Dòng sự kiện:
Lương tối thiểu vùng 1 tăng 260.000 đồng liệu có hợp lý?
17/04/2022 11:46:53
Con số 6% khi quy đổi ra số tiền mà người lao động được hưởng thực tế liệu có đáp ứng được mức sinh hoạt hiện nay của người dân sống tại khu vực 1?

Sau 2 năm, mới đây Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có phương án đề xuất tăng chỉ số này nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống và thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Tăng lương trong bối cảnh đặc biệt

Trước đề xuất tăng lương tối thiểu vùng vào giữa năm nay, chia sẻ với Người Đưa tin, TS.Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và phát triển doanh nghiệp cho biết:

“Thời điểm này là cần thiết để tăng lương cho người lao động sau thời gian dài ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là những ảnh hưởng của trượt giá như hiện nay. Việc tăng lương cũng là giải pháp hỗ trợ người lao động khi những gói an sinh chỉ có giới hạn.

Nhưng khi tăng lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng về phía doanh nghiệp. Vì đây là chi phí vận hành mà doanh nghiệp bắt buộc phải chi trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Vấn đề này đặt trong bối cảnh hiện nay khi nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận hàng tăng dẫn đến sản phẩm bán ra sẽ tăng. Nhưng nếu tăng giá sản phẩm đầu ra sẽ ảnh hưởng đến việc cạnh giữa các doanh nghiệp.

“Từ đó, các công ty, nhà sản xuất sẽ phải tính toán đến các hàng tồn kho. Sau thời gian Covid-19, vẫn cần phải ổn định lại thị trường. Bên cạnh đó, khi tăng lương việc vay vốn ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn, khi phải dựa vào khả năng bán ra của các doanh nghiệp”, ông Quốc Anh đánh giá.

TS.Mạc Quốc Anh đánh giá rằng tăng lương việc vay vốn ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn

Nhóm lao động nào hưởng lợi khi lương tối thiểu vùng tăng ?

Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương, phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án. Với mức tăng bình quân lần lượt là 8,16% và 7,25% so với năm 2020 - 2021.

Còn đại diện Hiệp hội Thương mại - Công nghiệp Việt Nam đã đưa nhiều phương án tăng lương tối thiểu vùng từ 3-6 %. Trong khi đó, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương đưa ra phương án tăng từ 5 - 6,18%.

Sau nhiều ý kiến và phương án khác nhau, Hội đồng tiền lương quốc gia đã quyết định chọn 1 phương án thống nhất tăng 6%. Có thể thấy con số 6% là mức tăng thấp nhất được đưa ra.

Về vấn đề này ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học lao động và Xã hội chia sẻ: “Việc đề xuất tăng 6% là phù hợp, vì đây là con số tương ứng với tăng năng suất của người lao động.

Khi năng suất tăng sẽ giúp “bù đắp” chi phí cho doanh nghiệp. Điều này hợp lý cho cả người sử dụng lao động và người lao động”.

Theo ông Toàn trên thực tế, việc tăng lương tối thiểu không ảnh hưởng quá nhiều đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Hội đồng Tiền lương Quốc gia khi đưa ra con số 6% cũng đã tính toán đến những yếu tố đảm bảo cho doanh nghiệp không bị tăng chi phí quá nhiều, vừa phải phù hợp với mức sống của người lao động. Bên cạnh đó, tỉ lệ này cũng cần dựa vào bối cảnh đang phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Người lao động luôn mong muốn lương tối thiểu được tăng nhưng cần phải hài hòa giữa các bên. Ngoài ra, để thúc đẩy doanh nghiệp quay trở lại sản xuất việc tăng quá cao sẽ dẫn đến áp lực cho doanh nghiệp.

Tăng lương tối thiểu vùng có lợi cho nhóm người lao động có thu nhập dưới mức tối thiểu

Một khía cạnh khác, chuyên gia đề cập đến, việc tăng lương tối thiểu vùng có tác động mạnh mẽ nhất đối với nhóm người lao động hưởng mức lương dưới tối thiểu, tuy nhiên số lượng này rất thấp.

Phần lớn người lao động thường hưởng lương dựa trên sản phẩm, bản thân họ đang được trả mức lương trên tối thiểu. Việc điều chỉnh không ảnh hưởng quá nhiều đến người lao động bởi chủ yếu họ vẫn dựa trên năng suất bỏ ra.

Còn về phía doanh nghiệp khi mức lương này tăng sẽ dẫn theo tăng chi phí đóng BHXH.

“Theo quy định mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu với người lao động làm công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Vì vậy, điều ảnh cũng ít nhiều ảnh hưởng tới doanh nghiệp”, ông Toàn bày tỏ.

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người hưởng lương.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến