Lối thoát nào cho nông dân khi bị các doanh nghiệp “đại gia” “ngâm” nợ?
19/08/2014 15:25:54
Những năm gần đây, tình trạng các “ông lớn” doanh nghiệp nợ dầm dề tiền mua sản phẩm của nông dân liên tục diễn ra. Vừa “thấp cổ bé họng”, vừa thiếu kiến thức pháp luật trong việc đòi nợ, những nông dân này thường lâm vào tình cảnh “được vạ thì má đã sưng”. Để giảm thiểu rủi ro, họ cần phải làm gì và đặc biệt, vai trò của các cấp chính quyền có ý nghĩa như thế nào trong trường hợp này?

Khi thành quả lao động bị “chiếm dụng” công khai
 
Đầu năm 2012, nông dân “miền Tây gạo trắng nước trong” rúng động trước thông tin Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco), một doanh nghiệp “máu mặt” trong ngành thu mua, chế biến hải sản do bà Phạm Thị Diệu Hiền làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc lâm cảnh nợ nần có nguy cơ phá sản. Hàng trăm nông dân bán cá tra bị công ty này “ngâm” nợ đã kéo đến vây kín nhà máy và biệt thự của bà Hiền giăng biểu ngữ, phát loa đòi nợ trong lúc “nữ đại gia” đang xuất cảnh chữa bệnh. Báo chí xôn xao đưa tin bởi Bianfishco là công ty nhiều năm liền đoạt cúp Bông hồng vàng tại Việt Nam và từng sưu tập được nhiều giải thưởng về chất lượng trên thế giới. Sự việc “nóng” đến mức Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn yêu cầu UBND TP Cần Thơ kiểm tra  sự việc, nếu đúng phải có biện pháp xử lý và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 
Công ty Cổ phần Đường Bình Định.

Mọi việc “tóe loe” khi UBND thành phố Cần Thơ lập Tổ kiểm tra tình hình nợ, đối chiếu sổ sách mới thấy Bianfishco có số nợ phải trả lên đến 1.584 tỷ đồng, trong đó có 261 tỷ nợ tiền mua cá của nông dân. Chờ chực đòi nợ mãi không xong, nhiều người trong số họ đã đâm đơn kiện Bianfishco ra tòa và hầu hết đều thắng kiện. Tuy nhiên, phải đợi đến cuối năm 2012, sau khi Bianfishco được Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) “tiếp sức”, họ mới nhận được tiền bán cá cho công ty từ năm 2011.
 
Vụ việc “lùm xùm” tại Bianfishco chưa kịp lắng xuống thì đến tháng 12/2012, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại liên tục xuất hiện các trang viết về Nhà máy sản xuất cồn Ethanol Đại Tân (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) thuộc Công ty Cổ phần Đồng Xanh bị nông dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam kéo đến bao vây đòi nợ. Chính thức hoạt động từ tháng 4/2011, đây là Nhà máy sản xuất xăng sinh học được xem là lớn nhất Việt Nam, góp phần thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007. Vì vậy, đầu tháng 02/2012, trong chuyến công tác tại tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghé thăm và tặng quà cán bộ, công nhân Nhà máy. Nhân dịp này, lãnh đạo Nhà máy đã báo cáo với Chủ tịch nước tình hình hoạt động trong năm 2011 như sản xuất được 45.000 tấn Ethanol, doanh thu đạt 967 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 13 tỷ. Dự kiến năm 2012 phấn đấu sản xuất được 80.000 tấn Ethanol, doanh thu khoảng 1.500 tỷ. Tuy nhiên điều đó chỉ là “giấc mơ đẹp”. Và “giấc mơ đẹp” lịm tắt vào thời điểm tháng 10/2012, khi Công ty Đồng Xanh bị nợ vây tứ bề phải ngừng sản xuất. Nợ Ngân hàng, nợ lương công nhân, nợ người bán sắn, nợ các công ty cung ứng dịch vụ…Đến mức ông Lưu Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Đồng Xanh đã phải “lặn” mất tăm một thời gian và đến khi bị người dân bao vây xe ngay tại cổng nhà máy chỉ còn biết than thở: “Tôi bó tay rồi, tôi hết cách rồi”.
 
Đơn thư gửi tới tấp đến UBND tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan để giải quyết theo hướng ưu tiên trả nợ cho người bán sắn và nợ lương công nhân. Nhưng điều này đã không thể thực hiện vì vấp phải ý kiến phản đối của Ngân hàng Techcombank và Ngân hàng Đầu tư-Phát triển (BIDV) hiện đang nắm giữ tài sản thế chấp gồm cả Nhà máy và 1.500 khối Ethanol lưu kho của Công ty Đồng Xanh.
 
Tại Tờ trình số 49/TTr-UBND ngày 04/01/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam gửi Thủ tướng Chính phủ có báo cáo tổng nợ của Công ty Đồng Xanh là 650 tỷ đồng, trong đó nợ Ngân hàng 550 tỷ, số còn lại là nợ các doanh nghiệp và người bán sắn. Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam liên tục phát Công văn “cầu cứu” Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp và các Bộ, Ngành liên quan nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Rốt cuộc, sau gần hai năm đeo bám đòi nợ với bao tốn phí, những người bán sắn chỉ mới được Công ty chi trả hơn 1 tỷ đồng trong tổng số 21 tỷ tiền nợ. Gần 20 tỷ còn lại thì chưa biết đến bao giờ vì trong cuộc họp mới đây, ngày 31/7/2014 tại trụ sở Công ty, ông Lưu Quang Thái vẫn trả lời với luận điệu quen thuộc rằng đang có đối tác muốn đầu tư tái cơ cấu lại Công ty, lúc ấy sẽ có tiền thanh toán cho bà con, có thể là trong tháng 8/2014 này (?)
 
Sự việc tương tự cũng xảy ra tại Công ty Cổ phần Đường Bình Định (BISUCO, có trụ sở tại huyện Tây Sơn, Bình Định) vào tháng 5/2014 khi hàng trăm nông dân ở các tỉnh Gia Lai, Bình Định kéo đến bao vây nhà máy đòi tiền bán mía. Từ năm 2006, theo chủ trương cổ phần hóa, Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ) đã mua hơn 90% cổ phần của BISUCO và cắt cử Tổng Giám đốc là người Ấn và Phó Tổng Giám đốc là người Việt. Mấy năm sau đó, BISUCO làm ăn khấm khá, đạt lợi nhuận sau thuế khá cao. Nhưng từ năm 2011, do đầu tư sai mục đích, đồng thời giá đường giảm mạnh nên Công ty bắt đầu nợ “đọng” Ngân hàng và tính đến tháng 4/2014 đã nợ tiền mua mía của nông dân đến 46 tỷ. Trong khi theo hợp đồng, tiền mua mía sẽ được thanh toán sau 3 ngày cân nhập tại nhà máy. Vì vậy, hàng trăm người đã tập trung bao vây Công ty đòi nợ.
 
Cùng một kịch bản với Bình An và Đồng Xanh, giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”, Tồng Giám đốc BISUCO đột nhiên “mất tích”. Nhận thấy tình hình trở nên nghiêm trọng, UBND tỉnh Bình Định đã quyết liệt yêu cầu Phó Tổng Giám đốc công ty phải mở kho nhà máy xuất bán hơn 2.350 tấn đường các loại và 947 tấn mật với tổng số tiền hơn 28,6 tỷ đồng chi trả cho nông dân. Sau đó, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục gửi Công văn  lên Bộ Ngoại giao đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ và Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh can thiệp với Tập đoàn Anagar Juna tiếp tục trả số nợ còn lại. Nhờ vậy, đến cuối tháng 6 vừa qua,  BISUCO đã thanh toán dứt điểm số nợ 46 tỷ này và hoạt động trở lại. Đây là cái kết “đẹp”, có hậu cho cả nông dân lẫn nhà máy.
 
Tầm quan trọng của chính quyền trong giải quyết vụ việc
 
Cả ba doanh nghiệp nợ tiền nông dân trên đây có nhiều điểm chung: Đều là công ty cổ phần tư nhân, có hai doanh nghiệp có vốn nước ngoài (30% cổ phần ở Công ty Đồng Xanh là người Trung Quốc và 90% cổ phần ở Công ty Đường Bình Định là người Ấn Độ), đồng thời nợ ngân hàng, nợ nông dân và cả ba trường hợp đều nợ nghiêm trọng đến mức phải nhờ đến UBND tỉnh can thiệp.
 
Tuy nhiên, về tính chất, mức độ, hiệu quả của sự can thiệp này có khác nhau. Nếu UBND thành phố Cần Thơ lập Tổ Kiểm tra tình hình nợ của Bianfishco theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ thực sự vào cuộc sau khi nhận được đơn của nông dân, còn UBND tỉnh Bình Định đã “xắn tay áo” giải quyết ngay khi phát sinh tình huống nông dân bao vây nhà máy BISUCO.

 
Tờ trình của UBND tỉnh Quảng Nam gửi Thủ tướng Chính phủ.

Về mức độ, cách thức xử lý của chính quyền từng địa phương cũng có điểm khác biệt. Cả ba công ty trên đây đều là những doanh nghiệp điển hình của ba tỉnh thành nên đương nhiên chính quyền phải nỗ lực tìm cách giúp doanh nghiệp khỏi lâm tình cảnh phá sản. Vì vậy, UBND thành phố Cần Thơ và UBND tỉnh Quảng Nam đã phải cầu viện đến Chính phủ và các Bộ, Ngành trung ương. Riêng UBND tỉnh Bình Định thì không những không phát Công văn kiến nghị TW trợ giúp mà còn cương quyết nói “không” với đề nghị của BISUCO nhờ bảo lãnh nợ đối với nông dân. Những động thái quyết liệt như buộc nhà máy mở kho xuất bán đường, gửi kiến nghị nhờ Bộ Ngoại giao can thiệp đã nhanh chóng ổn định tình hình, giúp nông dân lấy được nợ trong thời gian sớm nhất.
 
Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Nam qua năm, bảy lần họp cũng chỉ đưa ra được những lời động viên nông dân kiên nhẫn chờ hướng giải quyết. Và khi lời đề nghị Techcombank nhượng bớt 50% tiền bán cồn lưu kho trả nợ cho dân bị “phớt lờ” thì tỉnh hầu như cũng “bó tay”. Trong khi theo Báo cáo của Công ty Đồng Xanh, chỉ tính trong hai năm 2011 và 2012, công ty này đã phải trả lãi cho hai ngân hàng Techcombank và BIDV trên hai trăm tỷ. Cũng cần nói thêm ngay từ năm 2012, đã có một vài luật sư tư vấn cho những người bị Công ty Đồng Xanh nợ tiền sắn khởi kiện ra tòa nhưng họ đã không làm vì tin vào lời hứa giải quyết của UBND tỉnh Quảng Nam. Nên giờ đây họ đang thực sự “sốc” trước câu trả lời của ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam với báo chí rằng các khoản nợ của dân không có chứng từ và vì có các chứng từ hợp pháp nên các ngân hàng đã khởi kiện Công ty Đồng Xanh.
 
Giải pháp nào giúp nông dân tránh, thoát bị doanh nghiệp “ngâm” nợ?
 
Dễ dàng nhận thấy trong mối quan hệ tay ba giữa doanh nghiệp, ngân hàng và nông dân bán sản phẩm, người nông dân luôn ở “chiếu dưới”, dễ bị tổn thương và thường bị thua thiệt. Khi doanh nghiệp lâm vào vòng xoáy nợ nần, họ luôn là người nắm đằng “chuôi”, còn ngân hàng lúc nào cũng nắm đằng “lưỡi” vì đang nắm giữ tài sản thế chấp. Vì vậy, khi doanh nghiệp buộc phải giải thể hoặc phá sản, khả năng mất mát đối với họ là rất lớn.
 
Trong khi hiện nay, chưa có định chế pháp luật nào để bảo vệ cho người nông dân trong trường hợp này. Ngay tại mục a, khoản 4, điều 158 của Luật Doanh nghiệp quy định thủ tục giải thể doanh nghiệp cũng chỉ ghi: “Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây: a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết. b)Nợ thuế và các khoản nợ khác”.
 
Đồng thời, việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính chỉ được đặt ra đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ. Còn đối với doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có định chế cụ thể ràng buộc trong khi việc chiếm dụng vốn của nông dân bằng hình thức nợ xấu, nợ đọng sẽ vẫn còn tiếp diễn.
 
Thực trạng đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ để bảo vệ nông dân trong trường hợp này. Tăng cường giám sát thông tin công nợ, minh bạch hóa hoạt động của các doanh nghiệp để tránh cho nông dân lâm vào hoàn cảnh “chuyện đã rồi”. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng cần có giải pháp nâng cao kiến thức pháp luật, hỗ trợ kịp thời cho người dân khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp nợ nần với doanh nghiệp. Từ đó mới có thể giảm thiểu rủi ro cho nông dân khi bị doanh nghiệp “ngâm” nợ.
 
NGUYỄN TOÀN - phaply.net.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến