Trưa 7/2 (22 tháng Chạp), Sài Gòn nắng nóng hơn 32 độ C. Hàng loạt người mồ hôi nhễ nhại khi phải "chôn chân" giữa dòng xe máy, ôtô, ken đặc trên đường Pasteur (quận 1). Tiếng máy xe, còi xe; khói bụi... khiến ai cũng lộ vẻ mệt mỏi. Nhiều người chở hàng cồng kềnh không đủ kiên nhẫn, chặn đầu các xe máy bên cạnh để leo lên lề tìm đường thoát cảnh ùn ứ.
Ngồi sau xe ôm công nghệ, chị Hiếu (nhân viên công ty truyền thông ở quận 1) nới lỏng khẩu trang cho dễ thở, nói: "Tôi hẹn bạn ăn trưa ở đường Nguyễn Đình Chiểu, cách công ty khoảng 2 km mà nãy giờ hơn nửa tiếng chưa tới nơi. Từ Hàm Nghi chạy qua Tôn Đức Thắng kẹt cứng vì phố đi bộ đang rào chắn làm đường hoa. Quẹo tới lui mấy đường rồi mà chỗ nào cũng tắc, giờ đến đây thì kẹt cứng luôn".
"Tôi có cảm giác như ai cũng đổ ra đường vậy, có thể do nhu cầu mua sắm, giao hàng, tặng quà cuối năm... rất cao", chị nói thêm.
Dòng xe ùn ứ kéo dài trên đường Pasteur trưa 7/2. (Ảnh: Thành Nguyễn)
Ở chiều ngược lại, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) vào trung tâm Sài Gòn cũng luôn trong tình trạng tương tự. Là tuyến huyết mạch ra vào trung tâm thành phố nên lượng xe ở đây rất cao; taxi, xe buýt, ôtô và xe máy nườm nượp nối đuôi nhau ken đặc trên đường.
Các tuyến đường khác ở quận 1 như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Văn Tần, Hai Bà Trưng, Trương Định, Tôn Đức Thắng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học… lượng phương tiện cũng đông hơn ngày thường nên thường xuyên ùn ứ, xe phải di chuyển rất chậm.
Tại vòng xoay Mê Linh (quận 1), Công trường Dân Chủ (quận 3)… lượng xe từ nhiều hướng đổ về cùng lúc không kịp thoát nên các phương tiện phải nhích từng chút một. Đặc biệt vào giờ tan ca buổi chiều, các xe không nhúc nhích được, thậm chí nhiều ôtô bị kẹt gần 15 phút mới thoát ra khỏi vòng xoay.
"Kỳ lạ là dạo này trung tâm buổi trưa kẹt xe nhiều hơn khung giờ cao điểm, trông người nào người nấy đều hối hả. Tôi đi từ quận 1 sang quận 5 với đoạn đường hơn 3 km mà mất hơn 40 phút", chị Nhung, nhân viên kinh doanh một công ty cho biết.
"Người dân đi mua sắm, vui chơi, giải trí rất đông nên kẹt xe, ùn ứ có thể xảy ra bất cứ lúc nào chứ không riêng giờ cao điểm", anh Thành - nhân viên xung phong điều tiết giao thông ở ngã tư trên đường Võ Văn Tần (quận 3) nói.
Xe xếp hàng nhích từng chút tại ở khu vực trung tâm TP HCM trưa 22 tháng Chạp. (Ảnh:Thành Nguyễn)
Không chỉ ở trung tâm, các cửa ngõ ra vào thành phố thời điểm này giao thông cũng căng thẳng hơn trước, "nóng" nhất là khu vực bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh). Ùn ứ nghiêm trọng hay xảy ra ở các tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Bạch Đằng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Quốc lộ 13...
Trong đó, dòng xe từ vòng xoay Hàng Xanh đổ về đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rất lớn khiến đoạn đường này luôn trong tình trạng bị quá tải. Nhiều người dân về quê mang theo hành lý, đồ đạc lỉnh kỉnh; người giao hàng; ôtô con; xe buýt... cùng đổ về bến xe trong khi khu vực này đường nào cũng nhỏ hẹp.
Mật độ xe cũng dày đặc ở hướng ngược lại. Giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện phải nhích từng chút khi qua Bến xe Miền Đông, hướng vào trung tâm thành phố. Hay nối đuôi nhau kéo dài từ đoạn Quốc lộ 13 (trước trường Đại học Luật TP HCM) cho tới giao lộ với đường Nguyễn Xí.
Dòng xe khi vừa thoát khỏi đoạn này lại tiếp tục phải xếp hàng dài khi tới gần giao lộ với đường Bạch Đằng.
Tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường như Trường Chinh, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Bạch Đằng, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thái Sơn... luôn trong tình trạng xe phủ kín đường. Đa số taxi, xe tải, ôtô con, xe máy đều phục vụ nhu cầu chở khách ra vào sân bay, giao nhận hàng hóa... Dù chưa xảy ra vụ kẹt xe nghiêm trọng nào trong những ngày gần đây, song lượng xe tăng cao khiến tốc độ di chuyển rất chậm.
Cửa ngõ Tân Sơn Nhất thời điểm cuối năm luôn chật kín xe. (Ảnh: Hữu Nguyên)
"Khu vực trung tâm là nơi nhiều người đổ về mua sắm, vui chơi, giải trí vào thời điểm cuối năm nên mật độ phương tiện lưu thông rất đông. Một số nơi mặt đường bị thu hẹp, rào chắn để thi công tuyến metro số 1 cũng khiến xe cộ đi lại khó khăn, dễ xảy ra ùn ứ nghiêm trọng", đại diện Sở Giao thông Vận tải TP HCM nói.
Để thuận lợi cho người dân sinh hoạt, kinh doanh và vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán, Sở đã cấm đào đường thi công từ ngày 8/2 (23 tháng Chạp) đến hết ngày 23/2 (Mùng 8 tháng Giêng).
Chủ đầu tư tất cả công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố phải đôn đốc đơn vị thi công dọn dẹp vệ sinh khu vực công trường, trả lại nguyên trạng mặt đường kể từ ngày 3/2 (18 tháng Chạp) đến trước ngày 8/2 (23 tháng Chạp).
Sở Giao thông Vận tải ước tính lượng người đi lại dịp Tết này tăng 5-10% so với cùng kỳ năm trước và tăng khoảng 130% so với ngày thường. Trong đó, hành khách dự báo thông qua Bến xe Miền Đông dịp Tết tăng khoảng 2% so với cùng kỳ, tập trung từ ngày 22 tới 28 tháng Chạp, với ngày cao nhất vào khoảng 51.000 khách.
Sân bay Tân Sơn Nhất cũng dự báo tăng 25% khách so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 4,1 triệu người. Cao điểm nhất từ ngày 30/1 đến 2/3 (tức 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất).
"Hiện, các bến xe, ga tàu và cảng hàng không đều đã có phương án, kế hoạch cụ thể phối hợp cùng CSGT, cảnh sát địa phương, lực lượng TNXP... hạn chế thấp nhất tình hình ùn tắc để người dân thuận lợi về quê đón Tết", đại diện Sở GTVT thành phố cho biết.
Theo Vnexpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy