Dòng sự kiện:
Metro số 1 ở TP.HCM sẽ chạy thử thế nào?
07/05/2022 18:42:58
Quá trình thử nghiệm tàu sẽ chia làm nhiều giai đoạn từ bước đơn động, tĩnh đến liên động. Trường hợp gặp trục trặc ở bất kỳ bước nào, thử nghiệm cũng sẽ quay về bước 1.

Một năm rưỡi kể từ tháng 10/2020, toàn bộ 17 đoàn tàu metro đã cập cảng Khánh Hội (quận 4). Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM chính thức chuyển sang các giai đoạn vận hành thử nghiệm tàu.

Phó trưởng Ban đường sắt đô thị Nguyễn Quốc Hiển (MAUR - chủ đầu tư) đánh giá tuyến metro sẽ đem lại chỉ dấu phát triển mới cho TP.HCM. Đô thị lớn nhất cả nước đang từng bước gia nhập vào các thành phố phát triển trên thế giới khi có hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại.

Tuy vậy, niềm vui này còn quá sớm vì tàu metro cần vượt qua nhiều quy trình thử nghiệm gắt gao về kỹ thuật trước khi nghiệm thu để lăn bánh.

3 giai đoạn chính

Sau 8 ngày vận chuyển, hai đoàn tàu cuối cùng trong số 17 đoàn tàu của toàn tuyến về đến TP.HCM vào trưa 6/5. Việc bốc dỡ, đưa tàu lên xe siêu trường siêu trọng về depot Long Bình đang diễn ra và dự kiến kết thúc trong 4 ngày thực hiện.

Hoàn thành công đoạn nhập khẩu tàu, ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết dự án tiếp tục tái lập mặt bằng tại các nhà ga ở trung tâm thành phố. Công trình đồng thời phải hoàn thiện kiến trúc, lắp đặt trang thiết bị phụ trợ, thông tin tín hiệu, hệ thống an toàn tại các ga.

Hai đoàn tàu cuối cùng của tuyến metro số 1 cập cảng Khánh Hội trưa 6/5. Ảnh: Thư Trần.

Riêng việc thử nghiệm tàu sẽ được chia làm nhiều giai đoạn nhỏ. Trong đó, thiết bị kỹ thuật tàu được thử nghiệm theo từng bước đơn động, tĩnh đến liên động. Tức các kỹ sư, chuyên gia sẽ thử nghiệm từng thiết bị rời rạc để đo đạc, đánh giá độ hoạt động ổn định trước khi tích hợp các thiết bị gọi là trạng thái liên động.

“Công tác thử nghiệm tiến hành liên tục, đảm bảo vận hành chính xác theo nhà sản xuất sau đó mới kết nối các thiết bị với nhau”, ông Hiển nói.

Còn với đoàn tàu metro, khi tàu về đến depot, các kỹ sư sẽ phải ráp nối toàn bộ 51 toa tàu thành một chỉnh thể thống nhất. Nếu các chỉ số kỹ thuật và hệ thống cho thấy hoạt động ổn, tàu sẽ chạy thử một đoạn ngắn trong depot Long Bình. Kết quả ổn định, tàu tiếp tục được chạy thử từ depot đến ga Bình Thái (TP Thủ Đức). Giai đoạn cuối cùng, tàu có thể lăn bánh thử trên toàn tuyến từ depot đến ga ngầm Bến Thành (quận 1).

Trường hợp thử nghiệm gặp trục trặc ở bất kỳ bước nào, thử nghiệm cũng sẽ quay về bước 1.

Đoàn metro đầu tiên được ráp nối tại depot Long Bình (TP Thủ Đức). Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Hiển, để chuẩn bị cho công tác thử nghiệm tàu, nhà thầu Hitachi (phụ trách gói thầu chính CP3 về cơ điện, thiết bị) đang triển khai đóng điện ở trạm Bình Thái và các nhà ga ở khu vực depot. Quá trình chạy thử ở depot, tàu sẽ mô phỏng đầy đủ các dải tốc độ (20 km/h, 40 km/h hoặc cao hơn) tương ứng như khi chạy thật.

Lãnh đạo MAUR cho biết thêm trước mắt, tàu sẽ được thử nghiệm rỗng để đánh giá khả năng hoạt động. Ở giai đoạn cuối, khi tàu trải qua các bước thử nghiệm kỹ thuật ổn định sẽ đến bước thử nghiệm có mô phỏng trọng lượng.

Tuyển thêm lái tàu

Song song với hoạt động thử nghiệm, ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết lớp đào tạo nhân viên lái tàu cũng đang diễn ra. Lãnh đạo MAUR cho biết sau khi phụ hợp đồng số 19 được ký kết, Tư vấn NJPT đang bắt đầu khởi động lại việc đào tạo học viên lái tàu.

Theo ông Hiển, sau hơn một năm tạm dừng, hiện trong số 58 học viên có 3-5 người đã từ bỏ, do đó, chủ đầu tư sẽ tuyển thêm những vị trí này để đảm bảo đủ nhân sự lái tàu. "Các học viên đang được mời trở lại lớp học và dự kiến công tác đào tạo sẽ hoàn tất sau khoảng một năm", ông Nguyễn Quốc Hiển nói.

Kỹ sư chạy thử tàu metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Trước đó, lớp đào tạo học viên lái tàu của tuyến metro số 1 khai giảng hồi tháng 7/2020. Kế hoạch đào tạo chia làm hai giai đoạn, kéo dài khoảng 15 tháng. Học viên sẽ học lý thuyết, thực hành tổng quát tại Trường Cao đẳng Đường sắt. Sau đó, trong 58 học viên có 10 người giỏi nhất đưa sang Nhật để đào tạo chuyên sâu về kỹ năng, thực hành.

Tuy nhiên, do phụ lục hợp đồng số 19 chưa được ký, từ cuối năm 2020, liên danh NJPT tạm ngưng các dịch vụ đào tạo.

Ông Kazuhiko Nagasawa, Giám đốc dự án CP3 - nhà thầu Hitachi Nhật Bản (phụ trách gói cơ điện, thiết bị, ray), nói dù nhiều thách thức, song metro vừa bước qua một cột mốc đáng ghi nhớ. Là người đồng hành dự án từ giai đoạn khởi đầu, ông Kazuhiko cho biết nhà thầu Hitachi và các đơn vị, chủ đầu tư đã trải qua nhiều hành trình trước khi đón bước chuyển này.

7 năm trước (2015), Hitachi bắt tay vào thiết kế chi tiết và sản xuất đoàn tàu sau khi nhận được ý kiến rộng rãi của người dân Việt Nam. Tháng 10/2020, đoàn tàu đầu tiên với 3 toa đã cập bến tại TP.HCM trước sự mong đợi của tất cả người dân thành phố.

Ông Kazuhiko Nagasawa tại buổi đón đoàn tàu cuối cùng ở cảng Khánh Hội (quận 4). Ảnh: Thư Trần.

“Khởi điểm từ năm 1920, Hitachi ban đầu sản xuất máy hơi nước ở Nhật Bản. Với công nghệ và kinh nghiệm sau nhiều dự án trong và ngoài nước. Chúng tôi dần mở rộng hoạt động từ các tàu truyền thống sang tàu điện như cao tốc, Shinkansen, tàu liên vùng, tàu một ray… Từ kinh nghiệm tích lũy, Hitachi đã áp dụng công nghệ tiên tiến vào các đoàn tàu cho dự án ở TP.HCM”, ông Kazuhiko chia sẻ.

Đóng vai trò nhà thầu chính của gói cơ điện, thiết bị, Hitachi cung cấp 11 hệ thống cơ điện, điều khiển tự động và đoàn tàu cho dự án.

Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Toàn dự án đã có 17/17 đoàn tàu 51 toa được nhập từ Nhật Bản về TP.HCM chờ thử nghiệm.

Tác giả: Thư Trần

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags : tp.hcm , metro số 1
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến