Dòng sự kiện:
Lương tối thiểu vùng năm 2015 tăng: Vui ít, lo nhiều
14/08/2014 11:28:10
Việc Hội đồng Tiền lương quốc gia nhất trí thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 tăng 15,1% so với năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) đã gây ra phản ứng chưa thuận trong khối doanh nghiệp và ngay cả người lao động. Tâm lý chung là vui ít, lo nhiều.

Việc Hội đồng Tiền lương quốc gia nhất trí thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 tăng 15,1% so với năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015) đã gây ra phản ứng chưa thuận trong khối doanh nghiệp và ngay cả người lao động. Tâm lý chung là vui ít, lo nhiều.

Lương tối thiểu vùng năm 2015 tăng khiến cho phí đóng bảo hiểm, phí công đoàn… cùng hàng loạt chi phí phát sinh khác tăng đang làm giới chủ sử dụng lao động lo ngay ngáy.
 
Ông Nguyễn Văn Thời, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Nguyên (TNG) cho hay, lương tối thiểu tăng kéo theo mức đóng bảo hiểm tăng, khiến cho doanh nghiệp (DN) phải lo có thêm chi phí bù đắp.
 
TNG hiện có 11 nhà máy may, với 184 chuyền may, 4 nhà máy phụ trợ gồm nhà máy thêu, giặt công nghiệp, sản xuất thùng túi, bao bì carton và nhà máy sản xuất bông, chần bông. Tính đến thời điểm này, TNG có hơn 8.000 lao động, sở hữu khối tài sản gần 1.000 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, TNG được xếp hạng “Top 500 DN lớn nhất Việt Nam” và “Top 10 DN lớn nhất ngành dệt may Việt Nam”, nhưng sức ép tài chính để tăng lương, chi phí bảo hiểm phát sinh cho hơn 8.000 lao động, khiến lãnh đạo DN cảm thấy rất lo lắng.
 
“Hiện tại, DN chúng tôi mỗi tháng phải đóng khoảng 4 tỷ đồng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Khi lương tối thiểu tăng từ năm tới, chúng tôi sẽ phải đóng tăng thêm hơn 10 tỷ đồng”, ông Thời nói.
 
Chia sẻ quan điểm trên, ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu (Bắc Ninh) cũng cho biết, việc tăng mức lương tối thiểu là cần thiết, nhưng phải có lộ trình hợp lý để DN không phải chịu quá nhiều áp lực.
 
Đại diện phần lớn DN ngành dệt may đều cho rằng, điều DN cần hơn là sự ổn định về kinh tế vĩ mô để họ yên tâm sản xuất, kinh doanh, với kỳ vọng gặt hái được doanh thu và lợi nhuận tốt hơn, từ đó, DN mới có cơ sở để gia tăng thu nhập cho người lao động.
 
Cũng phải nói thêm rằng, không ít DN đã thực hiện việc chi trả cho người lao động cao hơn mức lương quy định. Ngoài lương cơ bản, lao động được hưởng thêm tháng lương thứ 13, 14 và các khoản thưởng hàng tháng, hàng quý khác (tùy theo hiệu quả kinh doanh của mỗi DN).
 
Do cạnh tranh về lao động trong các ngành thâm dụng lao động lớn như dệt may, da giày là rất khốc liệt, nên nếu DN trả lương thấp thì không giữ chân được người lao động.
 
Theo khảo sát mới nhất do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện với gần 1.900 lao động trực tiếp sản xuất trong các khu công nghiệp, thì tiền lương trung bình của công nhân hiện là 3,667 triệu đồng/người/tháng. Mức này cao hơn so với mức lương tối thiểu vừa được đề xuất là 3,1 triệu đồng/người/tháng.
 
Trên thực tế, quyết định tăng lương tối thiểu không chỉ khiến giới sử dụng lao động băn khoăn, mà ngay cả người lao động cũng không mấy phấn khởi.
 
Chị Hoàng Thu Trang, công nhân may tại Công ty cổ phần May Bắc Giang cho hay, như thông lệ, lương tăng thì hàng loạt chi phí cho đời sống chắc chắn sẽ tăng theo, như vậy, người lao động tưởng có thêm chút tiền, song thực tế, chi phí cho đời sống đắt đỏ hơn, khiến tài chính của mỗi gia đình bị thâm hụt.
 
Đại diện cho hơn 6.000 DN dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 2 năm gần đây có sự cải thiện đáng kể, nhưng sức ép tứ bề với các DN thì vẫn còn đó, từ môi trường kinh doanh, chính sách thuế, hải quan, đến câu chuyện phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
 
“Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đều bày tỏ mong muốn, không nên tăng lương trong năm 2015 hoặc nếu có tăng thì không quá 5%, thì mới đảm bảo được tình hình sản xuất - kinh doanh của DN”, ông Trường nói.
 
Mặt trái của việc tăng lương tối thiểu không thể không tính đến là khả năng một bộ phận DN sẽ tính toán lại quy trình sản xuất, rất có thể DN phải lựa chọn cách giảm nhân công, tăng giờ làm để bù chi phí.
 
“Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco) có 2.000 công nhân, nên sẽ tốn thêm 3 tỷ đồng cho riêng khoản tăng thêm từ việc tăng lương tối thiểu trong năm 2015”, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc Hugaco nhẩm tính và chỉ ra 2 khả năng lớn xảy ra khi lương tối thiểu tăng.
 
Một là, DN buộc phải tinh gọn sản xuất để giảm số lượng lao động;
 
Hai là, điều chỉnh thu nhập khác để tổng chi phí lương và đóng bảo hiểm xã hội tăng ở mức thấp nhất.
 
Hải Yến - baodautu.vn

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến