Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến và sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này. Điểm đáng lưu ý, nội dung người tham gia bảo hiểm y tế được khám sàng lọc một số loại bệnh ung thư đã rút ra khỏi dự thảo luật.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp. Ảnh Như Ý
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đề xuất này ban đầu có dự kiến đưa vào dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
“Quan điểm của tôi là vẫn phải thực hiện việc sàng lọc, phát hiện sớm và bảo hiểm y tế thanh toán”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu. |
Theo ông Thuấn, nếu quy định được như vậy sẽ rất thuận tiện, góp phần phát hiện sớm bệnh và việc chữa trị sẽ hiệu quả, đặc biệt, chi phí tổng sẽ giảm đi.
“Tuy nhiên, dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi được thông qua trong một kỳ họp, nên chỉ xem xét, sửa đổi những gì thực sự cấp bách, còn những nội dung khác sẽ để lại và tiếp tục xem xét, sửa đổi sau”, Thứ trưởng Thuấn lý giải.
“Đây là vấn đề cấp bách”
Cùng trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, khẳng định, “đây là vấn đề cấp bách”. Theo bà, vấn đề có cấp bách hay không, đôi khi cũng do ban soạn thảo đề ra.
Lý giải về sự cấp bách, cần thiết này, đại biểu từng là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư chiếm chi phí rất lớn, khoảng 25% trong tổng số chi phí điều trị của bảo hiểm y tế.
“Chúng ta mà sàng lọc được sớm sẽ phát hiện sớm và điều trị sớm, qua đó sẽ giảm được chi phí cho quá trình nằm viện và những biến chứng lâu dài”, bà Trần Thị Nhị Hà nói.
“Quan điểm của tôi là vẫn phải thực hiện việc sàng lọc, phát hiện sớm và bảo hiểm y tế thanh toán”, nữ đại biểu nêu rõ.
Để làm được điều này, theo bà, Bộ Y tế phải quy định cụ thể danh mục, tần suất, khung giá cho những dịch vụ này. Bởi nếu không quy định cụ thể, dễ dẫn tới việc lạm dụng quy định này để tổ chức sàng lọc.
Cũng theo đại biểu, rất nhiều nước trên thế giới còn quy định, nếu không sàng lọc mà mắc bệnh thì không được thanh toán bảo hiểm y tế ở thời điểm mắc bệnh.
“Như vậy rõ ràng chúng ta phải có sự thay đổi về văn hóa cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh. Có ý kiến cho rằng, điều đó sẽ làm tăng thêm mức hưởng của người có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng đó là một hình thức để chúng ta giảm chi phí cho khám bệnh, chữa bệnh ở các tuyến trên”, bà Trần Thị Nhị Hà cho hay.
Bà Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, mức chi phí khám sàng lọc phụ thuộc vào từng đối tượng. Với những người trẻ, chi phí thường ít hơn, nhưng với người già, người có tiền sử gia đình bị ung thư, hay người mắc bệnh mãn tính, thì những chi phí xét nghiệm sẽ nhiều hơn. Điều này còn phụ thuộc vào chỉ định cũng như Bộ Y tế ban hành tần suất, danh mục, khung giá.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà trao đổi với phóng viên. Ảnh: Như Ý
Để xử lý hài hòa cho vấn đề này, đại biểu Hà “hiến kế”, Bộ Y tế có thể đưa ra quy định 2 năm, hoặc 3 năm được khám sàng lọc một lần, chứ không phải năm nào cũng làm. Ngoài ra, nên quy định với từng đối tượng, với người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính thì phải được sàng lọc nhiều hơn.
Hài hòa, cân đối quỹ
Cùng trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với đề xuất, vì khám sàng lọc bệnh ung thư rất tốn kém. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý phải xét đến khả năng chi trả bảo hiểm y tế.
“Là đại biểu Quốc hội - đại biểu của nhân dân, tôi cũng rất muốn người có bảo hiểm được khám sàng lọc bệnh ung thư, không chỉ được cho mình mà còn được cho mọi người dân. Đó là nhu cầu thiết thực của người dân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ với mức đóng bảo hiểm y tế như vậy, bây giờ lại muốn được hưởng nhiều chế độ như thế, bảo hiểm y tế có gánh được không. Đặc biệt, khi được khám sàng lọc bệnh ung thư, tôi tin chắc mọi người dân đều đi khám. Như vậy, bảo hiểm y tế có chi trả nổi không?”, ông Hòa đặt vấn đề.
Cũng theo đại biểu, lần sửa đổi luật này chỉ cho ý kiến và thông qua trong một kỳ họp. Trong khi, lĩnh vực này có rất nhiều nội dung cần sửa đổi. Vì thế, ông mong muốn phải sớm sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó, cần xem xét cho kỹ và có sự đánh giá tác động cụ thể với từng chính sách sửa đổi.
“Điều quan trọng, mục tiêu cuối cùng là người đóng bảo hiểm y tế được hưởng quyền lợi cao nhất. Đó là vấn đề trọng tâm, cốt lõi, cũng là mong mỏi của người dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đảm bảo cân đối hài hòa, bởi nếu chi trả quá nhiều, dễ dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ”, ông Hòa nói.
Tác giả: Luân Dũng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy