Dòng sự kiện:
Lương của cán bộ, công chức thay đổi thế nào trong năm 2023?
01/01/2023 11:39:17
Mức lương cơ sở tăng 20,8% kể từ ngày 1/7/2023 được kỳ vọng giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, lộ trình cải cách tiền lương sẽ được trình trong năm nay.

Đảm nhiệm cùng lúc hai vị trí là cán bộ đài truyền thanh và phụ trách lĩnh vực văn hóa của một xã nhưng anh Trần Quỳnh (37 tuổi, quê Quảng Ngãi) chỉ nhận được mức lương cố định gần 2,6 triệu đồng/tháng.

Cộng thêm các khoản phụ cấp, tiền lương anh nhận được mỗi tháng từ hai vị trí trên chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng. Mức lương này kéo dài suốt nhiều năm qua, có thời điểm thấp hơn nhưng anh chấp nhận gắn bó với vị trí này vì "ổn định".

"Lương thấp một cách ổn định nên tôi và vợ phải làm thêm nhiều công việc khác như buôn bán mới gọi là tạm đủ để chi tiêu cho gia đình", anh Quỳnh nói vui.

Bước sang năm 2023, mức lương của anh Quỳnh cùng nhiều cán bộ, công chức, viên chức khác có thể tăng nhẹ khi chính sách tăng lương cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7.

Sẽ có lộ trình cải cách tiền lương

Nếu tính theo hệ số tiền lương đang được áp dụng, một viên chức nhận mức lương thấp nhất là 2,011 triệu đồng với hệ số lương là 1,35. Khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023, người này có thể nhận mức lương tối thiểu là 2,43 triệu đồng, chưa kể phụ cấp.

Trong khi đó, với cán bộ, công chức nhận hệ số lương là 8, tiền lương cơ bản đang là 11,92 triệu đồng/tháng. Sau ngày 1/7/2023, mức lương thấp nhất người này được nhận là 14,4 triệu đồng.

Như vậy, tùy theo cấp bậc, mức tăng lương dao động từ 419.000 đồng đến 2,48 triệu đồng.

Ông Trần Lưu Trung, Phó vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), cho biết thời gian qua, tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, khó lường và phức tạp nên chưa có điều kiện để cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 27.

Dù vậy, theo đề nghị của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vừa qua, từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở tăng từ 1,47 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng 20,8%.

"Điều này giảm bớt khó khăn cho cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong năm 2023", theo ông Trung.

Ông Trung cũng cho biết sau khi điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và giai đoạn năm 2025, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với cơ quan liên quan để trình Chính phủ việc thực hiện tổng thể chính sách cải cách tiền lương.

Ngoài tăng lương cơ sở, ngày 1/7/2023 cũng là thời điểm bắt đầu tăng 12,5% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Đồng thời, chính sách mới có hiệu lực trong năm tới là tăng mức chuẩn trợ cấp người có công để bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% mức chi cho các chính sách an sinh xã hội khác gắn với lương cơ sở.

Hiện, mức chuẩn trợ cấp cho người có công là 1,624 triệu đồng/tháng. Sau khi chính sách trên có hiệu lực vào tháng 7/2023, trợ cấp người có công sẽ được đảm bảo không dưới 2 triệu đồng/tháng.

Vì sao không tăng lương cơ sở vào ngày 1/1/2023?

Trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023, nhiều đại biểu kiến nghị đẩy nhanh mốc tăng lương sớm hơn 6 tháng.

Điều này được lý giải là do biến động của giá cả thị trường, lạm phát tăng cao nên cần sớm tăng lương cơ sở để bù đắp trượt giá. Đây cũng được cho là chính sách giúp giữ chân công chức, viên chức trong bối cảnh hàng loạt cán bộ chuyển từ khu vực công sang khu vực tư trong năm qua.

Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng thời điểm đầu năm gần với dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người dân, doanh nghiệp tăng mạnh.

Do đó, Bộ lo ngại việc thực hiện tăng lương từ ngân sách Nhà nước vào thời điểm này tạo thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý "tăng lương đi kèm tăng giá", từ đó gây khó cho kiểm soát lạm phát.


Cán bộ, công chức, viên chức được tăng lương từ ngày 1/7/2023 theo mức tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trên thực tế, chính sách điều chỉnh lương cơ sở không ảnh hưởng đến mức lương của người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.

Theo đó, điều 13 và 90 của Bộ Luật Lao động 2019 quy định tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả theo thỏa thuận để người lao động thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp và khoản bổ sung.

Vì vậy, việc điều chỉnh lương sẽ được diễn ra theo kỳ tăng lương hàng năm của doanh nghiệp, theo quy định trong hợp đồng hoặc các thỏa thuận khác giữa cá nhân và tổ chức.
 
Trong năm 2022, người lao động cũng đã được thụ hưởng chính sách tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/7. Đây là nguyên nhân chính khiến tiền lương bình quân của người lao động trong năm qua tăng 6-7% so với năm 2021, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn.

 Tác giả: Mỹ Hà

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến