI ước tính Thế Giới Di Động sẽ lỗ lần lượt 227 tỷ đồng và 104 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.
Với mảng Bách Hóa Xanh, SSI kỳ vọng khả năng sinh lời sẽ cải thiện từ quý IV này nhờ doanh thu cửa hàng/tháng cải thiện và không phát sinh chi phí một lần liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả (công ty đã ghi nhận 540 tỷ đồng khoản chi phí này trong quý II và III).
Trên thị trường, cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động hiện giao dịch ở mức 40.450 đồng/đơn vị (cuối ngày 16/11), giảm hơn 45% trong vòng 3 tháng gần nhất. Tính từ đầu năm, thị giá cổ phiếu này cũng đã giảm hơn 41%.
Theo SSI, trong ngắn hạn, thị giá MWG có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như thị trường bán tháo, diễn biến không tích cực liên quan đến việc tăng lãi suất, tiền Đồng mất giá. Tuy nhiên, về dài hạn MWG vẫn là cổ phiếu tiềm năng.
Tác giả: Quang Thắng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy