Dòng sự kiện:
Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi): Thủ tục hoàn thuế gây 'khó' doanh nghiệp?
11/06/2024 15:50:41
Luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chính sách thuế giá trị gia tăng cũng phát sinh một số hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

Mục tiêu Luật (sửa đổi) cũng nhằm hướng tới các quy định đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Trải qua hơn 15 năm áp dụng vào thực tiễn, Luật Thuế Giá trị gia tăng một lần nữa được sửa đổi và lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo Luật sửa đổi bên cạnh những “điểm sáng,” cũng vẫn có những bất cập khiến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chế xuất lo ngại “khó chồng khó.”

Về vấn đề này, đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học Kiểm toán Nhà nước đã có những chia sẻ với phóng viên.

Cần xác định rõ đối tượng hưởng thuế GTGT 0%

- Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng thời điểm này cũng như ý kiến của ông về quy định liên quan tới xem xét lại mức thuế 0%?

Đại biểu Lê Minh Nam: Việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng cũng nhằm đáp ứng nhu cầu triển khai những chính sách của Đảng trong quá trình thực hiện chính sách thuế, thực hiện chiến lược về thuế quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, cũng như đáp ứng yêu cầu trong thực tế hoạt động quản lý có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế nhằm xem xét tháo gỡ.

Theo tôi, sửa đổi một số quy định để phù hợp với thực tiễn cũng đã được quy định trong các văn bản dưới luật, và giờ được đưa ra để luật hóa, tạo cơ sở pháp lý trong việc triển khai, áp dụng Luật Thuế giá trị gia tăng trong thời gian sắp tới.

Còn quy định liên quan tới xem xét mức thuế 0%, về mặt nguyên tắc thì thuế 0% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thực tế có hoạt động xuất khẩu. Việc xem xét lại để áp mức thuế 0% cho các đối tượng được rà soát lại trong kỳ họp này là các hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan và khu chế xuất mà trước kia chuyên sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu.

Đại biểu Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Khoa học Kiểm toán Nhà nước. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy có cả việc sản xuất cung cấp cho nội địa, nên nếu đã cung cấp cho nội địa thì rõ ràng đối tượng để xác định áp mức thuế 0% cũng sẽ không còn phù hợp nữa. Do đó, cần phải rà soát lại để xác định cho phù hợp hơn.

Đối với dịch vụ xuất khẩu, đây không phải là thu hẹp hay cắt bớt đối tượng dịch vụ xuất khẩu, mà do đặc thù của dịch vụ xuất khẩu không giống với hàng hóa thông thường nên việc xác định dịch vụ nào thực tế đã xuất khẩu cũng khó khăn.

Thực tế thời gian qua, trong quá trình xem xét theo tờ trình của Chính phủ đã cho thấy một số dịch vụ mà các cơ quan thanh tra, kiểm tra rà soát lại không phải là dịch vụ xuất khẩu. Hay cũng có một số đối tượng dịch vụ cung cấp giữa cơ quan thuế và người nộp thuế đang khó khăn trong quá trình phân định, xem xét áp dụng. Chính vì vậy, việc rà soát lại để xác định đúng phạm vi dịch vụ nào là dịch vụ thuộc nhóm đối tượng xuất khẩu để được áp mức thuế 0% thì Luật cũng đang dự kiến để đưa ra.

Vừa rồi trong dự thảo mà Chính phủ trình Quốc hội đã xác định một số đối tượng dịch vụ xuất khẩu rất rõ ràng, ví dụ như: dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải mà thực hiện vận tải ở ngoài Việt Nam; dịch vụ hàng hải, dịch vụ hàng không cung cấp trực tiếp cho đối tượng nước ngoài sử dụng… Những nhóm đối tượng đó là dịch vụ xuất khẩu được áp dụng mức thuế 0%.

Tóm lại, không phải chúng ta thu hẹp hay cắt bỏ mà vấn đề là xác định cho rõ, cho đúng đối tượng áp dụng, đúng theo chủ trương chính sách cũng như nguyên tắc áp dụng đối với mức thuế 0%.

Một số kiến nghị cho rằng nên thu hẹp và tiến tới loại bỏ mức thuế suất 5% đồng thời tập trung đánh giá kỹ mức thuế suất 0% áp dụng đối với xuất khẩu và các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Thủ tục hoàn thuế gây “khó” cho doanh nghiệp?

- Một trong những hướng sửa đổi là sẽ bổ sung đối tượng chịu thuế để đảm bảo tính công bằng, minh bạch như ông vừa đề cập, quan điểm của ông về vấn đề này như nào?

Đại biểu Lê Minh Nam: Theo định hướng chung cũng như nguyên tắc của vấn đề sửa thuế, trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng là thực tế đang ngày càng đòi hỏi rõ ràng, công khai, minh bạch. Đặc biệt là thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện đã trở thành đòi hỏi, mục tiêu của bất cứ luật nào, không riêng gì Luật Thuế giá trị gia tăng.

Một số nội dung đang được xem xét sửa đổi trong dự thảo Luật cũng góp phần công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi hơn cho áp dụng vào thực tiễn. Ví dụ như quy định bổ sung thêm thời điểm xác định Thuế Giá trị gia tăng; quy định bổ sung thêm điều về các hành vi bị nghiêm cấm…

Khi quy định rõ ràng quy trình thủ tục hay đối tượng, hoặc là những nội dung đã được luật hóa từ những văn bản dưới luật sẽ giúp cho quá trình thực hiện có cơ sở pháp lý thuận lợi hơn, trong đó giảm thiểu những thủ tục hành chính cho cả cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Sóc Trăng. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

- Trong dự thảo Luật mới nhất có nêu việc có thể áp thuế nhưng sẽ cho hoàn thuế. Nhưng doanh nghiệp thì “kêu” nếu hoàn thuế thủ tục sẽ rất lâu và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, ý kiến của ông thế nào?

Đại biểu Lê Minh Nam: Luật Quản lý thuế đã quy định khá rõ ràng thời hạn hoàn, nhưng thực tế thời gian qua có những hoạt động gian lận diễn ra tương đối phức tạp và cũng liên quan tới một số vụ án.

Chính vì thế, cần thắt chặt việc rà soát để làm sao vừa đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật vừa đáp ứng quyền lợi cho người nộp thuế. Tức là khi doanh nghiệp đã nộp thuế rồi thì cơ quan chức năng sẽ cố gắng hoàn sớm, đảm bảo quyền lợi nhưng cũng phải chặt chẽ để tránh những hành vi gian lận, tranh thủ lợi dụng.

Tất nhiên quy định của Thuế cũng quy định rất rõ hoàn trước kiểm sau hoặc kiểm trước hoàn sau, vấn đề là trong quá trình tổ chức thực hiện có những vấn đề phát sinh cụ thể.

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Luật Thuế giá trị gia tăng được thông qua năm 2008, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2013, 2014, 2016.

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội, dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tới. Hiện nay, dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, Luật đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế giá trị gia tăng đã phát sinh một số hạn chế, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.

Một trong những nội dung đáng chú ý đối với cộng đồng doanh nghiệp chế xuất là bỏ áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với dịch vụ cung cấp cho khu phi thuế quan, doanh nghiệp chế xuất và thu hẹp phạm vi các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

Theo ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam, toàn bộ khoản thuế phải nộp sẽ tính vào chi phí. Điều này dẫn đến giá thành của sản phẩm xuất khẩu bị đội lên, khiến doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ ở các quốc gia khác.

Tác giả: Mai Mai

Theo: Vietnam+
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến