Dòng sự kiện:
Lý do Nga vẫn 'im lặng' trước lời đề nghị giúp đỡ của Transnistria
17/03/2024 08:30:20
Hiện tại, Điện Kremlin chưa thể tăng cường hỗ trợ quân sự cho Transnistria vì trí của khu vực này làm phức tạp thêm bất kỳ sự hiện diện bổ sung nào của Nga ở đó.


Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp nội các tại ngoại ô Moskva, ngày 29/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiến sĩ Walter Rick Landgraf, Trung tá (đã nghỉ hưu) và hiện là thành viên cao cấp trong Chương trình Á-Âu của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại Mỹ (FPRI) nhận định rằng, bất chấp những đồn đoán của phương Tây về việc sáp nhập hoặc công nhận quốc tế, Nga vẫn chưa đáp lại lời đề nghị hỗ trợ mới nhất của Transnistria do áp lực ngày càng tăng từ Moldova. 

Vào ngày 28/2, Transnistria đã kêu gọi Moskva “bảo vệ” trước áp lực từ chính phủ Moldova thân châu Âu. Điều này xảy ra trước bài phát biểu thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm sau, tạo ra những đồn đoán từ phương Tây về một thông báo công khai bất ngờ công nhận hoặc thậm chí sáp nhập chính thức vùng lãnh thổ trên.

Một số phương tiện truyền thông phương Tây như Đài phát thanh Quốc tế Đức Deutsche Welle đặt câu hỏi liệu đề nghị của Transnistria có thể “khơi lại” cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài với Moldova hay không, vốn đã khó đạt được một giải pháp lâu dài. Trong khi đó, tờ New York Times (Mỹ) hay The Guardian (Anh) cho rằng đề nghị của Transnistria đã “thúc đẩy sự so sánh” với những diễn biến ở miền Đông Ukraine trước tháng 2/2022. 

Theo quan điểm của họ, Nga có thể sử dụng mối đe dọa leo thang quân sự để đáp ứng yêu cầu của Transnistria. Thực tế, Nga đã đồn trú lực lượng nhỏ ở khu vực này từ năm 1992. Tuy nhiên, sau làn sóng suy đoán của nhiều nhà quan sát phương Tây, vẫn không có gì xảy ra đối với Transnistria.

Trong khi Transnistria kêu gọi Điện Kremlin (trong số một số thực thể khác, bao gồm cả Nghị viện châu Âu) “bảo vệ Transnistria” trước “áp lực ngày càng tăng từ Moldova", khu vực này không tìm kiếm sự công nhận hoặc sáp nhập vào Nga. Hơn nữa, Tổng thống Putin hoàn toàn không đề cập đến Transnistria hay Moldova trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang của mình vào ngày 29/2. Khi cuộc bầu cử tổng thống Nga cận kề, ông đã dành phần lớn thời gian trong Thông điệp Liên bang cho các vấn đề trong nước.

Như vậy, theo Tiến sĩ Landgraf, thái độ "im lặng" từ Nga trước đề nghị của Transnistria có thể vì một số lý do sau: Đầu tiên là không có sự gần gũi về mặt địa lý, đặc biệt là sự tiếp giáp lãnh thổ, vốn là yếu tố trung tâm thúc đẩy sự hiện diện của Nga ở khu vực hậu Xô Viết. Transnistria không chỉ thiếu đường biên giới chung với Nga mà còn nằm trên đất liền. Điều này rất quan trọng vì nó ngăn cản Nga tập trung lực lượng ở biên giới.

Vì vậy, nếu có kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự, Nga chỉ có thể triển khai binh sĩ tới Transnistria thông qua chiến dịch không vận, một nhiệm vụ tốn kém và đầy rủi ro, vốn đòi hỏi phải bay qua không phận Ukraine, nơi Nga chưa hoàn toàn chiếm ưu thế trên không, hoặc bay qua lãnh thổ Romania và do đó là qua lãnh thổ NATO, điều sẽ kích hoạt các máy bay chiến đấu của Mỹ và Romania đóng quân gần Constanţa (Romania) xuất kích để đánh chặn máy bay Nga - hậu quả của việc đó có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Vấn đề thứ hai có liên quan đến hậu cần. Ngay cả khi Nga tăng cường lực lượng quân sự hiện có của mình ở Transnistria thông qua không vận, thì nước này cũng sẽ phải tìm cách duy trì các lực lượng bị cô lập về mặt địa lý như đã trình bày ở trên. Lực lượng Nga ở đó sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều về khả năng duy trì ở mặt trận phía Tây Nam so với ở phía Đông, nơi họ được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng vận tải và hậu cần dày đặc trên bộ bên trong lãnh thổ Nga và phía sau tuyến tiền phương của quân đội Nga. 

Yếu tố cuối cùng hạn chế khả năng triển khai lực lượng của Nga ở Transnistria liên quan đến tình hình tranh chấp ở khu vực Biển Đen. Mặc dù có nguồn lực hạn chế, Ukraine vẫn có thể làm suy giảm sự thống trị của Nga thông qua việc sử dụng hiệu quả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tài sản hải quân.

Ngoài ra, NATO đã thành lập các nhóm chiến đấu đa quốc gia ở Romania và Bulgaria, với quy mô và thành phần có thể được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu hoạt động hiện tại. Vào tháng 1/2024, hai nước đã đồng ý thực hiện sứ mệnh rà phá ngư lôi chung với sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen. Với những diễn biến này, Các trục tiến tới Transnistria từ phía Tây Biển Đen của Nga bị hạn chế.

Tóm lại hiện tại, Nga khó có thể tăng cường sự hiện diện quân sự thông thường ở Transnistria do vấn đề địa lý và các yếu tố khác. Mặc dù vậy, một số bình luận của phương Tây về yêu cầu bảo vệ mới nhất của Transnistria trên thực tế đã không tính đến hạn chế trên. 

Tác giả: Vũ Thanh/Theo https://fpri.org/

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến