Lừa xin việc làm: “Chém gió” được tiền tỷ
09/09/2014 09:36:28
ANTT.VN - Rất nhiều kẻ lừa đảo đã thực hiện “trót lọt” những phi vụ “chém gió” ra tiền tỷ nhàn tênh trong câu chuyện lừa đảo xin việc làm. Không ít những gia đình vì tâm lý “việc nhàn, người nhà nước, lương cao” mà “sập bẫy”.
Những vụ lừa trót lọt gần 1 tỷ đồng

Phạm Hữu Cầu - 53 tuổi (trú tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) không có nghề nghiệp nhưng Cầu lại có nghề “chém gió”. “Chém gió” ra tiền tỷ. Không kiếm được việc làm ở quê, Cầu về Hà Nội tìm cách làm quen với những người có nhu cầu tìm việc làm tại các cơ quan nhà nước. Để tăng niềm tin, Cầu khẳng định, trong thời gian từ 30 đến 45 ngày kể từ lúc nhận hồ sơ xin việc, người nộp hồ sơ sẽ được tiếp nhận vào cơ quan làm việc. Tưởng những điều Cầu nói là thật, chị Nguyễn Tuyết Lan (trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã nhờ Cầu xin việc cho một số người thân, quen trong gia đình vào làm trong Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Bị cáo Phạm Hữu Cầu tại phiên tòa ngày 12/8

Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8/2013, 16 người thân, quen trong gia đình chị Lan đã đưa hồ sơ xin việc và số tiền 1 tỷ đồng cho chị Lan để nhờ để nhờ Cầu xin việc hộ cho người thân, quen vào bệnh viện. Đến thời hạn hẹn như đã hứa, Cầu không xin được việc cho bất kỳ ai trong số 16 người thân, quen của chị Lan. Khi chị Lan tìm hiểu thì đã phát hiện ra những điều Cầu nói là gian dối nên đã đòi lại số tiền đã đưa cho Cầu thì Cầu nói không có khả năng hoàn trả. Tại cơ quan công an, đối tượng Cầu đã khai nhận ngoài 16 trường hợp trên, cũng bằng hình thức lừa xin việc làm tại bệnh viện, Cầu đã lừa của hai nạn nhân khác để chiếm đoạt số tiền 355 triệu đồng.

Cũng giống như đối tượng Phạm Hữu Cầu, Ngô Thị Hiền (vợ của nguyên Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) chỉ là một phụ nữ đảm trách công việc nội trợ cho gia đình, thế nhưng từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2013, Ngô Thị Hiền đã nói dối với nhiều người là có khả năng xin việc làm ở một số cơ quan hành chính sự nghiệp, nhưng phải đưa tiền “lót tay”. Bằng chiêu thuật này, Hiền đã lừa đảo chiếm đoạt của 10 người với tổng số tiền hơn 770 triệu đồng. Hai đối tượng Phạm Hữu Cầu và Ngô Thị Hiền đã bị khởi tố về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều đối tượng thực hiện trót lọt những vụ lừa đảo để xin việc. Do thiếu thông tin về quy trình tuyển và cả tin vào những lời hứa hẹn của các đối tượng nên nhiều người dân đã “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Mặt nạ không hoàn hảo

Trao đổi với phóng viên ANTT, điều tra viên Phòng điều tra án kinh tế (Cục điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng) chia sẻ: “Các đối tượng lừa đảo thường “nhắm” vào những người đang có nhu cầu xin việc làm, đặc biệt là những người  ở tỉnh xa. Họ có ít thông tin cụ thể và chính xác về tuyển dụng việc làm. Bên cạnh đó, rất nhiều người có học thức thấp nhưng lại có nhu cầu và mong muốn xin về làm tại các cơ quan nhà nước cũng là “nguồn khách hàng” để các đối tượng tiếp cận”.

Các đối tượng lừa đảo có thể tiếp cận trực tiếp, tìm người để lừa. Hoặc gián tiếp qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè, đồng nghiệp có quen biết với các đối tượng lừa đảo này. Hầu hết, các đối tượng lừa đảo này đều thực hiện với thủ đoạn “đánh trúng tâm lý” con người. Chúng gieo, tạo niềm tin với “nguồn khách hàng” bằng cách cư xử đúng mực, có tri thức, ga lăng. Những kẻ hoạt ngôn thường dùng lời nói “có mật”, những người không hoạt ngôn thì dùng lối sống để đánh vào tâm lý. Chúng “đội lốt” là những người có học thức cao, có địa vị trong xã hội, hay là những đại gia “kếch xù” nhà lầu – xe hơi.

Tiền mất, việc làm không có. Đây có lẽ là những bài học đắt giá và những lời cảnh báo cho rất nhiều người đang có tâm lý muốn xin việc làm, đặc biệt là vào các cơ quan nhà nước. Sự cẩn trọng vẫn không bao giờ thừa trong câu chuyện lừa đảo xin việc làm.

Thu Thủy

 
 
 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến