Dòng sự kiện:
Luận án Tiến sỹ nghiên cứu chữ trong bìa sách: Cái tên không nói lên tất cả
03/10/2017 07:30:26
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng không nên chỉ nhìn vào cái tên để đánh giá chất lượng một công trình khoa học.

Tin tức báo Đời sống Pháp luật đăng tải, theo thông tin trên trang web của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ngày 25/7, đơn vị này có tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến với đề tài: Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam, chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật.

Đề tài Luận án Tiến sỹ về tìm hiểu nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách.

Cũng theo nguồn tin trên, mục đích nghiên cứu của luận án nhằm làm rõ đặc điểm nhận diện của nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam; phân tích, so sánh những biến đổi nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn này dưới tác động của kỹ thuật công nghệ so với các thời kỳ trước.

Tuy nhiên, khi hình ảnh mang tên đề tài luận án tiến sĩ trên xuất hiện trên mạng thì có nhiều ý kiến cho rằng "rất lạ, khó ứng dụng trong thực tế".

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã trả lời trên báo Dân Việt rằng: Luận án tiến sĩ này là một công trình khoa học, để được bảo vệ, luận án này phải trải qua thời gian nghiên cứu dài dưới sự giám sát của nhiều nhà khoa học có chuyên môn cao. Đề tài cũng được thẩm định từ các hội đồng chấm đề cương, đến hội đồng chuyên đề, hội đồng thảo luận đề án bộ môn, hội đồng chấm luận án ở cơ sở, rồi đến hội đồng chấm luận án ở Viện….

“Tùy từng hội đồng đều có số lượng nhất định các nhà khoa học tham dự phản biện. Trước đó, nghiên cứu sinh cũng phải đưa lên mạng để lấy ý kiến của các nhà khoa học khác trong vòng 30 ngày. Sau khi có tất cả nhận xét thì họ mới được bảo vệ luận án cấp Viện”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho rằng, để đánh giá chất lượng của một công trình khoa học không nên chỉ để ý đến cái tên của công trình đó mà thực ra phải xem xét hàm lượng khoa học của công trình như thế nào, những phát hiện ra sao, sự áp dụng, ứng dụng vào thực tế như thế nào?...

“Nhiều công trình khoa học tên của nó không hấp dẫn nhưng ý nghĩa khoa học rất lớn, nếu như chỉ đọc một cái tên không mà khái quát và nhận xét cả một công trình thì rất không nên”, ông Sơn khẳng định.

Cũng theo ông Sơn, các công trình khoa học là do các hội đồng đưa ra đánh giá, vì vậy, để có nhận định thiết thực nhất phải có ý kiến của các hội đồng này. Các hội đồng khoa học chính là người sẽ trả lời chính xác nhất những vấn đề dư luận đang băn khoăn. Hiện, Viện đã cho các hội đồng khoa học họp để đưa ra ý kiến và sẽ có trả lời chính thức trong thời gian sớm nhất.

Xuân Tùng (Tổng hợp)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến