Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)
Tại phiên họp Quốc hội chiều 21/7, ông Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho biết dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án Luật này vào chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp.
"Theo dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022), Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi (cho ý kiến lần 2). Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp,” ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Thảo luận nội dung trên, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình về dự thảo tờ trình, song một số ý kiến cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần "quyết tâm hơn" để sớm hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, để bộ luật này sớm được thông qua, đi vào cuộc sống.
Đất đai chưa được quản lý tốt
Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám cho rằng dự kiến lấy ý kiến và thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi nêu trên là sự thận trọng có cơ sở bởi tính phức tạp và nội dung rộng lớn của vấn đề.Dẫn lại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng dự án Luật Đất đai sửa là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ, là quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả và hợp lý đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng đất đai thời gian qua cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều vi phạm vẫn xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương thông qua việc giao đất, thu hồi đất.
Có chung quan điểm, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng việc sửa đổi Luật Đất đai là hết sức cần thiết để giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, đảm bảo quyền sở hữu tài sản của công dân. Vì thế, bà rất vui khi Luật Đất đai sửa đổi được đưa vào chương trình dự kiến và thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) theo quy trình tại 3 kỳ họp. Riêng trong năm 2022, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được lấy ý kiến 2 lần tại kỳ họp thứ hai và thứ ba.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, mặc dù đến giữa năm 2023, dự án này mới được thông qua và đến đầu năm 2024 mới có hiệu lực và sau đó sẽ vẫn cần có văn bản hướng dẫn thi hành và có thể sẽ còn kéo dài đến cuối nhiệm kỳ thì luật mới đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đây là một dự án luật điều chỉnh có tác động đến nhiều quy định cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác.
“Vì thế, tôi thống nhất với phương án là sẽ xem xét thông qua tại 3 kỳ họp, song tôi cũng đề nghị nên đưa dự án này vào kỳ họp cuối của năm 2021, để tiến độ hoàn thành sửa đổi luật hoàn thành sớm hơn,” đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nhấn mạnh.
Đại biểu tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)
Ngoài ra, đại biểu của tỉnh Kiên Giang cũng lưu ý để bộ luật này sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan hữu quan có liên quan cũng cần cố găng để sớm đưa Luật Đất đai sửa đổi ra Quốc hội, để kịp thời giải quyết nhiều bất cập trong thực tế hiện nay.
Hàng trăm nghìn tỷ nguy cơ ứ đọng
Khẳng định việc Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua Luật Đất đai sửa đổi qua tại 3 kỳ họp là nội dung rất quan trọng, song Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Lê Xuân Thân cũng lưu ý rằng đây cũng là một trong những vấn đề mà Quốc hội khóa XIV đã bàn.
Theo đại biểu Lê Xuân Thân, Quốc hội năm 2018 cũng đã đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2019 là xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, năm 2019 không xây dựng, năm 2020 cũng không xây dựng mà chuyển sang Quốc hội khóa XV. Đến nay, dự kiến sẽ xây dựng vào năm 2022 với 2 kỳ họp đầu cho ý kiến, và tới năm 2023 mới xem xét thông qua.
“Tôi thống nhất với dự báo và nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cứ ghi vào chương trình 3 kỳ họp để lấy ý kiến. Tuy nhiên, vấn đề này nên giao cho Chính phủ và các bộ, ngành, các đơn vị, làm thế nào để đến năm 2022 sẽ ban hành được nội dung này để sửa đổi. Có như vậy mới thể hiện được sự quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan pháp luật trước một vấn đề rất ‘nóng bỏng’ và rất cần sự thay đổi,” đại biểu Lê Xuân Thân nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Thân cũng cho rằng việc lấy ý kiến, thông qua Luật Đất đai sửa đổi là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi đây là bộ luật có tác động rất lớn tới rất nhiều lĩnh vực.
Đơn cử như thị trường bất động sản, bây giờ giá tăng rất mạnh, thậm chí có thể dẫn tới “khủng hoảng” thị trường bất động sản. Hiện nay, bất động sản ở đây chỉ dành cho những người ở, còn bất động sản về du lịch thì đang xuống. Lý do là hiện nay tất cả các địa phương và các công trình của các doanh nghiệp đã giải tỏa đền bù rồi nhưng đang vướng về Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.
“Đây cũng là vướng mắc chung ở hầu hết các địa phương. Vì thế, nếu kéo dài tới kỳ họp thứ tư mới đưa dự án Luật Đất đai sửa đổi ra để xem xét thông qua thì hàng trăm trăm nghìn tỷ sẽ ứ đọng và hàng trăm doanh nghiệp sẽ gặp tình trạng rất nguy hiểm. Vì thế, tôi đề nghị cần sớm sửa đổi luật nếu không Quốc hội phải đưa ra Nghị quyết để sớm giải quyết các bất cập từ luật và vướng mắc từ thực tiễn,” ông Thân kiến nghị.
Theo trình vừa được Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án luật Đất đai sửa đổi vào chương trình xây dựng luật năm 2022 có 11 nhóm chính sách cần sửa đổi gồm: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; phân cấp phân quyền và cải cách thủ tục hành chính; Phân loại đất theo mục đích sử dụng, theo không gian và chức năng sử dụng đất; Hoàn thiện quy định về các đối tượng sử dụng đất để đảm bảo đồng bộ thống nhất với các pháp luật khác có liên quan; Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảo vệ, cải tạo, nâng cao chất lượng đất đai; Thu hồi đất để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; Về kinh tế đất đai; giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; Hoàn thiện quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng các loại đất; Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai. |
Tác giả: Hùng Võ-Minh Thu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy