Mang nước ngọt ra Trường Sa bằng...trí tuệ
13/09/2014 09:32:45
Lâu nay, nước ngọt đến với bộ đội Trường Sa bằng những chuyến tàu; hay sau mỗi cơn mưa bất chợt…
Vậy nhưng, có một sản phẩm mới của các nhà khoa học thuộc Trung tâm Công nghệ-Cơ khí chính xác (CNCKCX), Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (Bộ Quốc phòng), đã biến nước biển Trường Sa mặn chát thành những lít nước ngọt tựa nước la-vi…
Một cách thương yêu đồng đội
Cơ ngơi khiêm tốn, quân số chưa tới 100 người trong biên chế, song từ Trung tâm CNCKCX, nhiều công nghệ tiên tiến đã được ra đời và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, trong đó công nghệ sản xuất Cụm thiết bị lọc nước biển cá nhân là một ví dụ.
Sự lựa chọn và quyết tâm đầu tư nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm này xuất phát từ tình cảm của các nhà khoa học ở Trung tâm với bộ đội hoạt động trong môi trường đặc biệt, thiếu nước ngọt, đặc biệt là bộ đội hoạt động ở khu vực biển đảo như quần đảo Trường Sa.
Nếu nói đến thiết bị chuyển hóa nước biển thành nước ngọt thì có thể thấy đây không phải là công nghệ mới, và loại sản phẩm này được bày bán trên thị trường khá nhiều. Nếu chỉ tư duy như vậy thì sẽ không thể nhận ra cái “đặc sắc” của sản phẩm mà Trung tâm CNCKCX đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Cái “đặc sắc” của sản phẩm này thể hiện ở chỗ, nó không chạy bằng điện như các sản phẩm trên thị trường, mà được sử dụng bằng tay, và một cậu bé 6 tuổi có thể trạng bình thường là có thể thao tác dễ dàng.
Đại tá Phan Quang Tuấn (bên phải) cùng Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình bên Thiết bị lọc nước biển B20.01
Đại tá Phan Quang Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm CNCKCX chia sẻ: Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ở một số đơn vị, nhất là các đơn vị đóng quân nơi biển đảo, nên năm 2012, các kỹ sư Trung tâm CNCKCX đã “khởi động” đề tài nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Thiết bị lọc nước biển RO.BT1 và sau đó là Thiết bị lọc nước biển B20.01.
Nếu không nói, thì ít ai biết được để có được 2 sản phẩm hữu ích này, các kỹ sư của Trung tâm đã “dụng công” đến mức nào. Nhằm tiết kiệm tối đa kinh phí, các anh đã phải sử dụng phương pháp cắt gọt, thay vì dùng khuôn ép có giá thành cao như công nghệ của nước ngoài; và vật liệu được dùng làm thân ống của máy lọc RO.BT1 là pô-li-me. Phải chịu áp suất 50kg/cen-ti-mét vuông, nên không ít lần ống bục vỡ; rồi lại đến chuyện rò vách ngăn giữa khoang chứa nước biển và khoang chứa nước ngọt…
“Đôi lúc cũng oải, nhưng nghĩ đến tác dụng mà nó mang lại cho bộ đội hoạt động ở những khu vực khó khăn, anh em chúng tôi lại động viên nhau quyết tâm làm cho ra sản phẩm”, Thiếu tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Công nghệ, Chủ nhiệm Đề tài Thiết bị lọc nước biển RO.BT1 tâm sự.
Giữa Thủ đô, lấy đâu ra nước biển để phục vụ quá trình thử nghiệm? Ban đầu nhóm đề tài đã pha nước muối với tỉ lệ 4/1.000. Nhưng như vậy vẫn chưa sát thực tế, các anh lại cơ động xuống biển Đồ Sơn (Hải Phòng) chuyển nước mặn về Trung tâm. Tuy nhiên, nhận thấy nước biển ở đây có độ mặn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của đề tài, nên cung đường vận chuyển nước biển về thử nghiệm lại bị kéo dài hơn, từ Hà Nội về tận…Cửa Lò (Nghệ An).
Nước biển Trường Sa...hết mặn
Không phụ công người, 2 thiết bị lọc nước biển đều được hoàn thành trong năm 2013, qua thử nghiệm và sử dụng thực tế ở đơn vị đều cho kết quả rất tốt. Thiết bị lọc nước biển RO.BT1 có khả năng lọc 0,89 lít nước ngọt/giờ, trong khi đó Thiết bị lọc nước biển B20.01 có công suất 4,5 lít nước ngọt/giờ.
Không dừng lại ở những thành quả ban đầu, hiện các anh còn đang ấp ủ dự định sẽ phấn đấu giảm giá thành sản xuất sản phẩm bằng cách mua màng lọc ở dạng nguyên liệu để chế tạo ra cục lọc cho thiết bị, thay vì phải mua cục lọc nhập ngoại với giá thành cao. Chỉ có như thế, sản phẩm mới có cơ hội được sản xuất đại trà phục vụ bộ đội, đồng thời tạo điều kiện cho bà con ngư dân tiếp cận với sản phẩm này...
Chúng tôi cùng Thiếu tá Nguyễn Trường Sơn và Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Kế hoạch tổng hợp của Trung tâm, Chủ nhiệm Đề tài Thiết bị lọc nước biển B20.01, cùng kiểm tra khả năng vận hành của 2 thiết bị. Với nhịp bóp khoan thai trên thiết bị RO.BT1 và nhịp bẻ càng nhịp nhàng trên thiết bị B20.01, những dòng nước biển dần được chuyển thành nước ngọt, long tong nhỏ giọt, đầy dần trong 2 chiếc cốc thủy tinh. Đưa lên miệng, nước thấm dần vào họng, ngọt như nước lọc la-vi. Vậy mà khi vừa nhấp ngụm nước từ xô lên, miệng chúng tôi chát mặn. Thế mới thấy sự diệu kỳ từ những chiếc máy lọc nước kia.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các đại biểu tham quan Thượng tá Nguyễn Văn Lâm trình diễn Thiết bị lọc nước biển RO.BT1 trên hải trình ra Trường Sa, tháng 4-2014.
Đứng bên cạnh, Thượng tá Nguyễn Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Trung tâm CNCKCX kể lại kỷ niệm sâu sắc của anh trong hải trình cùng thiết bị lọc nước RO.BT1 ra Trường Sa trong tháng 4 vừa qua. Trước khi lên đảo, anh đã được Đoàn công tác dành cho một buổi chiều để trình diễn tính năng, tác dụng của chiếc máy lọc nước này, trước sự quan tâm chú ý của 10 tướng lĩnh quân đội và nhiều sĩ quan cao cấp trên tàu. Sau khi nhấp xong ngụm nước ngọt vừa được thiết bị chuyển hóa từ nước biển Trường Sa, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn công tác xúc động tâm sự với mọi người, đại ý rằng, trong những tình huống nguy cấp, với thiết bị này, ta sẽ có nước ngọt, và chỉ cần một ngụm thôi là có thể cứu sống một con người.
Sau chuyến đi ấy, thiết bị lọc nước RO.BT1 đã ở lại với cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây A. Các cán bộ của Trung tâm CNCKCX vẫn thường xuyên liên lạc với anh em ngoài đảo, và luôn nhận được thông tin: Máy lọc nước vẫn hoạt động tốt, nhờ đó nguồn nước ngọt của anh em thêm dồi dào.
Thông tin ấy luôn khiến các nhà khoa học ở Trung tâm CNCKCX cảm thấy ấm lòng, bởi họ đã mang được nước ngọt ra với Trường Sa, không phải bằng những chuyến tàu, mà bằng trí tuệ của những nhà khoa học mang áo lính…
Theo QDND.vn
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến