Dòng sự kiện:
Lý do Triều Tiên từng sử dụng múi giờ riêng
07/05/2018 10:45:57
Triều Tiên ba năm trước đổi múi giờ vì không muốn sử dụng tàn dư từ thời bị Nhật chiếm đóng và động thái đó diễn ra khi căng thẳng với Hàn Quốc dâng cao.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng ngày 20/4. Ảnh: KCNA.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng ngày 20/4. Ảnh: KCNA.

Ngày 15/8/2015, người Triều Tiên cho đồng hồ chạy chậm lại 30 phút, chuyển từ GMT+9 sang GMT+8h30 để thiết lập múi giờ riêng, gọi là "giờ Bình Nhưỡng". Chưa đầy ba năm sau, nước này điều chỉnh lại về như trước để có múi giờ giống Hàn Quốc.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra quyết định khi họp với Tổng thống Hàn Moon Jae-in tại Panmunjom ngày 27/4. Truyền thông Triều Tiên nói rằng ông Kim đã đau lòng khi thấy hai chiếc đồng hồ chỉ giờ khác nhau trong phòng diễn ra hội nghị.

Đó là một sự thay đổi giọng điệu so với năm 2015, khi KCNA nói rằng Triều Tiên không thể chịu đựng việc dùng múi giờ được đưa ra từ thời bán đảo Triều Tiên bị đế quốc Nhật chiếm đóng. "Đế quốc Nhật Bản độc ác đã phạm tội ác không thể tha thứ như tước đoạt cả múi giờ của Triều Tiên trong khi chà đạp không thương tiếc đất đai của chúng ta", KCNA viết trong dịp kỷ niệm 70 năm thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật.

Thực tế, bán đảo Triều Tiên đúng là từng sử dụng múi giờ của Bình Nhưỡng trong một quãng thời gian ngắn trước khi bị Nhật chiếm đóng năm 1910. Đế quốc Nhật sau đó áp múi giờ của nước họ với Hàn Quốc. Năm 1954, Hàn Quốc quay trở lại múi giờ cũ nhưng sau đó lại chuyển sang múi giờ giống Nhật Bản vào năm 1961, do liên quan đến công tác hậu cần cho quân đội Mỹ đóng quân tại Nhật, theo Washington Post.

Về mặt địa lý, Triều Tiên nằm giữa Nhật Bản và Trung Quốc nên việc họ dùng múi giờ ở giữa hai nước này không phải điều phi logic, cây bút Adam Taylor của Washington viết.

Múi giờ của Triều Tiên năm 2015. Đồ họa: Washington Post.
Múi giờ của Triều Tiên năm 2015. Đồ họa: Washington Post.

Triều Tiên không phải là quốc gia duy nhất sử dụng giờ đặc biệt. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez từng đổi múi giờ từ GMT-4 thành GMT-4h30 vào năm 2007 với lý do là mặt trời sẽ mọc trước khi hầu hết người Venezuela dạy, đảm bảo tất cả đi học hoặc đi làm khi trời sáng. Năm 2006, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro điều chỉnh lại giờ về GMT-4 như trước.

Nepal sử dụng múi giờ GMT+5h45, nhanh hơn Ấn Độ 15 phút, nhằm xây dựng lòng tự hào dân tộc và tách biệt họ với quốc gia láng giềng.

Quyết định đổi giờ năm 2015 của Triều Tiên là biểu tượng cho mối quan hệ suy giảm với Hàn Quốc. Các cuộc thử nghiệm tên lửa đã làm quan hệ Seoul và Bình Nhưỡng căng thẳng trong vài năm trước đó. Sau một sự cố khiến lính canh biên giới Hàn Quốc trúng mìn tại Khu Phi quân sự (DMZ), hai bên đã đấu pháo ở biên giới chỉ vài ngày sau khi giờ của Triều Tiên thay đổi.

Thay đổi này cũng gây bối rối tại khu công nghiệp Kaesong ở Triều Tiên, nơi các công ty Hàn Quốc tuyển dụng lao động Triều Tiên trong một nỗ lực hợp tác kinh tế hiếm hoi. Kaesong vài tháng sau đó đóng cửa do một căng thẳng khác trên bán đảo.

Quan hệ hai miền giờ đã ấm lên sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều Tiên ngày 27/4, khiến nhiều người lạc quan về tình hình bán đảo. Nếu lệnh trừng phạt Triều Tiên được dỡ bỏ, Kaesong có thể được mở lại và thậm chí hai bên có thể thảo luận về việc thiết lập mạng lưới đường sắt chung để kết nối hai quốc gia.

Với việc Hàn - Triều hiện chung một múi giờ, nhiều người hy vọng mọi thứ có thể tiến triển nhanh hơn. Truyền thông Triều Tiên nói rằng thay đổi này sẽ "đẩy nhanh quá trình để bắc - nam thống nhất, biến những thứ khác biệt và tách biệt thành đồng điệu và hợp nhất".

Theo Vnexpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến