Dòng sự kiện:
Masan Group lên kế hoạch huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu
22/12/2019 13:34:05
Kế hoạch phát hành 100 triệu trái phiếu MSN dự kiến chia làm 4 đợt vào quý I và quý II của năm 2020.

Tập đoàn Masan (Masan Group, HoSE: MSN) vừa thông qua quyết định phát hành trái phiếu ra công chúng nhằm huy động tối đa 10.000 tỷ đồng, được chia làm 4 đợt. Trong đó, đợt đầu dự kiến huy động 3.000 tỷ bắt đầu từ quý I/2020.

Đợt 2 với giá trị tối đa 2.000 tỷ dự kiến thực hiện cũng trong quý I/2020. Đợt 3 có giá trị 3.000 tỷ đồng dự kiến trong quý II/2020 và đợt cuối giá trị 2.000 tỷ đồng trong quý II/2020.             

Mục đích phát hành là tăng quy mô vốn cho Tập đoàn và các công ty con nhằm thực hiện dự án đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh bằng việc góp thêm vốn vào điều lệ của công ty con, cho vay các công ty con và thanh toán các khoản nợ (bao gồm vay nội bộ) của Tập đoàn.

Cụ thể, Masan Group dự kiến rót 5.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan lên tối đa 18.737 tỷ đồng. Việc góp vốn sẽ được thực hiện trong một hoặc nhiều đợt. Đây là công ty do Masan Group sở hữu 99,9% vốn và được thành lập nhằm tiếp quản lại mỏ Núi Pháo sau khi mua lại từ Dragon Capital.

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng cấp khoản vay 3.000 tỷ cho Masan Comsumer Holdings và 1.000 tỷ cho nhà máy chế biến thịt MNS Meat Hà Nam. Cuối cùng, Masan Group dự chi 1.000 tỷ còn lại để thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo.

Các trái phiếu trên là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được đảm bảo bằng tài sản và không phải nợ thứ cấp của Masan Group. 

Động thái huy động số lượng vốn lớn trên diễn ra trong bối cảnh Masan đang có nhiều tham vọng lớn. Trong đó, sau thành công với sản phẩm nước chấm và mỳ gói, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hướng đến tham vọng chiếm lĩnh mảng thịt – thể hiện rõ nét qua động thái thay Masan Nutri Science (MNS) thành Masan MEATLife (MML), chuyển đổi mô hình kinh doanh từ sản phẩm nông nghiệp sang chuỗi giá trị đạm động vật có thương hiệu.

Mục tiêu đến năm 2022, Công ty dự chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt với thương hiệu MEATDeli, đầu vào được cung cấp 100% bởi trang trại riêng/hợp tác, hiện diện toàn quốc qua hệ thống 5.000 điểm bán, tương ứng doanh số lên đến 1-2 tỷ USD. Song song, mảng thức ăn chăn nuôi cũng tham vọng đạt 20% thị trường với thương hiệu Bio-Zeem, công suất hơn 90% và đạt doanh số 0,9 tỷ USD.

Tính chung, biên lợi nhuận của doanh nghiệp MML vào mức 18-22% (EBITDA), lãi ròng từ 200-450 triệu USD, tiến tới niêm yết HoSE. Ngày 9/12, MML đã chính thức giao dịch trên UpCOM với giá chào sàn 80.000 đồng/cp, hiện cổ phiếu đang giảm mạnh về mức giá 65.600 đồng/cp. Song song, cổ phiếu MSN của Tập đoàn cũng liên tục lao dốc. Kết quả, theo công bố cập nhật của Forbes ngày 11/12, ông Nguyễn Đăng Quang không còn là tỷ phú USD khi tổng tài sản chỉ còn 974,5 triệu USD. Lý do ông Quang bị loại khỏi danh sách tỷ phú của Forbes có thể bắt nguồn từ việc giá cổ phiếu MSN giảm sâu trong thời gian gần đây. Kết thúc phiên giao dịch 20/12, thị giá MSN chỉ còn 55.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường 64.292 tỷ đồng, giảm gần 30% so với thời điểm đầu năm.

Trước đó vào tháng 3/2019, ông Nguyễn Đăng Quang đã được Forbes công nhận là tỷ phú với khối tài sản vào thời điểm đó lên tới 1,3 tỷ USD. Đặc biệt là thương vụ bom tấn mới đây, Tập đoàn Vingroup và Masan hôm 3/12 đã thỏa thuận sáp nhập Công ty VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) của VinGroup vào CTCP Hàng tiêu dùng Masan – Masan Consumer để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng – Bán lẻ. Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Việc sáp nhập trên có thể là nền tảng giúp tỷ phú Quang thực hiện được mục tiêu chiếm lĩnh thị trường bán lẻ còn dang dở, tuy nhiên cũng đầy thử thách. Trong văn bản nội bộ được gửi đi vào ngày 17/12 mới đây, ông Quang khẳng định thương vụ này sẽ "giúp cho việc tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo ra một tập đoàn hàng tiêu dùng – bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam".

Việc sáp nhập này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hệ thống quản trị hiện tại của các công ty cũng như các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với nhân viên của VinCommerce và VinEco, các nhân viên hai công ty này sẽ tiếp tục hưởng và duy trì quyền lợi cũ như ở Vingroup trong thời gian hiện nay. Ngoài ra, các nhân viên này sẽ được hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan, như được tham gia Chương trình ưu đãi đặc quyền dành cho nhân viên theo giá vốn, vị này động viên.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến