Dòng sự kiện:
Lợi nhuận và tình hình tài chính kém ảnh hưởng đến triển vọng của Tập đoàn Hoa Sen
05/06/2018 06:00:12
Có thể thấy, cổ phiếu HSG trên thị trường ngày càng rớt sâu, đi cùng với tình hình kinh doanh kém sắc.

Kết thúc quý 1 niên độ 2017-2018, doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) đạt 7.663 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp gần như đi ngang cùng kỳ, đạt 1.181 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 10%, trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng 1-2%.

Điều này cũng đã được ban lãnh đạo HSG đề cập trước đó, trong niên độ 2017-2018, Tập đoàn đặt mục tiêu đạt 30 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 15% trong khi lãi sau thuế chỉ tăng 1% lên 1,35 ngàn tỷ đồng. Giải thích cho vấn đề này, ban quản lý HSG cho biết do thị trường tôn mạ đang dần xảy ra tình trạng dư cung, cộng thêm những thách thức trong cơ chế nhập khẩu của các quốc gia, sản lượng tiêu thụ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Thêm vào đó, lợi nhuận khổng lồ từ thị trường tôn mạ đang thu hút càng nhiều đối thủ cạnh tranh, thị trường trong nước do đó cũng đang trở nên ngày càng khốc liệt hơn. 

Hơn nữa, chi phí lãi vay tăng tới 70% với tổng dư nợ vay ngắn hạn 13.917 tỷ, tăng gần 5.000 tỷ so với hồi đầu kỳ, nợ vay dài hạn cũng tăng đáng kể lên mức 3.137 tỷ đồng. Được biết, tình trạng giảm thị phần tôn mạ kể từ năm 2012 được đánh giá xuất phát từ tốc độ tăng trưởng đầu tư của HSG đã thấp hơn toàn ngành, điều này khiến HSG phải "tích cực" tăng vay nợ để mở rộng đầu tư, hạ giá bán nhằm lấy lại thị phần. Chiến lược này bước đầu đã thành công khi thị phần HSG đã hồi phục lên 34,3% trong năm 2017 nhưng đổi lại, lợi nhuận năm ngoái của Tập đoàn đã giảm 11,5% và tiếp tục giảm sâu.

Bên cạnh chi phí lãi vay, chi phí bán hàng của Tập đoàn cũng tăng 35%, chi phí quản lý tăng gần 90% so với cùng kỳ. Kết quả là, HSG chỉ có lãi 87 tỷ đồng trong quý 1/2018, đây là con số thấp nhất trong vòng 4 năm qua của tập đoàn này.

Không chỉ vậy, bức tranh giao dịch cổ phiếu HSG một năm qua ngoại trừ Chủ tịch, còn lại thì cũng chỉ toàn là tên tuổi người nhà. Điển hình như Công ty Tam Hỷ hay Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đều do ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT. Trong đó, giao dịch bán 10 triệu cổ phiếu HSG của Công ty Tam Hỷ diễn ra lúc giá đang tăng mạnh, ngược lại những lần mua vào của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đều rơi vào vùng giá thấp. Ngoài ra, Thành viên HĐQT (không điều hành) Lý Văn Xuân cùng vợ và con gái cũng tích cực mua vào bán ra cổ phiếu HSG. Riêng với ông Vũ, luôn khẳng định giá cổ phiếu HSG sẽ tăng, năm qua những lần mua bán cổ phiếu HSG của ông Vũ đều gây chú ý mạnh với khối lượng giao dịch không hề nhỏ, hơn nữa "may mắn thay" lại mua tại vùng giá thấp và bán ra khi giá chạm đỉnh!

 

Diễn biến giá cổ phiếu HSG trong 3 tháng gần đây

Việc bán tháo cổ phiếu đối với chính người nhà khiến giới đầu tư nghi ngại,  người trong nhà cũng không còn niềm tin vào HSG? Kết quả kinh doanh còn khó khăn, rủi ro cạnh tranh tăng mạnh, giao dịch mua bán khối lượng lớn thông qua công ty con, liệu HSG thời gian đến sẽ như thế nào?

Mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng đã điều chỉnh giảm giả định biên lợi nhuận gộp xuống 14,3% từ 16,3% và dự báo LNST 2018 của HSG sẽ giảm mạnh 44% thay vì giảm 2% như trước đây.

Ngoài ra, VCSC áp dụng tỷ lệ chiết khấu 20% đối với giá mục tiêu khi xét thấy những giải trình của ban lãnh đạo về chi phí tăng mạnh và các diễn biến liên quan không phù hợp với các công ty trong ngành. Bên cạnh đó, định giá tại mức 5,7 lần năm 2018 không hấp dẫn vì triển vọng lợi nhuận kém khả quan và tình hình tài chính yếu. Kể từ khi chúng tôi ra báo cáo cập nhật trước vào tháng Tư, giá cổ phiếu đã giảm 49%.

Nhu cầu mạnh và vị thế dẫn đầu thị trường tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng doanh thu. VCSC dự báo tôn mạ và ống thép sẽ đạt tăng trưởng sản lượng lần lượt 11% và 17% nhờ hoạt động xây dựng trong nước sôi động và công ty mở rộng công suất cũng như mạng lưới bán lẻ.

Việc đẩy mạnh mở rộng công suất và mạng lưới bán hàng quá nhanh gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính, tuy nhiên tỷ lệ đòn bẩy nhiều khả năng đã đạt đỉnh. HSG có lượng hàng tồn kho lớn, vốn lưu động chịu áp lực, dòng tiền hoạt động âm và tỷ lệ đòn bẩy cao chủ yếu do việc đẩy mạnh mở rộng công suất và mạng lưới bán hàng, trong khi đó dòng tiền hiện nay phần lớn được dùng để trả nợ gốc và lãi vay. Với tỷ lệ nợ ròng / vốn chủ sở hữu 2,9 lần và triển vọng lợi nhuận kém tích cực, tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lợi nhuận của HSG trong giai đoạn dự báo.

Tuy nhiên, VCSC cho rằng do HSG đang ở vào cuối chu kỳ đầu tư XDCB do đó tỷ lệ đòn bẩy sẽ giảm dần. Chúng tôi dự báo tỷ lệ nợ ròng / EBITDA năm 2022 sẽ giảm xuống 3,3 lần từ 4,9 lần cuối năm 2018. Sau khi đánh giá khả năng thanh toán lãi vay và nợ gốc của công ty, chúng tôi lưu ý rằng EBITDA phải giảm mạnh 65%-70% thì tỷ lệ khả năng thanh toán nợ có thể giảm xuống dưới 1 lần. Theo chúng tôi được biết, công ty đề ra mục tiêu tỷ lệ nợ ròng/ vốn chủ sở hữu không quá 3 lần.

Dự báo biên lợi nhuận tiếp tục giảm vì giá thép cán nóng cao. VCSC dự báo biên lợi nhuận 2018 giảm xuống 14,3% từ 16,9% năm 2017 vì giá thép cán nóng, nguyên liệu chính của HSG, từ đầu năm đến nay tiếp tục giữ mức cao.

Thu Hà 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến