Theo khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp có trách nhiệm trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.
Tiền lương được trả cho người lao động là số tiền mà các bên đã thỏa thuận để thực hiện theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
Căn cứ khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019, tiền lương của người lao động bao gồm: Mức lương theo công việc hoặc chức danh; phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Mặt khác, các khoản phụ cấp lương và khoản bổ sung khác sẽ do các bên tự thỏa thuận chứ không bắt buộc phải có.
Có hiệu lực từ ngày 1/7, Nghị định 38/2022/NĐ-CP đã điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% so với quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
Bên cạnh đó, Nghị định 38/2022/NĐ-CP cũng là nghị định đầu tiên quy định về lương tối thiểu giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.
Các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Nếu trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động sẽ bị phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động; từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Lưu ý, mức phạt tiền đối với hành vi trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức vi phạm gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp còn buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền trả thiếu cho người lao động. Mức lãi suất sẽ được tính theo mức lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm doanh nghiệp bị xử phạt.
Bị trả lương thấp hơn lương tối thiểu, làm gì để đòi quyền lợi?
Để đòi lại đầy đủ tiền lương mà mình đáng được hưởng, người lao động bị trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng có thể thực hiện theo một trong các cách sau:
Cách 1, khiếu nại.
Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP, với tranh chấp về tiền lương, trước tiên, người lao động phải gửi đơn khiếu nại đến doanh nghiệp để yêu cầu thanh toán đủ tiền lương theo mức lương tối thiểu vùng.
Nếu doanh nghiệp cố tình không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có quyền khiếu nại lần 2 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Trong quá trình giải quyết khiếu nại mà phát hiện doanh nghiệp vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt hành chính và yêu cầu doanh nghiệp phải trả đủ lương và tiền lãi cho người lao động.
Cách 2, tố cáo.
Hành vi trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Do đó, theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể tố cáo trực tiếp vi phạm này đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Khi giải quyết vụ việc mà xác định doanh nghiệp vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt hành chính và yêu cầu doanh nghiệp phải trả đủ lương và tiền lãi cho người lao động.
Ngoài việc tăng lương tối thiểu vùng, Nghị định 38/2022/NĐ-CP còn điều chỉnh lại một số địa bàn thuộc các vùng I, II, III, IV. Từ đó làm thay đổi mức lương tối thiểu vùng ở một số địa phương. Theo đó, tại vùng I: Bổ sung Thành phố Thủ Đức do được gộp từ quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Một số địa phương được chuyển từ vùng II lên vùng I: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai. Một số địa phương được chuyển từ vùng III lên vùng II: Thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; Thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; Thành phố Vinh, thị xã Cửa lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; Thành phố Vĩnh Long và thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long; Thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu. Một số địa phương được chuyển từ vùng IV lên vùng III: Huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu. |
Tác giả: Tuệ Minh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy