Dòng sự kiện:
Mang thai uống paracetamol, con thêm nguy cơ tăng động giảm chú ý
31/10/2017 16:10:18
Phụ nữ sử dụng nhiều thuốc giảm đau acetaminophen trong thời kỳ mang thai có thể dễ sinh con bị rối loạn tăng động thiếu chú ý (ADHD) hơn so với những người không sử dụng thuốc.

Các nhà nghiên cứu na Uy đã phân tích dữ liệu của gần 113.000 trẻ và cha mẹ, trong đó có 2.246 trẻ có chẩn đoán ADHD. Gần một nửa số bà mẹ uống acetaminophen (còn có tên là paracetamol) vào một lúc nào đó trong khi mang thai, theo các nhà nghiên cứu báo cáo ở Pediatrics.

Việc sử dụng thuốc chỉ trong 1 giai đoạn thai kỳ có tỷ lệ trẻ bị ADHD cao hơn 7%, trong khi nguy cơ tăng 22% đối với phụ nữ sử dụng acetaminophen trong 2 giai đoạn thai kỳ và 27% nếu thuốc được sử dụng trong cả 3 giai đoạn thai kỳ.

Sử dụng ngắn ngày có vẻ không làm tăng nguy cơ ADHD. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy người mẹ uống acetaminophen dưới 8 ngày sinh con ít bị ADHD hơn 10% so với những người mẹ không sử dụng thuốc trong suốt thời kỳ mang thai.

Tuy nhiên, những phụ nữ sử dụng thuốc để điều trị sốt và nhiễm trùng trong 22 đến 28 ngày dễ có con mắc ADHD gấp 6 lần so với những người mẹ không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.

"Điều đáng ngạc nhiên là, sau khi hiệu chỉnh về tất cả các tình trạng bệnh liên quan đến sử dụng acetaminophen trong thời kỳ mang thai (như nhiễm trùng và đau) và nguy cơ di truyền ADHD, thì những trẻ phơi nhiễm với acetaminophen sử dụng dài ngày trong thai kỳ có chẩn đoán ADHD gấp 2 lần ", Eivind Ystrom, Viện Y tế Công cộng Na Uy và Đại học Oslo, cho biết.

"Điều này rất quan trọng, vì hơn 50% phụ nữ ở các nước phương Tây sử dụng acetaminophen trong thời kỳ mang thai, một số lớn trẻ em cũng bị phơi nhiễm lâu dài".

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 4% trẻ em trong nghiên cứu sẽ có chẩn đoán ADHD ở tuổi 13.

Nghiên cứu nhiều tranh cãi

Xét về các mặt hạn chế, nghiên cứu không phải là một thử nghiệm có đối chứng được thiết kế để chứng minh liệu việc sử dụng acetaminophen trước khi sinh có trực tiếp gây ra ADHD hay không.

Thêm nữa, việc sử dụng acetaminophen dài ngày trong khi mang thai có thể chỉ ra một bệnh hoặc thương tích nặng hơn, và các nhà nghiên cứu không có đủ dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của những tình trạng bệnh khiến người mẹ phải sử dụng thuốc.

Một nhược điểm nữa là các nhà nghiên cứu phải dựa vào số liệu điều tra để xác định phụ nữ mang thai đã sử dụng acetaminophen khi nào và trong bao lâu, cũng như lý do họ dùng thuốc. Nhiều người trong nghiên cứu cũng không báo cáo lý do sử dụng acetaminophen

Còn theo TS Antonio Saad, nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Texas, Galveston, thì mối liên hệ giữa acetaminophen và ADHD trong nghiên cứu có thể thuần túy chỉ là do ngẫu nhiên.

"Cần nhớ rằng không sử dụng acetaminophen có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực. Các loại thuốc giảm đau hạ sốt khác, như ibuprofen, không nên dùng trong thời kỳ mang thai, khiến các thuốc giảm đau gây ngủ trở thành lựa chọn duy nhất để giảm đau và không có lựa chọn thay thế để hạ sốt".

Các bác sĩ nói chung khuyên phụ nữ mang thai uống acetaminophen với liều nhỏ nhất có thể trong thời gian ngắn nhất có thể khi bị sốt.

Jordi Julvez, một nhà nghiên cứu tại Viện Sức khoẻ Toàn cầu Barcelona chia sẻ: "Tôi không nghĩ rằng một liều acetaminophen rất khiêm tốn chỉ trong vài ngày lại tác động thực sự lên bộ não đang phát triển".

Còn BS Chittaranjan Andrade, Viện Y tế Tâm thần và Khoa học thần kinh Quốc gia ở Bangalore, Ấn Độ thì nghi ngờ rằng nguy cơ ADHD tăng liên quan đến sử dụng acetaminophen dài ngày cũng có thể là do các vấn đề sức khoẻ mà người mẹ gặp phải, chứ không phải do sử dụng thuốc.

Ví dụ, sốt hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị ADHD, chứ không phải là do người mẹ uống acetaminophen.

“Kết quả của nghiên cứu không đủ mạnh để ngăn cản việc sử dụng acetaminophen nếu có chỉ định trong bất kỳ tam cá nguyệt nào trong thời kỳ mang thai”.

Theo Dân Trí

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến