Lương đóng bảo hiểm chênh 9% giữa khu vực công và tư
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thuộc nhóm hành chính, sự nghiệp, đảng đoàn thể là 6,936 triệu đồng, của người lao động thuộc khối doanh nghiệp, hợp tác xã là 6,382 triệu đồng. Chênh lệch tiền lương đóng giữa hai nhóm đối tượng trên khoảng 9%.
Con số khác, tính đến tháng 12/2023, có 1,27 triệu người hưởng lương hưu (khi nghỉ hưu hưởng chế độ tiền lương của nhà nước). Mức lương hưu bình quân của nhóm này là 6,1 triệu đồng/tháng.
Người hưởng lương hưu từ Quỹ bảo hiểm xã hội có mức bình quân 5,6 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa: BHXHVN).
Tính chung cả khu vực nhà nước và tư nhân, người hưởng lương hưu từ Quỹ bảo hiểm xã hội có mức hưởng bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng. Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện thuộc về người lao động từng làm khu vực tư nhân với mức khoảng 140 triệu đồng/tháng.
Tính lương hưu cách nào lợi hơn?
Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm. Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, cho đến khi đạt mức tối đa bằng 75%.
Theo quy định tại Điều 56 và 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu của người lao động căn cứ vào tỷ lệ hưởng và mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, được xác định theo công thức chung: Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động căn cứ vào điểm b, c, khoản 2 Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP và điểm b, c, khoản 2 Điều 3 Nghị định 134/2015/NĐ-CP.
Cụ thể, lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau: 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995; 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000.
8 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006. 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015.
15 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019. 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024. Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Người dân nhận lương hưu hàng tháng (Ảnh: Hoa Lê).
Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Xu hướng đồng nhất quy định tính lương hưu
Tại hội thảo "Lấy ý kiến người lao động về chế độ bảo hiểm xã hội một lần trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)", ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) giải thích, khác biệt về cách tính lương hưu theo 2 khu vực như trên là do yếu tố lịch sử.
Ban đầu, chính sách bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước. Sau đó, qua các lần hoàn thiện thì chính sách mở dần sang khu vực doanh nghiệp. Chuyển biến mạnh là vào năm 1995, khi Quỹ bảo hiểm xã hội tách ra, độc lập với ngân sách nhà nước.
Theo ông Cường, khi tính toán thì nhận thấy cách trả lương của khu vực ngoài nhà nước không giống khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước thì lương cơ bản tăng theo thâm niên. Còn khu vực doanh nghiệp thì lương tính theo năng suất lao động.
Vì vậy, nếu khu vực doanh nghiệp tính lương hưu theo một số năm cuối thì có một số người sẽ lợi hơn nhưng cũng có nhiều người khác sẽ thiệt hơn.
Theo vị này, qua các lần sửa đổi, về cơ bản đều theo xu hướng là tiến tới khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước có cách tính đóng, tính hưởng đảm bảo như nhau.
Tác giả: Hoa Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy