Dòng sự kiện:
Lý lẽ đại gia đòi trả 122 tỷ đồng và 3 ngân hàng vụ siêu lừa
18/03/2023 20:13:56
Ông Đặng Nghĩa Toàn đề nghị tòa buộc 3 ngân hàng giải tỏa, trả tiền tiết kiệm cho vợ chồng mình. Còn phía các nhà băng cho rằng người phải trả tiền cho ông Toàn phải là Hà Thành.

Ngày 18/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (39 tuổi, ở Hà Nội) và 25 bị cáo khác liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và 4 cá nhân tiếp tục phần tranh luận.

Trong ngày làm việc thứ 10 hôm nay, HĐXX dành thời gian để luật sư cùng đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank) và những người liên quan trình bày quan điểm.

Dùng ngân hàng làm công cụ rút tiền

Trong vụ án, ông Đặng Nghĩa Toàn (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án, sở hữu tổng số tiền 122 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng nêu trên.

Khi luận tội, VKS đề nghị bị cáo Thành bồi thường cho VietABank 249 tỷ đồng, bồi thường cho NCB 47,5 tỷ đồng và cho PVcomBank 49,4 tỷ đồng. Đối với số tiền 122 tỷ đồng mà ông Toàn có trong các sổ tiết kiệm gửi 3 ngân hàng, VKS đề nghị các nhà băng giữ lại để giải quyết việc vay mượn.

Trình bày tại tòa ngày 18/3, luật sư của các ngân hàng nêu trên đều chung quan điểm khi cho rằng quá trình tố tụng, Nguyễn Thị Hà Thành thừa nhận quan hệ với ông Toàn là quan hệ vay tiền. Bị cáo này nhiều lần hứa hẹn sẽ có nghĩa vụ trả nợ cho các đồng sở hữu tại 3 ngân hàng.

VKS đề nghị 3 ngân hàng giữ lại tiền để giải quyết việc vay mượn giữa Hà Thành và ông Đặng Nghĩa Toàn. Ảnh: N.H.

Luật sư của PVcomBank đánh giá đây là quan hệ dân sự được xác lập bằng lời nói. Các ngân hàng là công cụ đảm bảo cho quan hệ dân sự này. Căn cứ các quy định hiện hành, luật sư đánh giá hợp đồng vay tiền trả lãi cao giữa bị cáo Thành và vợ chồng ông Toàn được phát sinh từ thỏa thuận giữa 2 bên.

"Nguyễn Thị Hà Thành đã dùng các ngân hàng để làm công cụ tài chính rút tiền vay từ vợ chồng ông Toàn và những người đồng sở hữu khác", luật sư nêu quan điểm và cho rằng người phải trả tiền cho ông Toàn phải là Hà Thành.

Còn luật sư của NCB lập luận "Hà Thành thừa nhận vay tiền của ông Toàn qua việc gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu, ngân hàng là công cụ, phương tiện để Thành vay. Ông Toàn đã để mặc cho Thành muốn làm gì thì làm".

Trong khi đó, luật sư của VietABank cho rằng đây là mối quan hệ cho vay trả lãi cao giữa Hà Thành và các đồng sở hữu sổ tiết kiệm tại 3 ngân hàng. Luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung, xác định đúng tư cách tố tụng của ngân hàng này và xác định các đồng sở hữu là bị hại.

Ông Đặng Nghĩa Toàn tranh luận chiều 18/3. Ảnh: N.H.

Đại gia phủ nhận cho siêu lừa vay tiền

Cũng tham gia tranh luận chiều 18/3, ông Đặng Nghĩa Toàn phản bác những quan điểm của các ngân hàng. Ông này lập luận không có chứng cứ nào thể hiện có việc vay tiền giữa mình và Nguyễn Thị Hà Thành.

"Tôi đưa sổ cho Thành là vì Thành dùng thủ đoạn gian dối nói sẽ trả tôi tiền thưởng", ông Toàn giãi bày và bổ sung rằng tại tòa, Hà Thành đều thừa nhận tất cả lời khai của bị cáo là tự nguyện, không bị ai ép buộc. Ông Toàn cũng cho rằng bản thân không nhận khoản tiền lãi nào từ bị cáo Thành.

Với việc VKS đề nghị 3 ngân hàng giữ lại khoản tiền trong các sổ tiết kiệm để giải quyết về vay mượn, ông Toàn đề nghị tòa buộc 3 ngân hàng giải tỏa, trả tiền tiết kiệm cho vợ chồng ông ta theo quy định của pháp luật.

Còn luật sư của ông Toàn phân tích vợ chồng người này không cho Thành vay tiền, Thành cũng không nhận tiền từ vợ chồng ông Toàn. Khi muốn lấy tiền từ ngân hàng ra, Hà Thành đã giả chữ ký ông Toàn và vợ trong hồ sơ vay vốn. Theo luật sư, Thành chiếm đoạt tiền do có sự giúp sức của các cựu cán bộ ngân hàng.

Đối đáp với quan điểm của VKS trước đó, bị cáo Thành cho rằng trong các quan hệ vay mượn tiền với những người đồng sở hữu, cô ta chỉ chậm trả nợ, không có ý định trốn nợ hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn luật luật sư bảo vệ cho Hà Thành lập luận trách nhiệm để xảy ra thiệt hại của vụ án chủ yếu thuộc về nhóm bị cáo là 17 cựu cán bộ ngân hàng. Họ đã không thẩm tra hồ sơ, vẫn ký duyệt các khoản vay cho bị cáo.

Luật sư tranh luận chiều 18/3. Ảnh: N.H.

Theo cáo trạng, năm 2017, Công ty Eurocell Việt Nam dừng hoạt động nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Tùng vẫn giữ con dấu, hồ sơ công ty. Sau đó, Thành và Tùng sử dụng pháp nhân này để vay tiền của các nhà băng. Vì muốn có vốn đầu tư kinh doanh, Thành vay những người có tiền với lãi suất cao, hoặc đề nghị đối phương gửi tiền tiết kiệm đồng sở hữu vào 3 ngân hàng. Sau đó, bị cáo đề nghị đồng sở hữu đưa sổ tiết kiệm cho mình quản lý.

Tại VietABank, Hà Thành được sự giúp sức của một số cựu cán bộ nhà băng, giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu trên giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng hoặc hợp đồng thế chấp số dư tiền gửi... Qua đó, bị can chiếm đoạt của VAB gần 274 tỷ đồng và 63 tỷ đồng của các cá nhân.

Với NCB, Thành vay của ông Toàn hàng chục tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông này gửi tiền tiết kiệm rồi đưa sổ cho bị can giữ. Sau đó, Thành thông qua một số cựu cán bộ nhà băng làm thủ tục vay tiền, cấu kết với đồng phạm, lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của nhân viên nhà băng, ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn để cầm cố sổ tiết kiệm vay 47,5 tỷ đồng của NCB.

Còn tại PVcomBank, Thành vay tiền bằng hình thức đề nghị vợ chồng ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng. Sau đó, Thành và Tùng giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trong hợp đồng cầm cố tiền gửi. Cuối cùng, họ lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của một số cựu nhân viên ngân hàng, chiếm đoạt của nhà băng 49,4 tỷ đồng.

Tác giả: Hà Thành - Hoàng Lam

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Cách tra mã giao dịch chuyển tiền VPBank NEO
Đang phổ biến