M&A ngân hàng: Những cuộc 'hôn nhân' không môn đăng hộ đối
15/04/2015 10:29:51
Làn sóng sáp nhập theo hướng ngân hàng nhỏ chủ động xin sáp nhập vào đơn vị lớn để tồn tại được xem là những cuộc hôn nhân chênh lệch quy mô.
 

Tin liên quan

Điều đáng tiếc nhất trong năm 2014, đó là thị trường tài chính - nơi mà đáng lý ra nên có những thương vụ M&A lớn giữa các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu - đã không có một thương vụ đình đám nào xảy ra.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã từng lên tiếng về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể xử lý 6-7 ngân hàng thông qua hợp nhất và sáp nhập. Theo đó, có 2 lý do để Ngân hàng Nhà nước đồng ý chủ trương cho các ngân hàng lớn trong những thương vụ sáp nhập, đó là “kèm cặp” các ngân hàng yếu kém, hoặc để tăng quy mô của ngân hàng trong hệ thống.

Chính điều này đã tạo nên làn sóng mua bán theo một hướng mới: ngân hàng nhỏ chủ động xin sáp nhập vào những đơn vị lớn hơn để tồn tại. Đây đều được xem là những cuộc hôn nhân chênh lệch quy mô.

1. Southern Bank sáp nhập Sacombank

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chính thức có tờ trình xin chấp thuận chủ trương sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) vào Sacombank trong năm 2014 và đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua. Cuộc hôn nhân của “đôi đũa lệch” này được xem là màn dạo đầu cho công cuộc “bùng nổ sáp nhập ngân hàng” trong năm 2015.

Sở dĩ gọi là đôi đũa lệch vì trên thị trường tài chính, Southernbank có quy mô nhỏ, nhưng Sacombank lại là một thương hiệu đã được khẳng định từ nhiều năm nay. Thậm chí, nhắc đến danh sách những ngân hàng đình đám, một thời Sacombank được liệt vào một trong những nhà băng có thương hiệu tốt, với dấu ấn của nguyên Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Thành.

Việc sáp nhập một ngân hàng nhỏ hơn, với tiềm lực tài chính, danh tiếng và gần như tất cả mọi thứ đều không bằng, đang làm dấy lên lo ngại rằng Sacombank sẽ phải “cõng” thêm một đơn vị khác và sẽ khiến cho hoạt động của tổ chức mới bị thụt lùi. Đặc biệt, số liệu trong báo cáo tài chính của Phương Nam trong vòng 5 năm trở lại đây cũng cho thấy hoạt động của nhà băng này có một số vấn đề liên quan tới nợ xấu, lợi nhuận, với sự ổn định và tăng trưởng kém hơn Sacombank.

Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Phú - Chủ tịch HĐQT Sacombank lại cho biết, ông không lo thương vụ này sẽ kéo lùi Sacombank trở lại. Theo ông, trước khi sáp nhập, đề án phải được thảo luận cực kỹ, và cơ quan ra quyền quyết định là Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ chấp thuận phương án nếu ngân hàng mới hoạt động ổn định, phát triển sau sáp nhập. Quy trình đưa 2 ngân hàng trở thành “người một nhà”, theo ông Phạm Hữu Phú, cũng cần phải được đại hội đồng cổ đông thảo luận, cân nhắc kỹ càng.

2. Mekong Bank sáp nhập Maritime Bank

Cuộc hôn nhân thứ hai chính là vụ sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) và Maritime Bank theo Đề án sáp nhập đã được hai ngân hàng trình trong năm 2014. Vào đầu tháng 4 vừa qua, Thống đốc NHNN đã có quyết định thông qua.

Theo hợp đồng, MDB sáp nhập vào Maritime Bank theo phương thức hoán đổi toàn bộ số cổ phần của các cổ đông MDB sang Maritime Bank theo tỷ lệ 1:1. Để thực hiện giao dịch, Maritime Bank sẽ phát hành thêm 375 triệu cổ phần, bằng số cổ phần hiện hữu của MDB. MDB cũng bàn giao toàn bộ tài sản, quyền lợi, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp… sang Maritime Bank.

Việc MDB sáp nhập vào Maritime Bank cũng giúp 2 ngân hàng phát huy được nhiều thế mạnh, gia tăng vị thế trên thị trường, đa dạng hóa được các sản phẩm, dịch vụ, mang lại thêm nhiều lợi ích và sự thuận tiện cho các phân khúc khách hàng.

3. Saigonbank về cùng một nhà với Vietcombank

Trong cuộc hôn nhân này, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò “chủ hôn” khi trực tiếp ra quyết định sáp nhập hai ngân hàng này tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngân hàng Vietcombank, tổ chức vào ngày 16/1 ở Hà Nội

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận xét: “Vietcombank mọi chỉ số đều lành mạnh, nhưng nếu không hoàn thiện, đổi mới thì sẽ có những trì trệ nhất định kìm hãm phát triển trong tương lai. Muốn trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, Vietcombank không còn con đường nào khác là phải tham gia quá trình sáp nhập, tái cơ cấu cùng với NHNN, mà trực tiếp ở đây là nhập Saigonbank về”.

Saigonbank có vốn điều lệ 3.080 tỉ đồng, Nếu so sánh vốn điều lệ, hiện tại Saigonbank là một trong những ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất trong hệ thống, nhưng ngân hàng vẫn chưa rơi vào tình trạng thua lỗ trong các năm qua. Tuy vậy, Saigonbank kinh doanh không hiệu quả lắm trong năm 2014. Cụ thể, đến hết ngày 30-9, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 203 tỉ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ, lãi sau thuế cũng giảm mạnh, chỉ đạt 163 tỉ đồng.

Trong khi đó, năm 2014 Vietcombank lại đạt lãi trước thuế 5.680 tỷ đồng (vượt 2% kế hoạch đề ra); thu hồi được hơn 1.900 tỷ đồng từ nợ khó đòi; nợ xấu giảm mạnh xuống còn 2,26%.

Hiện Vietcombank là cổ đông lớn của Saigonbank với lượng cổ phần nắm giữ hơn 8,2%. Thương vụ sáp nhập này cũng đã được thông qua về mặt chủ trương. Sau khi cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập, 2 ngân hàng sẽ trình đề án sáp nhập và chỉ khi NHNN thông qua đề án sáp nhập, thương vụ mới bắt đầu được xúc tiến.

4. BIDV có thể “đỡ đầu” MHB

Từng có tin đồn BIDV sẽ sáp nhập thêm một nhà băng khác và thông tin lan truyền đối tượng sáp nhập là Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Và có vẻ như tin đồn này sắp thành sự thật khi MHB đang phối hợp với BIDV triển khai xây dựng đề án sáp nhập theo chỉ đạo của Thống đốc. Được biết, đề án đang được hai bên tiến hành xây dựng và dự kiến hoàn tất trong năm 2015, cho ra đời một ngân hàng có vốn điều lệ hơn 31.500 tỷ đồng.

Các thông tin chi tiết về phương án sáp nhập hiện chưa được công bố, chẳng hạn tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu ra sao, tên sau sáp nhập của ngân hàng là gì. Nếu tính theo số vốn điều lệ hiện tại, khi thương vụ thành công, ngân hàng sau sáp nhập có quy mô 31.512 tỷ đồng (vốn điều lệ hiện tại của BIDV 28.112 tỷ đồng và MHB 3.400 tỷ đồng), với tổng tài sản khoảng trên 695.000 tỷ đồng, lớn thứ ba hệ thống, sau Agribank (hơn 729.500 tỷ đồng) và Vietinbank (661.100 tỷ đồng).

5. Hành trình PGBank đến với Vietinbank

Từ năm 2014, kế hoạch nhận sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) với Ngân hàng Công Thương (Vietinbank) đã từng được hé lộ. Thế nhưng, hành trình để đến với nhau của hai ngân hàng này có vẻ lắm chông gai.

Đầu tiên, PGBank xin được trở thành ngân hàng thành viên của Vietinbank và vẫn giữ thương hiệu PGBank. Tuy nhiên, "mô hình ngân hàng trong ngân hàng" - theo cách gọi của PGBank - này lại không phù hợp quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng hiện nay.

Tiếp theo, khi tới đại hội cổ đông của PGBank diễn ra vào ngày 18.4.2014, nội dung về phương án tái cơ cấu ngân hàng thông qua sáp nhập và là đơn vị trực thuộc của Vietinbank đã được PGBank gỡ bỏ. Thay vào đó, Hội đồng quản trị PGBank chỉ xin cổ đông chấp thuận phương án sáp nhập "với một ngân hàng khác".

Trong tờ trình lần này, PGBank không nêu rõ danh tính đối tác cũng như phương án sáp nhập cụ thể. Đại diện PGBank từng nêu rõ, việc tái cơ cấu cũng xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính đơn vị này. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu cũng đến từ "thiện chí của đối tác tiềm năng".

Mãi cho đến hôm nay (14.4.2015), đề án sáp nhập hai ngân hàng này mới chính thức được đưa ra tại Đại hội cổ đông của cả hai ngân hàng. Điểm đặc biết là toàn bộ tài liệu chuẩn bị cùng các tờ trình mới chỉ được công bố vài tiếng trước khi Đại hội diễn ra.

Lãnh đạo ngân hàng Vietinbank cho rằng, Petrolimex có hàng loạt những lợi thế cạnh tranh lớn, một trong số đó là mạng lưới hệ thống cây xăng trên toàn quốc, cơ sở khách hàng bền vững từ hệ thống Petrolimex cũng như các đơn vị thành viên. Ngoài ra, PGBank cũng có thế mạnh về dịch vụ ngoại hối và phái sinh do nhu cầu lớn từ Petrolimex cũng như các đơn vị thành viên.

Sau sáp nhập, tổng tài sản của VietinBank sẽ tăng thêm 25.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỷ đồng lên trên 40.000 tỷ. Đặc biệt, VietinBank có thể khai thác mạng lưới gồm hơn 6.600 điểm kinh doanh xăng dầu của Petrolimex cùng các dịch vụ tài chính đi kèm, đẩy mạnh dịch vụ tài chính cho nhóm khách hàng của Petrolimex.

Tỷ lệ hoán đổi được đề xuất là 1:0,9, tức là một cổ phiếu PGBank đổi được 0,9 cổ phiếu CTG. Giá cổ phiếu PGBank được lấy theo mức tham chiếu trung bình ngày trong năm. Dự kiến việc hợp nhất sẽ hoàn thành trong Quý III năm nay.

Theo Báo Đất Việt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến