Trump (trái) và Putin bắt tay nhau trong cuộc họp báo chung ở Helsinki ngày 16/7. Ảnh: Reuters.
Nhà Trắng ngày 19/7 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin đến Washington vào mùa thu này, sau khi hai ông vừa gặp nhau tại Phần Lan ngày 16/7, sự kiện khiến Trump bị chỉ trích là quá nhượng bộ Nga.
Theo giới phân tích, cách phản ứng của Trump đi ngược lại với lối tư duy thông thường khi đối mặt với khủng hoảng. Trước làn sóng chỉ trích của giới truyền thông và các chính trị gia Mỹ, Trump không "bỏ chạy" mà đi thẳng vào "tâm bão". Tuy nhiên, ông có lý do để làm như vậy.
Khắc phục hậu quả
Cây bút Z. Byron Wolf của CNN cho rằng Trump muốn dùng hội nghị lần hai với Putin để sửa chữa hay đảo ngược những "thiệt hại" của hội nghị đầu tiên tại Helsinki.
Ngay sau khi cuộc họp báo chung Trump - Putin ở Helsinki kết thúc, nhiều nghị sĩ ở cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều thể hiện sự bất bình trước việc Trump gián tiếp phủ nhận cuộc điều tra của các cơ quan tình báo Mỹ bằng cách khẳng định Nga "không có lý do gì để can thiệp bầu cử Mỹ".
Nhằm xoa dịu những chỉ trích, cả Nhà Trắng và bản thân Trump đều nhiều lần đính chính những phát biểu của ông. Trump tuyên bố đã nói nhầm trong cuộc họp báo với Putin. Ông giải thích rằng thay vì nói "không có lý do gì để cho rằng Nga không can thiệp bầu cử Mỹ", ông đã phát biểu ngược lại.
Ngoài ra, ông cũng thừa nhận đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ về hành động can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử 2016 và cam kết sẽ ngăn chặn tình trạng này trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Tuy nhiên, những lời giải thích trên dường như chưa đủ để làm nguôi sự giận dữ của những người chỉ trích ông. Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai có thể là cơ hội để Trump chứng tỏ mình không nhượng bộ Nga.
Đánh lạc hướng
Trump cũng có thể đang sử dụng lời mời Putin gặp mặt để đánh lạc hướng chú ý của dư luận. Ông hy vọng truyền thông sẽ chuyển hướng từ việc chỉ trích ông ở Helsinki sang tin tức về việc ông mời Putin tới Washington.
Trước đó, Nhà Trắng đã nỗ lực chuyển hướng sự chú ý từ cuộc gặp Trump - Putin sang các vấn đề kinh tế bằng một sắc lệnh mới về đào tạo công nhân, theo USA Today.
Trong cuộc họp nội các ngày 18/7, Trump phát biểu ngắn gọn về kết quả chuyến công du châu Âu cũng như các cuộc họp với NATO, Anh và Nga. Sau đó, ông nói về những thành quả kinh tế cũng như những kế hoạch sắp tới. "Nền kinh tế của chúng ta đang phát triển mạnh và bùng nổ. Chúng ta đã tạo được hơn 3,6 triệu việc làm kể từ cuộc bầu cử. Chúng ta đang có sự tăng trưởng việc làm tích cực nhất trong lịch sử", ông nói.
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rằng ý đồ đánh lạc hướng này có thể phản tác dụng. "Nếu Putin nhận lời đến Mỹ thì truyền thông nhiều khả năng còn xoáy vào vấn đề này hơn nữa", Wolf nhận xét.
Một số chuyên gia thì cho rằng việc mời Putin tiếp tục gặp mặt chứng tỏ Trump tin vào thành công của hội nghị thượng đỉnh Helsinki và cho rằng điều này sẽ giúp ông thu được sự ủng hộ lớn hơn từ người dân Mỹ.
Cuộc khảo sát được CBS News tiến hành ngày 17-18/7, ngay sau khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Putin, cho thấy có tới 70% nghị sĩ đảng Cộng hòa nhận xét Trump đã làm rất tốt trong hội nghị và chỉ có 21% cho biết họ thất vọng với những gì ông thể hiện.
Nhà khảo sát cử tri Mark Penn cũng nhận định Trump có vị thế chính trị mạnh mẽ hơn nhiều người nghĩ. Khác với các tổng thống tiền nhiệm, mức tín nhiệm của ông từ từ tăng lên khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang tới gần (ngày 6/11). Tháng 6, cuộc thăm dò của Harvard CAPS/Harris cho thấy tỷ lệ ủng hộ Trump tăng lên mức 47%, cao hơn so với 45 % của tháng 5.
Theo Công ty thăm dò dư luận Mỹ Gallup, bất chấp những ồn ào sau cuộc gặp thượng đỉnh, tỷ lệ tín nhiệm của Trump hiện là 41%, tương đương khi ông bắt đầu nhậm chức. Trong khi đó, cùng thời điểm như vậy, tỷ lệ tín nhiệm của hầu hết cựu tổng thống Mỹ đều bị giảm. Obama từng bị giảm tới hơn 20 điểm, từ 67% xuống chỉ còn 46%.
Có lẽ vì vậy, khi thông báo về mong muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai với Putin, Trump đang mong chờ một thành công còn lớn hơn những gì đã diễn ra ở Helsinki.
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy