Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, tình trạng mặt bằng nhà phố bỏ trống, không có khách thuê diễn ra ngày càng trầm trọng. Các căn nhà mặt tiền ở những tuyến phố mua sắm sầm uất tại quận 1 tiếp tục cảnh đóng cửa và dán chằng chịt những tấm biển thông báo cho thuê.
Một mặt bằng trên đường Trần Hưng Đạo - một trong những con đường kinh doanh các nhà hàng ăn uống, điện tử, làm đẹp có vị trí đẹp nhất thành phố - có dấu hiệu xuống cấp do lâu ngày không có người thuê.
Trong khi đó, ở ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai giao với Đinh Tiên Hoàng - mặt bằng từng được một chuỗi bán lẻ điện thoại lớn thuê - cũng bị bỏ trống hơn một năm trở lại đây. Căn nhà phố hai mặt tiền này được rao thuê với giá 150 triệu đồng/tháng. Có vị trí đắc địa nhưng giá thuê cao khiến không nhiều đơn vị kinh doanh cân nhắc vào thời điểm khó khăn này.
Tương tự, những con đường vốn là nơi buôn bán sôi động của các tiểu thương sát Chợ Bến Thành cũng chứng kiến cảnh đìu hiu chưa từng thấy do hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và mặt bằng bỏ trống.
Ông Trung, một người buôn bán rau củ tại chợ Bến Thành, cho biết đây vốn là nơi sầm uất, đông đúc người dân TP và cả khách du lịch. Nhưng dịch bệnh khiến khu vực trở nên vắng vẻ. Đứng trước mặt bằng trên đường Nguyễn An Ninh, ông cho biết khách thuê cũ của căn nhà đã cầm cự kinh doanh từ đợt bùng dịch thứ 2, tuy nhiên họ buộc phải trả mặt bằng cách đây hơn 2 tháng.
Không nằm ngoài vòng xoáy của dịch bệnh, những con đường nổi tiếng về ẩm thực và thời trang ở quanh tòa nhà Bitexco như Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu vốn là nơi chen chân của hàng trăm thương hiệu cũng đã cho thấy sự đuối sức.
Ba mặt bằng nằm liền kề nhau trên đường Hồ Tùng Mậu không có khách thuê khiến khu vực trở nên đìu hiu. Tại những địa điểm đẹp, các hợp đồng thuê thường kéo dài từ 3-5 năm.
Trong bối cảnh khó khăn cho cả chủ nhà và khách thuê, các điều khoản cho thuê mới cũng đang được thiết lập lại làm thay đổi thị trường nhà phố đắt đỏ của TP.HCM. Với các mặt bằng đang chào thuê, chủ nhà phải đối mặt với yêu cầu giảm từ 20-40% giá chào thuê hiện tại. Thời hạn hợp đồng vẫn duy trì ở mức 3 đến 5 năm. Tuy nhiên, khách thuê đề xuất không tăng giá thuê trong suốt thời hạn thuê.
Tại khu phố Tây Bùi Viện, cảnh vắng vẻ và kinh doanh đìu hiu của các cửa hàng, quán bar, nhà hàng ăn uống đã diễn ra kể từ khi đóng cửa các chuyến bay từ nước ngoài, dẫn đến sụt giảm nguồn khách du lịch tại đây. Sau 4 đợt bùng phát dịch, những mặt bằng đẹp nhất trên đường Bùi Viện cùng được dán đầy các tấm biển tìm khách thuê mới.
Báo cáo thị trường bất động sản tháng 4 của Batdongsan.com.vn cho thấy ở TP.HCM, nhu cầu thuê nhà riêng, nhà mặt phố trong đầu quý II giảm 11-18%, nhu cầu thuê cửa hàng và kios cũng giảm khoảng 25% so với tháng 3.
Bên cạnh các tiểu thương nhỏ không trụ được để trả tiền thuê nhà, các chuỗi thương hiệu lớn cũng đang thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, trả lại những cửa hàng kinh doanh không hiệu quả để giảm chi phí mặt bằng và nhân công.
Sau 3 lần gồng gánh những khó khăn do dịch Covid-19, đợt dịch thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh được đánh giá sẽ làm tổn thương mạnh mẽ hơn đến thị trường nhà phố trung tâm.
Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt với việc trả hoặc giảm bớt diện tích thuê và khó khăn trong việc tìm kiếm khách thuê mới.
Tác giả: Chí Hùng - Hà Bùi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy