Dòng sự kiện:
Lợi nhuận Vicem 'lao dốc' thấp nhất trong 7 năm
09/01/2023 18:00:20
Giá đầu vào tăng trong khi nhu cầu xuất khẩu suy giảm khiến Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lãi hơn 1.500 tỷ đồng năm 2022, thấp nhất trong vòng 7 năm.

Vicem vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với tổng doanh thu ước đạt 39.453 tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch năm 2022 và tăng hơn 16% so với năm 2021. Nhu cầu tiêu thụ yếu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến... khiến lợi nhuận của Vicem giảm hơn 30% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Tổng Công ty xi măng Việt Nam lãi thấp kỷ lục.

Vicem lãi trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) 1.532,3 tỷ đồng, bằng 89,8% kế hoạch năm 2022 và giảm 30,5%, tương đương giảm 672 tỷ đồng so với năm 2021. Tổng công ty này nộp ngân sách Nhà nước 1.863 tỷ đồng, đạt 98,4% kế hoạch năm và giảm 14% so với năm ngoái.

Theo đó, sản lượng sản xuất clinker đạt 20,65 triệu tấn, bằng 95,1% kế hoạch năm 2022 và giảm 3,8% so với năm 2021. Năng suất trung bình lò nung toàn hệ thống Vicem thực hiện là 63.737 tấn/ngày, thấp hơn so với kế hoạch năm 2022 là 64.757 tấn/ngày. Thời gian hoạt động lò nung trung bình toàn Vicem thực hiện năm 2022 là 324 ngày/dây chuyền. Sản lượng sản xuất xi măng năm 2022 đạt 24,56 triệu tấn, tương đương 94,8% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với năm 2021. Tuy sản lượng sản xuất chưa bằng mức kế hoạch đặt ra nhưng vẫn tăng so với năm 2021.

Tổng sản phẩm tiêu thụ của Vicem trong năm 2022 đạt 27,46 triệu tấn, đạt 93,2% kế hoạch năm 2022 và giảm 6,7% so với năm 2021, trong đó tiêu thụ xi măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm trước; tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 2,88 triệu tấn, giảm 45,6%. Các chỉ tiêu tiêu thụ nói trên đều chưa đạt kế hoạch năm.

Theo Tổng Giám đốc Vicem Lê Nam Khánh, mặc dù, đã chủ động xây dựng trước các kịch bản điều hành như dừng lò nung dài ngày để thực hiện sửa chữa lớn và tiếp tục dừng lò sau sửa chữa hoặc phải vận hành giảm năng suất để hạn chế đổ clinker ra bãi, song có lúc vẫn còn lúng túng do biến động quá lớn...

Các tác động về thị trường xuất khẩu, nhu cầu xi măng sụt giảm, ảnh hưởng của nguồn than có nhiệt trị thấp cùng những yếu tố khách quan, chủ quan khác đã đẩy Công ty CP Xi măng Hạ Long có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nặng và là nhân tố chính đưa Vicem không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Hoạt động sáp nhập thương hiệu (Sông Thao vào Hải Phòng, Tam Điệp sáp nhập vào Bỉm Sơn, Hải Vân vào Hoàng Thạch) bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Song vẫn còn nhiều vướng mắc, khó tháo gỡ, đặc biệt việc chuyển giao vốn của công ty mẹ Vicem đầu tư tại các công ty con bị sáp nhập về công ty con nhận sáp nhập chưa thực hiện được.

Năm 2023, thị trường xi măng trong nước dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của Covid-19; các công trình, dự án cũng chậm triển khai thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Đáng chú ý, xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tiếp tục làm giảm lợi thế về giá trị thương hiệu xi măng Vicem, dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, từ ngày 1/1/2023, Việt Nam áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên mức 10%...

Tác giả: Ngọc Mai

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : lợi nhuận , vicem
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến