Dòng sự kiện:
M&A và rủi ro pháp lý
31/12/2018 07:13:41
Các NĐT trong và ngoài nước có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro pháp lý khi thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam. Việc giải quyết, bảo vệ quyền lợi của mình khi có tranh chấp xảy ra cũng không đơn giản.

Luật, lệ khác nhau

Tại hội thảo “Giao dịch các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A): Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp” diễn ra tuần trước, lấy ví dụ vụ việc đang rất được quan tâm là dự án Lavenue Crown ở số 8-12 Lê Duẩn, PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đã chỉ ra những rủi ro pháp lý của các nhà đầu tư nước ngoài khi thôn tính, mua bán cổ phần ở các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ nhất, việc mua bán diễn ra với một công ty có sẵn thì hợp pháp nhưng có ý đồ dựng lên công ty để mua cổ phần rồi nắm quyền kiểm soát lô đất thì những giao dịch như vậy có hợp pháp không?

Thứ hai, trong vụ việc này, thành phố đã sử dụng hai chế độ đất đai cho hai lô đất, đó là thuê trả tiền hàng năm và cấp. Việc thuê thì bình thường nhưng việc cấp liệu có hợp pháp không? Bản thân thành phố có vẻ không chắc chắn việc cấp là hợp lý, thể hiện ở việc vừa rồi thành phố đã ra quyết định thu hồi lô đất (sau đó lại có quyết định thu hồi quyết định này).

Câu hỏi thứ ba là cấp sổ đỏ rồi thì có thu hồi được không? Nếu doanh nghiệp không trả lại thì in sổ mới hay làm thế nào?

Cuối cùng, nếu không thu hồi quyết định thu hồi lô đất nói trên, việc lấy lại đất gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì ai chịu trách nhiệm? Ông Nguyễn Thành Tài khi ký vào hợp đồng là với tư cách đại diện cho chính quyền. Nếu thành phố tự hủy các loại giấy tờ thì ai sẽ là người chịu?

Do vậy, việc mua bán sáp nhập một doanh nghiệp nhà nước gắn với nhiều luật lệ khác nhau, không đơn giản chỉ liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Dân sự 2015 (nội dung về hợp đồng) hay Luật Đầu tư mà còn liên quan cả Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... Trong đó, có những luật rất phức tạp, phân tán. Bản thân các doanh nghiệp nhà nước cũng đang bị điều chỉnh bởi các quy định rất khắt khe khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA.

Từ thực tế giải quyết nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp tư nhân, ông Trương Nhật Quang, luật sư thành viên, Công ty Luật TNHH YKVN, đã liệt kê ra những đặc điểm nổi bật cũng như tranh cãi phổ biến ở thị trường M&A tại Việt Nam. Theo luật sư Quang, các hoạt động M&A hiện nay thường diễn ra với công ty chưa niêm yết trên sàn chứng khoán hơn là công ty đại chúng và giao dịch phổ biến là chuyển nhượng cổ phần, đa phần là cổ phần thiểu số, không chiến lược. Đáng chú ý là các điều khoản hợp đồng hiện phát triển theo hướng có lợi cho bên bán hơn là bên mua. Các tranh chấp bắt đầu được ghi nhận, tập trung ở các vấn đề chủ yếu như vi phạm cam đoan và bảo đảm; cơ chế xác định/điều chỉnh giá; bồi hoàn và các vấn đề thỏa thuận cổ đông.

Điểm lưu ý với các nhà đầu tư thực hiện M&A là, các hợp đồng phức tạp được soạn thảo theo mẫu của Anh/Mỹ nhưng điều chỉnh theo luật Việt Nam. Đây chính là nguyên nhân gây ra những tranh cãi giữa hai bên khi có tranh chấp. Việc thi hành các quy định, thỏa thuận cũng vì thế mà gặp khó khăn.

“Chiến lược ngăn chặn rủi ro”

Bà Ngô Quỳnh Anh, luật sư thành viên Công ty Luật EP Legal, cho rằng hoạt động M&A trong thời gian qua rất sôi nổi với giá trị các thương vụ lên đến hàng tỉ đô la Mỹ, diễn ra ở các lĩnh vực như địa ốc, bán lẻ... và các khách hàng chủ yếu đến từ Singapore, Nhật Bản, Thái Lan. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2019, các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, bán lẻ, viễn thông, dược... sẽ có nhiều thương vụ xảy ra. Động lực để hoạt động này tiếp tục sôi nổi chính là các hiệp định thương mại tự do quan trọng có hiệu lực, thu hút nhà đầu tư nước ngoài và việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cơ hội đặt ra nhiều nhưng cũng sẽ lắm thách thức về luật pháp, thông tin...

Luật sư Đặng Xuân Hợp, trọng tài viên VIAC, nhận xét tranh chấp thương mại trong những giao dịch M&A gần đây tăng lên. Từ đầu năm đến thời điểm ngày 10-12-2018, số vụ tranh chấp mà VIAC thụ lý lên tới gần 160 vụ, cao hơn con số của cả năm 2017 và cao hơn rất nhiều những năm trước đây. Thực tế cho thấy, tranh chấp xảy ra khi hai bên thiết lập tài liệu không thống nhất, rõ ràng ngay từ đầu. Nhiều nhất là trường hợp phân định phía phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với cơ quan chức năng.

Vì vậy, theo ông Hợp, để tránh những tranh chấp sau này, ngay ở giai đoạn trước khi ký hợp đồng, cả bên mua và bên bán cần mời những chuyên gia pháp lý là những người đủ giỏi, đã có trải nghiệm để xem xét kỹ lưỡng.

Luật sư Quang lưu ý, cơ hội M&A đang tốt nhưng cần có sự chuẩn bị sẵn sàng, kỹ càng về nguồn lực, vốn, con người, tư vấn pháp lý... để tránh thiệt hại khi có tranh chấp mà không hòa giải được. Bản thân ông Quang đã gặp nhiều trường hợp các bên tranh chấp đưa vụ việc ra trọng tài hoặc tòa án nhưng thủ tục thực hiện phức tạp và tốn kém nên đã đàm phán với nhau để kết thúc, thay vì đợi kết quả cuối cùng. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các thủ tục hành chính bởi chúng chiếm tới 90% thành công của một vụ việc.

Riêng với các nhà đầu tư đang đứng trước cơ hội mua cổ phần ở nhiều tập đoàn nhà nước, ông Nghĩa khuyến nghị, “chiến lược ngăn chặn rủi ro” là phải “xem luật như thế nào”. Nghĩa là, cần xem xét kỹ càng cả luật trên giấy và luật ngoài đời, thể chế chính thức và phi chính thức. Không chỉ vậy, cần tạo ra liên minh để bảo vệ mình, cần hài hòa lợi ích, chia sẻ quyền lợi với các bên khác nhau và nhất là có niềm tin vào chính quyền, biết thông cảm với những vướng mắc; hiểu vị thế của người bán... 

Chuẩn bị nội lực trước bán vốn

Một chuyên gia trong lĩnh vực trái phiếu không muốn nêu tên nhìn nhận, thực tiễn hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không có nhiều lợi thế khi bán vốn cho các nhà đầu tư. Không ít trường hợp “được” mua với giá rẻ, mua rồi thì bị ép về quản trị. Phần lớn nằm ở cửa dưới trong các đàm phán. Đó là chưa kể sự thiếu am hiểu về pháp lý, thiếu chuyên nghiệp khi làm việc với nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước lại có sức hút lớn nhờ sở hữu “đất vàng”, thị phần.

Do vậy, theo ông này, doanh nghiệp tư nhân trước khi M&A cần chuẩn bị nội lực, nâng cao năng lực quản trị, phát triển thương hiệu... để được định giá doanh nghiệp ở mức có lợi nhất. Doanh nghiệp cũng không cần nóng vội, bán bằng mọi giá để có tài chính mở rộng khi năng lực lõi chưa tương xứng.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến