Ly kỳ những lần phục bắt “sói hoang” miền Tây xứ Nghệ
31/01/2017 19:22:11
Cuộc chiến với những “ông trùm” ma mãnh tuồn “hàng” qua những đường tiểu ngạch trở thành thách thức lớn đối với lực lượng đấu tranh phòng, chống ma tuý Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Tin liên quan

Là huyện miền núi rẻo cao phía Tây Nghệ An, hai mươi năm trước Kỳ Sơn được mệnh danh thủ phủ của ma túy, “điểm nóng” trồng cây thuốc phiện. Nay anh túc đã bị tuyệt diệt, đa số đồng bào nơi đây cũng hiểu rõ những “cái chết trắng” do “nàng tiên nâu” gieo rắc để xóa bỏ tập tục trồng và sử dụng. Chỉ có các đối tượng hám lời là vẫn hoạt động phi pháp, vận chuyển, mua bán ma túy từ Lào về.

Cuộc chiến với những “ông trùm” ma mãnh tuồn “hàng” qua những đường tiểu ngạch trở thành thách thức lớn đối với lực lượng đấu tranh phòng, chống ma tuý Công an huyện Kỳ Sơn. Đặc biệt, khi địa bàn này có tới ba mặt đường biên dài 192 cây số tiếp giáp với 5 huyện, 3 tỉnh của nước bạn Lào… Người dân nơi đây gọi những kẻ buôn bán ma túy là "sói hoang".

Từ Hà Nội tôi lên tàu hoả về TP Vinh hơn 300km đã thấy xa ngái, khoảng cách giữa Vinh – Kỳ Sơn cũng gần tương đương vậy. Cùng đi với đồng chí Trần Anh Đức, cán bộ Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Nghệ An cấp phát bàn ghế cho lực lượng Công an xã giúp tôi hiểu được phần nào những khó khăn, thiếu thốn của người dân Kỳ Sơn nói chung, lực lượng Công an Kỳ Sơn nói riêng. Những con dốc hun hút, khúc cua tay áo trên đường độc đạo, một bên là núi cao trùng điệp, một bên là dòng Nậm Mộ hiền hòa uốn lượn làm tôi chợt nhớ câu ca dao xưa “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ…”.

Đoàn đi từ sáng, đến lúc đặt chân tới trụ sở Công an huyện Kỳ Sơn thì trời đã về chiều. Công an huyện miền sơn cước nằm cheo leo trên một quả đồi, sát quốc lộ 7, tựa lưng vào núi Pu Nghiêng. “Các tổ chức buôn bán ma tuý ở Lào câu kết với một số người Mông thông thạo địa bàn hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý vào Việt Nam tiêu thụ.

Kỳ Sơn là huyện biên giới, nhiều đường tiểu ngạch, địa hình hiểm trở nên được lựa chọn…” -  Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện niềm nở tiếp tôi bằng những nhận định về đặc thù địa bàn. Chỉ tính trong năm 2016, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 83 vụ, 102 đối tượng, thu 52 bánh heroin, 23.356 viên ma tuý tổng hợp, 4 quả lựu đạn, 1 súng AK, 266 viên đạn, 2 kiếm…

50 bánh heroin dưới gầm giường

Chuyên án khống chế “ông trùm” ma tuý khét tiếng ở đất nước Triệu Voi có tên Chò Cha (39 tuổi), trú bản Tho Thung, Mường Pẹt, Xiêng Khoảng (Lào) là câu chuyện mà mỗi khi kể lại, Thiếu tá Hạ Bá Lỉa, Đội trưởng Đội Hình sự, Kinh tế, Ma tuý, Công an huyện Kỳ Sơn cùng đồng đội vẫn không khỏi hồi hộp. Chò Cha người gốc Việt, bố mẹ di cư sang Lào từ bé nên dù sống bên kia biên giới nhưng gã thành thạo tiếng Việt và chẳng lạ lẫm gì đường đi lối lại ở Kỳ Sơn.

Già Rua Pủa, Chò Cha (từ trái qua) cùng 50 bánh heroin.

Hắn như một “bóng ma” thoắt ẩn thoắt hiện, rất kín kẽ và ít khi lộ diện. Nhưng trong những chuyến hàng lớn hắn lại xuất hiện dưới vai trò là người trực tiếp vận chuyển. “Triển khai chuyên án, mỗi lần cán bộ mình sang Lào trinh sát, theo dõi di biến động của các đối tượng đều phải được sự đồng ý của lãnh đạo Công an tỉnh, trong khi các đối tượng có thể sang “chui” bất cứ lúc nào qua các đường tiểu ngạch. Bởi vậy anh em phải vận dụng “4 tại chỗ”, tính năng động của từng cán bộ, chiến sỹ (CBCS), sự chịu khó chịu khổ bám địa bàn, bám đối tượng…” - Đội trưởng Lỉa nói. Ngôn ngữ bất đồng tưởng sẽ gây không ít khó khăn. Thế nhưng, đơn vị đã cử cán bộ đi đào tạo tiếng Lào nên có thể sử dụng thành thạo và phiên dịch tốt.

Các trinh sát nhanh chóng lần ra manh mối về cuộc “đột nhập” đường bộ với lượng ma tuý “khủng” ngày 26-5-2016 của Chò Cha và đàn em. Khi đến cửa khẩu Nậm Cắn – Noong Hét, chúng theo đường mòn sang bản Tiền Tiêu.

Tại đây, đối tượng người Mông Già Rua Pủa (55 tuổi), trú bản Huồi Xài, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn đón, dẫn đường và hộ tống “hàng” về khách sạn. Cha và Pủa ở khách sạn canh chừng ma tuý, còn các đối tượng khác đi tìm mối bán. Ban chuyên án đã quyết định tiếp cận căn phòng chứa “ông trùm” bởi đây là thời cơ “vàng”.

“Lúc đó khoảng 21h10, trời tối đen như mực. Hành lang khách sạn sáng trưng nhưng phòng đối tượng tối om, chỉ lập loè ánh sáng và âm thanh từ chiếc tivi đang bật. Khi tôi vào phòng thì Pủa hỏi “ai đó?” bằng tiếng Mông, đồng thời đẩy cửa lại nhưng không kịp…” – Thượng uý Trần Thế Nghĩa kể lại giây phút tiếp cận các đối tượng. Chò Cha ngồi trên giường cầm dao mẹo định chống trả song lập tức bị các trinh sát khoá tay.

Đội trưởng Hạ Bá Lỉa vào phòng cùng tốp trinh sát thứ hai thì Chò Cha nhanh nhảu nói bằng tiếng Việt “không phải tôi, không phải tôi…”. Lúc Ban chuyên án lôi ra hai bao tải đựng 50 bánh heroin dưới gầm hai chiếc giường đơn kê sát nhau thì “ông trùm” này thực hiện chế độ “3 không”: “Không biết tiếng Việt, không phải của tôi và không biết đó là ma tuý”.

Chưa đầy 40 tuổi nhưng ủ mưu nhiều và thủ đoạn đầy mình nên Chò Cha già dặn lắm. Đầu tóc hắn rất lạ, không có xoáy nhưng tóc xung quanh mọc cong cuộn vào đỉnh đầu như “lô cốt”. Già Rua Pủa thì khăng khăng, chỉ gặp Chò Cha bàn kế hoạch làm ăn, còn số heroin trên có thể do khách trước đó… “bỏ quên”.

Tuy nhiên, sau một đêm đấu tranh ở trụ sở Công an huyện Kỳ Sơn, cả hai đã phải thừa nhận hành vi của mình. Lúc “hành quân” các đối tượng mang theo rất nhiều vũ khí để phòng thân, tuy nhiên do công tác đảm bảo an ninh, trật tự được thắt chặt buộc chúng phải bỏ lại ngoài biên giới. Quá trình vây bắt diễn ra an toàn, trong tích tắc tưởng đơn giản. Nhưng để có được “quả ngọt” đó là hơn nửa năm ban chuyên án vắt óc suy nghĩ, ăn xôi ngủ rừng.

Đột kích hang ổ không điện lưới, không sóng điện thoại

Kỳ Sơn nằm trong tốp những huyện nghèo nhất cả nước (tỷ lệ hộ nghèo trên 65%). Còn lực lượng Công an huyện Kỳ Sơn thì thiếu thốn đủ đường từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị, phương tiện… Thế nhưng, sự say nghề thì không kém cạnh đồng nghiệp. Lần bắt sống đối tượng Và Bá Dì (25 tuổi), trú tại bản Long Kèo, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, thu giữ 2.600 viên ma tuý tổng hợp, 4 quả lựu đạn, 1 khẩu súng AK… cũng là câu chuyện ly kỳ trong cuộc đời làm án của trinh sát ma tuý Công an huyện.

Bá Dì và số vũ khí thu được tại hang ổ của Dì.

Tuổi còn trẻ, song Dì tỏ ra sành sỏi trong việc vượt biên trái phép mua ma tuý về bán và chỉ  “làm ăn lớn”, chứ không bán lẻ trong bản.

Ngày 24-10-2016, Dì từ Lào về với lô “hàng” mới, cất giấu tại nhà riêng chờ ngày bỏ mối. Bố vừa bị bắt về hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, em trai bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép chất ma tuý nên bản thân càng đề phòng hơn. Hắn cảnh giác đến mức đưa cả bát, nồi vào phòng tự nấu cơm ăn chứ hầu như không ra khỏi căn buồng riêng. Việc khống chế Dì trở thành nhiệm vụ khó khả thi…

Thêm khó khăn nữa, bản Long Kèo không có điện lưới và không có sóng điện thoại, trời lại mưa to, đường đất lầy lội khiến anh em trinh sát mất 2 giờ đi xe máy mới tiếp cận nhà đối tượng.

Quá trình phá án mất liên lạc nên Thiếu tá Lô Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện, Trưởng ban Chuyên án đã tính toán kỹ để thực hiện đúng kế hoạch đề ra, đồng thời mỗi CBCS tự nâng cao kỹ năng, bản lĩnh và sự linh hoạt, ứng biến.

Hơn 15h, 3 CBCS áp sát nhà Dì, một căn nhà gỗ ba gian giữa bốn bề rừng núi. Anh em ai nấy ướt nhẹp, bùn đất lấm lem. Bóng tối cũng bủa vây Long Kèo bởi trời mưa kéo dài không ngớt. Mẹ Dì bế một cháu bé, hỏi bằng tiếng Mông “các anh tìm ai?”.

Có tiếng động phía buồng, anh em lập tức vào trong khống chế Và Bá Dì. Hắn ngồi trên giường và đang chuẩn bị sử dụng ma tuý. Khẩu AK dưới gầm giường, súng kíp và dao mẹo ngay bên cạnh nhưng hắn chỉ kịp ú ớ.

“Không thể liên lạc để xin cán bộ tăng cường nên bắt xong chúng tôi lập tức đưa Dì cùng tang vật ra khỏi bản. Em trai khác của hắn bị tâm thần đã đập phá, cản trở, chưa kể người dân trong bản đều là anh em, họ hàng…”, Thượng uý Trần Thế Nghĩa nhớ lại. Một cán bộ ở lại khống chế người em trai, anh cùng Thiếu uý Vi Văn Phi dẫn giải đối tượng ra UBND xã bằng xe máy an toàn.

Trời chiều mưa càng nặng hạt, sương mù giăng mắc khắp nơi nhưng không thể cản bước những trinh sát quả cảm…

“Trong chuyên án bắt giữ Chò Cha, Thiếu uý Nguyễn Duy Kiêm đã phát thiệp hồng và xin nghỉ phép về chuẩn bị đám cưới nhưng vì nhiệm vụ anh vẫn cùng đồng đội vào trận. Chuyên án thành công, đồng chí trở về vừa kịp lúc đám cưới diễn ra. Có người vợ sắp "lâm bồn" cũng đành chịu lỗi, “đi một mạch” để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là sự chung sức đồng lòng, vì tập thể nhà báo ạ” – Thiếu tá Hạ Bá Lỉa chia sẻ. Chuyện đánh án ma túy nơi miền Tây xứ Nghệ vì thế mà thú vị hơn…

Theo CAND 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến