Dòng sự kiện:
Chủ tịch MBBank cảnh báo nợ xấu năm 2020 tăng cao
30/03/2020 19:38:22
Theo lãnh đạo MBBank, 2020 là năm đầy thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng và chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB: HoSE) vừa công bố báo cáo thường niên năm 2019 với nhiều dự báo và kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Theo đó, ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT MBBank nhận định kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đứng trước nhiều thách thức đến từ dịch cúm do chủng virus SARS-CoV-2 (Covid-19) gây ra.

Theo dự báo của Bloomberg, với kịch bản xấu nhất GDP toàn cầu năm 2020 có thể mất 2.700 tỷ, tương đương với GDP của Anh. Trong khi đó, theo Moody’s, GDP toàn cầu (không tính TQ) có thể giảm 0,3% từ 2,8% xuống 2,5%.

Đối với kinh tế Việt Nam theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, GDP Việt Nam có thể giảm 0,55% - 0,84% xuống mốc 5,96% - 6,25% tùy theo từng kịch bản.

Các ngành chịu tác động mạnh bao gồm du lịch, hàng không, lưu trú, dịch vụ, nông thủy sản xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng loạt các doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch tiếp tục kéo dài.

"Đây là thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng và chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao", Chủ tịch HĐQT MBBank đánh giá.

Theo Ban điều hành của nhà băng này, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt thấp. "Dự kiến, tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt thấp (10-12%). Các ngân hàng thương mại cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu", trích báo cáo thường niên MBBank.

Thượng tướng Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MBBank (Ảnh: MCredit)

Nói về năm 2019, báo cáo thương niên của MBBank cho thấy ngoại trừ mục tiêu tăng vốn điều lệ không đạt kế hoạch, hầu như nhà băng này đều vượt các kế hoạch đề ra: tổng tài sản tăng 14%, huy động vốn tăng 20%, dư nợ tín dụng 18,6% (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp), trả cổ tức 14%...

Kết thúc năm 2019, giá trị vốn hóa của MBBank tăng 15,1%. Trong năm, giá cổ phiếu MBB tăng 18,6% so với năm 2018, lên mức 20.800 đồng/cổ phiếu ở thời điểm cuối năm 2019.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu ngân hàng liên tục lao dốc theo đà giảm của thị trường. Đóng cửa cuối tuần qua, mỗi cổ phiếu MBB được niêm yết với mức giá 14.600 đồng/CP, giảm gần 1/3 giá trị so với phiên mở cửa đầu năm nay.

Đến cuối năm 2019, MBBank có gần 20% sở hữu của cổ đông nước ngoài. Ngày 10/3 vừa qua, ngân hàng đã nới room vốn ngoại lên 23%.

Các cổ đông lớn của MBBank hiện nay là Viettel, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng Công ty trực thăng Việt Nam, Tổng công ty May 28, SCIC.

Năm 2020, HĐQT đặt ra trọng tâm của MBBank năm 2020 là phát triển mạnh ngân hàng số.

Vừa qua, giới tài chính đang xôn xao việc MBBank "có mặt" trong kết luận điều tra đại án BIDV và khoản nợ xấu "khủng" không có khả năng thu hồi của Công ty Trung Dũng (pháp nhân chính trong "đại án" BIDV) tại nhà băng này.

Cụ thể, kết luận điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại BIDV, CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng)" cho thấy, đến thời điểm 4/4/2019 Công ty Trung Dũng đang có khoản vay với tổng dư nợ tạm tính là 477,82 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) không có khả năng thu hồi.

Theo đó, ngày 21/3/2011, ông Đoàn Hồng Dũng đại diện Công ty Trung Dũng và ông Nguyễn Hải đại diện MBBank, chi nhánh Long Biên đã ký Hợp đồng tín dụng số 29.11.066.89998.TD với nội dung: MBBank sẽ cấp tín dụng cho Trung Dũng với hạn mức tối đa 300 tỷ đồng; giá trị hạn mức bảo lãnh thanh toán tối đa là 200 tỷ đồng. Mục đích để tài trợ vốn lưu động, mở L/C nhập khẩu phụ vụ hoạt động kinh doanh năm 2011 các mặt hàng thép, phôi thép, các loại than. Thời hạn hợp đồng đến hết 31/12/2012.

Tài sản thế chấp cho hạn mức là quyền đòi nợ phát sinh theo hợp đồng kinh tế giữa Công ty Trung Dũng và Công ty Hà Nam trị giá 65 tỷ đồng và quyền đòi nợ phát sinh bảng đối chiếu công nợ tháng 10/2011 giữa Công ty Trung Dũng Và Công ty Hà Nam trị giá 607 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/9/2011, MBBank đã thực hiện giải ngân theo 6 khế ước nhận nợ với tổng sổ tiền là 246 tỷ đồng. Tổng nợ tạm tính đến ngày 4/4/2019 là 477,82 tỷ đồng. Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ đối với khoản nợ này.

Trao đổi với chúng tôi, MBBank cho biết số dư nợ gốc của khoản nợ trên là 133,78 tỷ đồng. MB đang đã khởi kiện công ty Trung Dũng TAND quận Hai Bà Trưng và đang được toà án thụ lý giải quyết.

Không chỉ cho vay, trước đó, vào tháng 9/2009, MBBank còn mua 50 tỷ trái phiếu của Trung Dũng phát hành dưới sự bảo lãnh thanh toán 5 năm của BIDV. Đến tháng 7/2014, BIDV đã thực hiện bảo lãnh thanh toán cho MBBank gốc trái phiếu là 50 tỷ, Công ty Trung Dũng còn nợ MBBank 4,34 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

Kết luận điều tra cho biết, MBBank không có khả năng thu hồi khoản nợ 477,82 tỷ đồng, các khoản vay không còn tài sản đảm bảo. Cơ quan điều tra cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay. Tuy nhiên do chưa thu thập đầy đủ tài liệu nên chưa có căn cứ đánh giá việc MBBank thẩm định, đánh giá và quyết định cho vay có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến