Quá trình điều tra, xác định, do có nhu cầu lấy vợ người Việt Nam nên Hoàng Trung Sơn (sinh năm 1980), Phương Vũ Quân (sinh năm 1986), Thịnh Vân Hoa (sinh năm 1985) và Hoàng Dịch Khải (sinh năm 1992) cùng cư trú tại Trung Quốc, đã thông qua Yang Ming Jun (sinh năm 1972) và Trần Tiểu Linh (sinh năm 1981), cùng trú tại TP Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, liên hệ và móc nối được với Lương Văn Tuân và Vi Thị Vĩnh, tên gọi khác là Hoa (sinh năm 1997, trú tại xã Phúc Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) để giới thiệu và làm thủ tục cho những người đàn ông Trung Quốc lấy vợ người Việt Nam.
Nhận lời, Tuân và Vĩnh bàn bạc, thống nhất về số tiền được hưởng sau khi môi giới hôn nhân.
Qua trao đổi, các đối tượng thấy rằng, nếu làm theo đúng thủ tục quy định thì số tiền hưởng lời không được nhiều. Vì thế, Tuân bàn với Vĩnh tìm phụ nữ Việt Nam giới thiệu cho Tuân. Sau đó, Tuân sẽ thông qua hình thức môi giới hôn nhân, chiếm đoạt tiền của những người Trung Quốc có nhu cầu lấy vợ người Việt Nam.
Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ các đối tượng về hành vi mua bán người
Trong khoảng thời gian từ tháng 3-2024 đến cuối tháng 4-2024, với thủ đoạn tìm và thuê những ngôi nhà ở khu hẻo lánh thuộc các thôn, xã của huyện Bảo Thắng (Lào Cai); thuê người trung tuổi đứng ra đóng giả làm bố mẹ của những người phụ nữ được giới thiệu xem mắt và đưa ra yêu cầu cho những người Trung Quốc phải đưa tiền để làm giấy tờ, thủ tục đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới… Tuân và Vĩnh đã chiếm đoạt 160.000 Nhân dân tệ của 4 người đàn ông Trung Quốc.
Để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân, Tuân và Vĩnh đã bố trí cho nạn nhân Sơn gặp em gái của Vĩnh là D. (sinh năm 2000, trú tại tỉnh Bắc Giang) để xem mặt và ra mắt gia đình nhà gái. Với phương thức và thủ đoạn như trên, Tuân và các đối tượng đã chiếm đoạt của Sơn 40.000 Nhân dân tệ, gồm các khoản tiền sính lễ, tiền làm thủ tục, giấy tờ đăng ký hôn và tiền tổ chức lễ cưới.
Tương tự, Tuân và Vĩnh đã bố trí cho Hoa gặp N. (sinh năm 2005, trú tại huyện Sơn Động, Bắc Giang); bố trí cho Quân gặp K. (sinh năm 2003, quê Bắc Giang); Khải gặp V.N (sinh năm 2003, cũng trú tại Bắc Giang) để xem mặt và ra mắt gia đình nhà gái…
Sau khi đã nhận đủ các khoản tiền do bị hại đưa, khoảng 20h ngày 23-4, Tuân và Vĩnh đã bố trí xe đưa Trần Tiểu Linh và 4 người đàn ông Trung Quốc về TP Yên Bái với lý do chuẩn bị cho lễ cưới vào ngày hôm sau. Khi những người Trung Quốc đã ổn định chỗ nghỉ ngơi, Tuân và Vĩnh bỏ về, không thực hiện các nội dung như cam kết về việc làm thủ tục liên quan đến đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới cho những người Trung Quốc nhằm chiếm đoạt số tiền mà họ đã đưa.
Theo Công an tỉnh Lào Cai, thực tiễn công tác đấu tranh qua các vụ việc, vụ án cho thấy, để dụ dỗ phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng, các đối tượng tìm cách tiếp cận, thuyết phục, hứa hẹn với nạn nhân về viễn cảnh cuộc sống giàu sang và sẽ nhận được số tiền hồi môn từ 20-120 triệu đồng. Sau đó, đối tượng nhận tiền đặt cọc, tổ chức xem mặt…
Sau đó thì hoàn thiện các thủ tục hộ chiếu, visa, giấy khám sức khoẻ, giấy xác nhận tình trạng độc thân rồi đưa phụ nữ Việt Nam xuất cảnh bàn giao cho người bên Trung Quốc và nhận tiền. Trong trường hợp này, ban đầu, việc sang Trung Quốc kết hôn của một số phụ nữ Việt Nam là tự nguyện nhưng khi sang đến nơi, nhiều nạn nhân bị giam lỏng, kiểm soát, thu hết hộ chiếu, điện thoại; bị yêu cầu phải kết hôn theo chỉ định của nhóm đối tượng này. Vì không có tiền để trả cho các đối tượng, nhiều phụ nữ đã phải kết hôn trên cơ sở không có tình cảm.
Hoạt động kết hôn trái phép (không có sự tự nguyện của bên nữ) diễn ra ở nước ngoài nên việc ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Một số nạn nhân ban đầu bị kết hôn ép buộc nhưng sau một thời gian chung sống, sinh con đã chấp nhận cuộc sống như vậy và không muốn thay đổi… Vì thế, nếu có trở về Việt Nam cũng không đứng ra tố cáo các đối tượng đã lừa đảo…