Dòng sự kiện:
Lý do loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn nợ BHXH chỉ 1 ngày đã bị 'bêu tên'
22/02/2023 15:18:43
Hàng loạt doanh nghiệp lớn nợ BHXH của người lao động vừa bị BHXH Hà Nội “bêu tên” dù thời gian chậm nộp chỉ 1 vài ngày, nợ BHXH chỉ 1 tháng.

Xung quanh việc hơn 59.600 doanh nghiệp (trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn) nợ BHXH, BHYT, BHTN với thời gian chậm nộp chỉ một vài ngày đã bị “bêu tên”, trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện BHXH Hà Nội cho biết:

Theo Quyết định 595 năm 2017 của BHXH Việt Nam, hàng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước.

Quy định là như vậy, nhưng nhiều đơn vị, người sử dụng lao động vẫn không đóng đúng thời gian quy định, dẫn đến tình trạng chậm đóng tiền BHXH, nhất là phải đóng thêm cả số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng.

Đại diện BHXH Hà Nội cũng nói rõ, việc chi trả và thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc đúng hạn là trách nhiệm của người sử dụng lao động nhưng không phải đơn vị nào cũng thực hiện đúng quy định.

Điều này không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chính doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ: Trần Chung.

Nợ BHXH bị xử lý thế nào?

Luật BHXH năm 2014 quy định người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy nợ BHXH của người lao động từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề (tính trên số tiền, thời gian chậm đóng).

Theo quy định trên, đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp không chỉ bị xử lý vi phạm mà còn phải nộp thêm số tiền lãi cho cơ quan BHXH. Đồng thời, sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của Bộ luật Hình sự.

Đại diện BHXH Hà Nội cũng thông tin thêm, theo quy định của Luật BHXH, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Vì vậy, khi người lao động tham gia đầy đủ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người sử dụng lao động phải thực hiện đối chiếu sớm để đóng và chuyển tiền BHXH kịp thời trong tháng, tránh tình trạng đối chiếu vào ngày cuối cùng của tháng và chuyển tiền vào các ngày của tháng sau liền kề, dẫn đến tình trạng chậm đóng tiền BHXH.

Điều 7. Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

1. Đóng hằng tháng

Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

2. Đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần

Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đóng theo phương thức hằng tháng hoặc 03 tháng, 06 tháng một lần. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.

(Trích Quyết định số 595/QĐ-BHXH, ngày 14 tháng 4 năm 2017, về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT)

Tác giả: Vũ Điệp

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến