Dòng sự kiện:
Lực đẩy mới tài chính vi mô
31/01/2019 14:00:15
Trong năm 2019 hàng loạt các văn bản pháp lý liên quan đến các tổ chức tài chính vi mô sẽ tiếp tục được NHNN hoàn thiện và ban hành.

Động lực từ lớn mạnh nội tại

Từ giữa tháng 1/2019 vừa qua, Quỹ Tình Thương của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (TYM) – một trong 4 tổ chức tài chính vi mô hoạt động chính thức bên cạnh Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đã mở rộng trường hợp vay vốn chính sách. Theo đó, ngoài việc cho vay đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổ chức này đã mở ra sản phẩm tài chính hỗ trợ khách hàng là nhóm phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị nhiễm HIV hoặc có chồng, con bị nhiễm HIV.

Với sản phẩm tín dụng mới này, Quỹ Tình Thương áp dụng hình thức cho vay tín chấp ngắn hạn lãi suất đáng kể, tiền nợ gốc của khoản vay (tối đa 50 triệu đồng/người) được người vay hoàn trả trong vòng 50 tuần.

Các tổ chức TCVM đang có nhiều cơ hội để mở rộng sản phẩm và mạng lưới hoạt động

Việc Quỹ Tình Thương chủ động mở rộng các trường hợp vay vốn cho thấy nội tại các tổ chức tài chính vi mô tại Việt Nam đã bắt đầu có nhiều biến chuyển. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, chỉ sau gần 1 năm Thông tư 03/2018 (quy định về thành lập và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô) của NHNN có hiệu lực, về mặt pháp lý cởi mở hơn đã giúp các đơn vị tài chính vi mô chủ động trong việc đa dạng cách thức cho vay và đơn giản hóa thủ tục giải ngân vốn.

Hiện nay, ngoài các khoản vay truyền thống, đa số các tổ chức tài chính vi mô đã phát triển các sản phẩm cho vay ngắn hạn, trung hạn, vay khẩn cấp và vay đa mục đích. Để tăng doanh số cho vay tín chấp, các tổ chức tài chính vi mô như Quỹ CEP, quỹ Tình Thương, M7… cũng đã áp dụng hình thức gửi tiết kiệm bắt buộc và hình thức “nhóm đảm bảo”.

Theo thống kê của Nhóm công tác tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG), nhờ việc phát triển các sản phẩm mới, các quỹ tài chính vi mô hiện nay dư nợ cho vay mỗi đơn vị khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Các quỹ lớn như Quỹ CEP, Quỹ Tình Thương… đến thời điểm hiện nay mỗi đơn vị đã có khoảng 1,3-1,5 triệu khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ liên tục được hỗ trợ nguồn tín dụng ưu đãi. Tại một số tỉnh, thành, các quỹ hình thành từ nguồn ngân sách địa phương như Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (MOM) tại Tiền Giang cũng đã sở hữu khoảng 44.000 thành viên vay vốn với tổng dư nợ khoảng 1.800 tỷ đồng (năm 2018).

Điều đáng nói là khi áp dụng các hình thức “nhóm đảm bảo” và hình thức gửi tiết kiệm bắt buộc hiện nay đang giúp các quỹ tài chính vi mô gia tăng khả năng thu nợ và khả năng huy động vốn. Hầu hết khách vay vốn sau khi trả nợ và làm ăn sinh lợi đều chọn gửi tiết kiệm trở lại quỹ mà mình đã vay vốn thay vì gửi ở các tổ chức khác. Vì vậy, nguồn tài chính để các quỹ tiếp tục đầu tư vào nhóm khách hàng đã thoát nghèo nhưng vẫn có nhu cầu vay là khá dồi dào. Chính điều này một mặt giúp các quỹ duy trì doanh số cho vay, mặt khác tạo ra hiệu quả kép, gánh đỡ nhóm khách hàng khó khăn vay vốn lần đầu nhờ công ăn việc làm mà các dự án trước đó đã được người vay phát triển thành công từ nguồn tín dụng ưu đãi do các quỹ hỗ trợ.

Lực cuốn pháp lý và xu hướng thị trường

Thấy được vai trò quan trọng của việc phát triển các tổ chức tài chính vi mô, thời gian qua, NHNN đã tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý để tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp tục mở rộng không gian hoạt động.

Cụ thể, trong năm 2018, với việc ban hành Thông tư 03/2018/TT-NHNN, NHNN đã tạo khuôn khổ khá chặt chẽ những quy định pháp lý về nguồn vốn, về cách thức tổ chức, hoạt động và những chế tài phù hợp đối với các tổ chức tài chính vi mô. Thông tư 03 được giới tài chính đánh giá là kế thừa tốt những ưu điểm của Thông tư 02/2008/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09/3/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam và Nghị định số 165/2007/NĐ-CP ngày 15/11/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 28/2005/NĐ-CP, đảm bảo cho các đơn vị tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, tiến dần đến việc phủ sóng tài chính toàn diện.

Cũng trong năm 2018, để mở ra cơ chế thoáng hơn cho các tổ chức tài chính vi mô trong việc mở rộng mạng lưới, NHNN đã bắt đầu dự thảo Thông tư quy định về mạng lưới hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô. Để đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản pháp lý quan trọng này, trong Chỉ thị 01/2019 mới đây, NHNN đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, chậm nhất trong quý II/2019 sẽ phải hoàn thiện dự thảo để triển khai áp dụng trong toàn hệ thống.

Cũng ở góc độ pháp lý, quan sát cho thấy, năm 2019 sẽ là năm mà các kênh tài chính vi mô được kỳ vọng mở ra nhiều mô hình sản phẩm và dịch vụ mới. Bởi trong năm nay, ngoài việc chỉ đạo hệ thống tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô đến năm 2020, NHNN cũng sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư về cấp giấy phép tổ chức hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân. Cùng với việc triển khai Đề án cơ chế thử nghiệm cho hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN cũng sẽ phát triển mạnh mô hình đại lý ngân hàng (agent banking) để mở rộng phạm vi bao phủ điểm cung cấp dịch vụ ngân hàng đến gần với người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các khu vực kinh tế khó khăn.

Ngoài ra, với các mục tiêu hình thành hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt, trong các năm 2019-2020, hệ thống tài khoản ngân hàng cơ bản (tài khoản không chịu phí quản lý và số dư tối thiểu) sẽ được áp dụng làm gia tăng lượng người tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức. Việc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phối hợp triển khai các mô hình thanh toán không dùng tiền mặt cộng với sự phát triển nhanh, mạnh của nhóm doanh nghiệp công nghệ tài chính cũng sẽ sớm tạo ra các kết nối phù hợp với các tổ chức tài chính vi mô trong việc mở rộng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, từ đó phổ cập hóa các hình thức tín dụng trực tuyến, thanh toán trực tuyến đối với hàng chục triệu khách hàng từ trước đến nay mới chỉ giao dịch bằng con đường tiền mặt.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến