Dòng sự kiện:
Lũ giữa mùa khô, đến quá bất ngờ, người dân không kịp trở tay
03/04/2022 08:18:29
Trận mưa lũ bất thường xảy ra giữa mùa khô khiến hàng nghìn héc-ta lúa vụ Đông - Xuân bị ngập sâu, đẩy nhiều nông dân Quảng Trị vào cảnh trắng tay.

Bất lực nhìn vụ mùa mất trắng

Đứng trước cánh đồng mênh mông nước, anh Hồ Văn Vững (trú ở thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bất lực nhìn toàn bộ diện tích lúa chăm sóc bấy lâu ngập sâu trong nước.

Anh Vững bất lực nhìn cánh đồng lúa bị ngập trắng.

Với người nông dân Quảng Trị, vụ lúa Đông - Xuân là vụ sản xuất chính, thường thuận lợi vì tránh được bão lũ, thiên tai. Vậy mà vụ này, nhiều người bỗng rơi nước mắt, bị trận lũ trái mùa "cướp" sạch.

"Từ khi lớn lên, tôi luôn hiểu rằng, mưa lũ chỉ xảy ra vào giai đoạn tháng 7, tháng 8, khi bước vào thu hoạch lúa Hè - Thu, chưa từng thấy trận mưa lũ nào xảy ra trái mùa như này. Nguồn thu chính của gia đình tôi lâu nay chỉ trông chờ vào mấy mẫu ruộng, giờ lũ kéo về, toàn bộ diện tích bị mất trắng", anh Vững bần thần.

Nhiều cánh đồng ngập trắng xóa trong mưa lũ giữa tiết thanh minh.

Vụ mùa năm nay, anh Vững canh tác 2 mẫu lúa mà hiện tất cả diện tích bị ngập sâu trong nước và có thể mất trắng.

Ông Nguyễn Xuân Quả (73 tuổi, trú tại thôn Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng) cho biết, do mưa lũ xảy ra bất ngờ nên một phần diện tích lúa và hoa màu của gia đình bị ảnh hưởng.

Ông Quả ngậm ngùi nhìn đồng lúa bị ngập sâu trong nước lũ.

Từ hôm qua đến nay, mặc dù mưa lớn nhưng ông Quả cùng người dân trong Hợp tác xã nông nghiệp Kim Long vẫn dầm mưa, nỗ lực khuân đất, mong cứu được lúa trước nguy cơ bị ngập úng.

Hơn 70 tuổi, ông Quả vẫn ra đồng, cùng cả gia đình nỗ lực cứu lúa.

Theo ông Quả, hiện bà con tập trung ra đồng để đắp đất ngăn nước tràn sâu vào đồng ruộng. Còn với những diện tích lúa đã bị ngập sâu trong nước, nguy cơ mất trắng rất cao.

"Từ trước đến nay tôi đã chứng kiến nhiều cơn lũ lịch sử nhưng chưa có trận mưa lũ nào dị thường xảy ra đầu mùa khô như vậy. Lũ đến quá bất ngờ nên người nông dân không kịp trở tay", ông Quả bày tỏ.

Người dân đắp bao cát ngăn nước tràn vào đồng ruộng.

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Liêm (thôn Kim Long, xã Hải Quế) cho hay, lúa hiện đang trong giai đoạn trổ bông mà gặp mưa trái mùa, bị ngập sâu trong nước nên nguy cơ mất trắng vụ mùa rất lớn.

"Gia đình tôi canh tác 1,5ha lúa, kinh phí đầu tư gần 20 triệu đồng. Hiện phần lớn diện tích bị ngập trong nước rồi, cố gắng cứu được phần nào hay phần đó", anh Liêm cho hay.

Tích cực tiêu úng "cứu" lúa, giảm thiệt hại

Tại cánh đồng xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, từ chiều 1/4 đến nay, hầu hết nông dân ở Hợp tác xã Kim Long đều dồn ra đồng, đắp đê cứu lúa. Khi các phương tiện chở đất, cát đến gần khu vực thấp trũng, người dân sẽ xúc cho vào các bao rồi vận chuyển đến chân ruộng, đắp bờ bao để ngăn nước tràn vào cánh đồng.

Ông Hoàng Ngọc Thập, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quế cho biết: "Trong những ngày qua, xã đã huy động hơn 800 người dân của 3 thôn Kim Long, Đơn Quế và Hội Yên cùng nhiều máy móc, nỗ lực gia cố các tuyến đê, kè cũng như đắp bờ bao. Toàn bộ máy bơm từ các trạm bơm, hợp tác xã trên địa bàn cũng hoạt động ngày đêm để tiêu úng cho lúa. Toàn xã có 400ha lúa, trong đó hơn 80ha bị ngập nặng".

Tại xã Hải Phong, ông Bùi Xuân Giang - Chủ tịch UBND xã cho biết, mưa lớn khiến hầu hết các đê bao trên địa bàn bị tràn. Toàn xã có hơn 1.100ha lúa đang thời kỳ trổ bông hiện ngập trắng.

Ông Bùi Phước Trang - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, do lượng mưa lớn kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về nên toàn bộ hệ thống đê bao tại huyện Hải Lăng đã bị ngập. Hiện diện tích lúa của địa phương này bị ngập hơn 5.200ha.

"Trong ngày hôm nay (2/4), các địa phương tiếp tục gia cố những vùng xung yếu để bảo vệ diện tích cây trồng chưa bị ngập, huy động các hệ thống bơm tiêu úng, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra", ông Trang nói.

Lực lượng các địa phương túc trực bơm nước tiêu úng cho lúa.

Người nông dân thường truyền tai nhau câu nói "lũ tháng 3, cháy nhà tháng 7" có ý nghĩa cảnh báo phải đề phòng những sự kiện diễn ra bất thường như lũ trong mùa khô (tháng 3), hỏa hoạn giữa mùa mưa (tháng 7) như vậy thì khó trở tay, có thể đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng. Tháng 3 mọi tài sản, của cải (lúa, ngô, lạc, sắn) vẫn ở ngoài đồng, nếu lũ đến bất ngờ sẽ gây hư hỏng toàn bộ, trắng tay. Còn tháng 7, khi lúa thu hoạch xong, ngô, đậu cũng vãn mùa, đã phơi khô cất vào kho, nếu cháy nhà thì tan hoang, không còn gì...

Người dân đều tập trung ra đồng để chống ngập cho lúa.

Mọi nỗ lực để tiêu úng, chống ngập, cứu lúa.

Ruộng lúa đang vào kỳ trổ bông bị lũ cuốn tan hoang.

"Chưa năm nào tôi gặp trận lụt trái mùa, đúng vào lúc lúa làm đòng như năm nay. Vụ này làm ăn cả năm mà giờ ngập hết thế này, sẽ rất khó khăn", ông Nguyễn Cư (xã Hải Quế) xót xa.

Người dân đội cát để đắp đê chống ngập.

Theo người dân, việc đắp đê chỉ là giải pháp tạm thời nếu tiếp tục mưa sẽ không chống đỡ nổi.


Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng cho nền nông nghiệp địa phương. Toàn tỉnh có hơn 8.400ha lúa và gần 2.700ha cây trồng các loại bị ngập úng, đổ ngã. Riêng huyện Hải Lăng bị ngập hơn 6.3000ha lúa, 1.500ha cây hoa màu; huyện Triệu Phong bị ngập gần 900ha lúa và 650ha hoa màu...

Tác giả: Đăng Đức

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến