Tin liên quan
Cựu Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn thời còn tại nhiệm vị trí TGĐ OceanBank
Thông tin bước đầu cho hay, cơ quan điều tra đã tình nghi trong thời gian hai năm làm lãnh đạo tại OceanBank, ông Nguyễn Xuân Sơn đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện việc thu phí khi cho vay đối với khách hàng.
Việc làm này sai với quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tài chính và tạo điều kiện cho các đơn vị của OceanBank thu lời bất chính số tiền hàng chục tỉ đồng.
Trong thời gian làm tổng giám đốc, ông Sơn còn chấp nhận cho ngân hàng chi lãi suất ngoài hợp đồng khi huy động vốn của khách hàng với số tiền nhiều tỉ đồng. Hành vi này cũng bị coi là vi phạm vào quy định khi thực hiện quản lý kinh tế của ngân hàng.
Ngoài ra, ông Sơn cũng bị điều tra về các hành vi liên quan đến các sai phạm khác của các bị can nguyên là lãnh đạo OceanBank.
Phục vụ điều tra vụ án, trước đó, nhà chức trách đã tiến hành tống đạt quyết định khởi tố và bắt tạm giam nhiều cán bộ nguyên là các lãnh đạo cấp cao của OceanBank như ông Hà Văn Thắm (nguyên chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Văn Hoàn (nguyên phó tổng giám đốc), bà Nguyễn Thị Minh Thu (nguyên chủ tịch HĐQT, nguyên tổng giám đốc OceanBank).
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định: Nguyễn Xuân Sơn- nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank đã đồng phạm với Hà Văn Thắm- nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank trong thời gian là Tổng Giám đốc Oceanbank, đã phạm vào tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 281- Bộ luật hình sự và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165- Bộ luật hình sự. Sau khi được được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Nguyễn Xuân Sơn vào chiều 21/7/2015.
OceanBank dưới thời bộ đôi “Nguyễn Xuân Sơn – Hà Văn Thắm”
Các số liệu kinh doanh cơ bản của OceanBank trong nhiệm kỳ TGĐ của ông Nguyễn Xuân Sơn (Đơn vị: tỷ đồng)
Không chỉ “leo cao” các chỉ tiêu kinh doanh, khối lượng nhân sự tại NH Đại Dương cũng “vươn xa” đáng kể trong nhiệm kỳ tại vị của TGĐ Nguyễn Xuân Sơn từ mức 590 lao động trung bình trong năm 2008 lên thành 1.359 nhân viên trung bình trong năm 2010. Quỹ lương tại OJB vì thế mà cũng phình ra đáng kể từ con số khiêm tốn 31,321 tỷ đồng tại thời điểm ông Sơn gia nhập lên mức 134,532 tỷ đồng trước lúc rời đi.
Thu nhập trung bình của người lao động OceanBank đã tăng gấp đôi trong giai đoạn tại vị của TGĐ Nguyễn Xuân Sơn
Đáng nói ở chỗ, đời sống vất chất của các cán bộ nhân viên OceanBank đã được cải thiện sâu sắc chỉ trong 2 năm ngắn ngủi khi thu nhập trung bình năm của mỗi OJB-er đã được “kích” gấp đôi lên thành 100 triệu đồng/người/năm vào 2010 từ con số giản dị 53 triệu đồng/người/năm vào 2008.
Có thể thấy, các số liệu tài chính cơ bản của OceanBank đã có một giai đoạn tăng trưởng đầy ấn tượng trong 2 năm tại nhiệm của TGĐ Nguyễn Xuân Sơn. Tuy nhiên, cũng phải nhắc lại, những năm 2009 – 2010 chính là thời kỳ bùng nổ “nóng rẫy” của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam chứ không riêng gì OJB. Và chính hiện tượng tăng “sổi” trong giai đoạn này đã gây ra những hệ lụy nặng nề mà cho đến tận thời điểm này cả nền kinh tế vẫn đang phải gồng mình khắc phục.
Ở một giác độ nào đó, “vết trượt” trên có thể được coi là một trong những nguyên nhân gián tiếp “đẩy” hàng loạt ông chủ ngân hàng vướng vòng lao lý, trong đó có bộ ba một thời của OceanBank: Hà Văn Thắm – Nguyễn Minh Thu – Nguyễn Xuân Sơn.
Bản thân OceanBank, nếu quan sát kỹ các số liệu mà nhà băng này công bố ngay trước lúc ông Sơn rời ghế, sẽ nhận thấy không ít vấn đề. Đơn cử như tỷ trọng đầu ra của dòng vốn khi Cho vay khách hàng đáng ra phải là “mũi chủ công” nhưng lại chỉ đạt có 17.630 tỷ đồng (chiếm 35,7% tổng huy động), trong khi Tiền gửi và cho vay các TCTD khác lại đạt “khủng khiếp” 18.773 tỷ đồng hay Chứng khoán đầu tư lên tới 9.161 tỷ đồng. Những con số rất bất hợp lý!
Tính đến 31/12/2010, nhà băng dưới quyền điều hành của ông Nguyễn Xuân Sơn có tổng cộng 294,611 tỷ đồng nợ xấu, tương ứng tỷ lệ 1,67%. Đáng chú ý, chiếm phần lớn trong số đó (247 tỷ đồng) là nợ có khả năng mất vốn, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ 2009.
Dẫu vậy, thời gian gắn bó của vị lãnh đạo gốc Can Lộc – Hà Tĩnh với Ngân hàng Đại Dương trên cương vị đứng đầu Ban điều hành cũng không được kéo dài quá lâu, khi mà đúng tròn 2 năm sau ngày nhậm chức, ngày 14/1/2011, ông đã từ nhiệm để “nhường” lại ghế nóng cho bà PTGĐ Nguyễn Minh Thu – một người vốn là thuộc cấp của ông từ thời còn tại vị tại Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí – PVFC.
Ninh Giang
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy