Dòng sự kiện:
MHC thua lỗ quý III vì chứng khoán, chi hơn trăm tỷ đồng mua 30% cổ phần TEDI
27/10/2021 06:26:06
Lãi lớn nửa đầu năm nhờ đầu tư chứng khoán, nhưng cũng chính chứng khoán là nguyên nhân khoản thua lỗ hơn 41 tỷ đồng của MHC. Tuy thua lỗ, đây cũng là quý đẩy mạnh giải ngân của MHC.

MHC chi hơn trăm tỷ đồng để mua 30% vốn một doanh nghiệp ngành tư vấn thiết kế.

MHC lỗ ròng 41,1 tỷ đồng trong quý III

Công ty cổ phần MHC báo lỗ trở lại sau 6 quý liên tiếp lãi ròng. Tương tự như quý I/2020, khoản lỗ của MHC lại đến từ chi phí tài chính do dự phòng trích lập, mua bán chứng khoán kinh doanh, đầu tư.

Trong riêng quý III, doanh nghiệp này thu về 41 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong khi chi phí tài chính ghi nhận tới 87 tỷ đồng, còn cùng kỳ được ghi âm 10,8 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng. Mảng vận tải kho bãi mang về chưa đến 3,5 triệu đồng lãi gộp của MHC.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm, hoạt động tài chính vẫn mang về khoản chênh lệch lớn. MHC thu về 286,35 tỷ đồng lãi từ các khoản đầu tư tài chính, chứng khoán; 6,47 tỷ đồng từ cổ tức được chia và 422 triệu đồng tiền gửi ngân hàng. Tổng cộng, doanh thu tài chính đạt 293 tỷ đồng, gấp 4,65 lần cùng kỳ.

Trong khi đó, MHC phải chi trả gần 27 tỷ đồng lãi vay và ghi nhận gần 158 tỷ đồng chi phí từ hoạt động dự phòng giảm giá, mua bán chứng khoán kinh doanh đầu tư. Chi phí tài chính cũng gấp hơn 2 lần khoảng thời gian 9 tháng đầu năm 2020. Tuy vậy, chênh lệch giữa doanh thu tài chính và chi phí tài chính trong 3 quý đầu năm vẫn đạt 107 tỷ đồng.

Bất chấp quý III thua lỗ, lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm của MHC đạt 83,5 tỷ đồng chủ yếu nhờ quý đầu năm báo lãi khủng. So với kế hoạch lãi trước thuế 100 tỷ đồng đề ra đầu năm, MHC hoàn thành hơn 80% mục tiêu sau 9 tháng dù trước đó đã vượt xa kế hoạch từ thời điểm giữa năm.

“Đón lõng” cổ phiếu sắp chào sàn UPCoM, huy động thêm 300 tỷ đồng từ trái phiếu

Với nguồn thu chính dựa vào đầu tư chứng khoán, diễn biến giao dịch cổ phiếu mà MHC đầu tư cùng các quyết định mua bán chứng khoán tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hồi quý I/2020 - thời điểm thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng mạnh mẽ vì lo ngại dịch Covid-19, MHC cũng lỗ ròng tới 127 tỷ đồng.

Đến cuối quý III/2021, quy mô tài sản của MHC đạt xấp xỉ 1.362 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và gần 280 tỷ đồng trong quý III vừa qua. Trong đó, danh mục chứng khoán kinh doanh tại ngày 30/9 đạt 641 tỷ đồng, chiếm gần nửa tổng tài sản của MHC. Con số trên bất ngờ tăng vọt từ mức 137 tỷ đồng hồi cuối quý II/2021 sau khi MHC đã bán phần lớn danh mục trong nửa đầu năm.

Khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục này là trái phiếu công ty cổ phần đầu tư nước sạch và môi trường Eco&More (300 tỷ đồng) vừa giải ngân thêm trong quý. Một khoản đầu tư cũng vừa được thực hiện trong quý III/2021 là cổ phần của Tổng công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tại (TEDI). Tiền thân là Viện Thiết kế Giao thông vận tải trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải, sau khi cổ phần hóa năm 2014, công ty không còn phần vốn nhà nước. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là tư vấn giao thông vận tải.

TEDI đang có kế hoạch đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM theo quyết định được các cổ đông thông qua tại cuộc họp bất thường vừa tổ chức vào ngày 22/10 vừa qua.

Vốn điều lệ của TEDI vẫn đang duy trì ở mức 125 tỷ đồng. Theo cơ cấu cổ đông cập nhật mới nhất, Oriental Consultants Global - công ty tư vấn từ Nhật Bản, cũng là cổ đông chiến lược của TEDI từ sau cổ phần hóa, đang liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu của công ty thời gian gần đây và hiện đã sở hữu 26,49% vốn điều lệ. Ông Phạm Trung Thành – cổ đông từng sở hữu 25,72% vốn điều lệ đã thoái sạch vốn. Cùng đó, Tổng giám đốc Phạm Hữu Sơn cũng là cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 8,5%.

MHC là cổ đông lớn mới nhất của TEDI sau thương vụ mua 3,76 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 30% vốn điều lệ doanh nghiệp. Với giá trị khoản đầu tư lên tới 105 tỷ đồng tại thời điểm 30/9, ước tính, MHC đã mua cổ phiếu với giá bình quân 27.925 đồng/cổ phiếu.

Tỷ lệ sở hữu trên giúp TEDI đủ điều kiện để được ghi nhận trở thành công ty liên kết của MHC. Tuy vậy, công ty hiện ghi nhận khoản đầu tư này là chứng khoán kinh doanh nên không loại trừ khả năng MHC đầu tư vì mục đích kiếm lời từ chênh lệch giá mua – bán.

Cùng hai khoản đầu tư mới trên, MHC mua thêm cổ phiếu GEX của CTCP Tập đoàn Gelex đang niêm yết trên HoSE. Giá trị đầu tư đã tăng lên 144 tỷ đồng, từ mức 65,5 tỷ đồng hồi đầu năm. Ngoài sở hữu cổ phiếu GEX, MHC và Gelex từng có mối quan hệ khăng khít trước đây khi Gelex từng gián tiếp sở hữu cổ phần MHC thông qua công ty cháu Sotrans. Giữa năm 2020, Gelex đã rút toàn bộ vốn tại Sotrans. Sau đó không lâu, Sotrans đã bán hơn 9 triệu cổ phiếu MHC (gần 22% vốn điều lệ) ở vùng giá đáy, khiến doanh nghiệp vận tải trên ghi nhận khoản lỗ hơn 50 tỷ đồng.

Nguồn vốn tăng thêm giúp MHC tài trợ cho các hoạt động đầu tư một phần đến từ khoản lợi nhuận tích lũy qua các kỳ và phần nhiều hơn đến từ nguồn vốn vay qua kênh trái phiếu. Công ty đã huy động được 300 tỷ đồng thông qua đợt phát hành trái phiếu ngày 1/7, qua đó nâng tổng khoản vay từ kênh trái phiếu đến 30/9 lên 497 tỷ đồng. Khoản vay bằng trái phiếu có tài sản đảm bảo, kỳ hạn 5 năm áp dụng mức lãi suất cố địngh 9,4%/năm.

MHC cũng tiếp cận kênh tín dụng từ Techcombank (136 tỷ đồng) với tài sản đảm bảo là quyền tài sản liên quan đến hợp đồng mua bán nhà ở tại dự án Vinhomes Grand Park và Marina Arc. Ngoài ra, công ty có một số khoản vay ngắn hạn từ việc ký quỹ cổ phiếu tại các công ty chứng khoán để sử dụng vốn vay margin thực hiện các giao dịch. Tỷ lệ nợ vay đến ngày 30/9 là hơn 55,6%.

Tác giả: Thanh Thủy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến