Dòng sự kiện:
Minh bạch để ổn định thị trường
01/11/2018 12:12:06
Có thể nhìn nhận, khi quy hoạch được minh bạch hóa thì thị trường sẽ có những tăng trưởng mang tính bền vững và người dân sẽ là đối tượng thụ hưởng, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.

Đất nền vùng ven tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục tăng giá. Lo ngại xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Một số ngân hàng đã chủ động tăng lãi suất đối với các khoản vay bất động sản. Cùng đó, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ công khai quy hoạch để người dân hiểu rõ dự án và tránh tình trạng môi giới “làm mưa làm gió”.

Bất động sản vùng ven tăng trưởng bền vững

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của thành phố. Theo đó, vị trí của hơn 26 nghìn ha đất nông nghiệp được phép chuyển đổi hiện nằm rải rác ở hầu hết các quận - huyện còn quỹ đất nông nghiệp, trong đó phần lớn là đất do hộ dân đang quản lý, sử dụng.

Huyện Bình Chánh là địa phương có diện tích được chuyển đổi nhiều nhất (gần 7 nghìn ha), theo quy hoạch đến 2020, Bình Chánh chỉ còn giữ lại 6 nghìn ha đất nông nghiệp, đến năm 2025 thì chỉ còn 350ha đất chuyên trồng lúa tại xã Tân Nhựt để đảm bảo an ninh lương thực, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết.

Lãnh đạo nhiều quận, huyện vùng ven thừa nhận thực tế sau khi nghe chủ trương thành phố được chuyển đổi hơn 26 nghìn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đã có tình trạng nhiều người tranh thủ tìm kiếm mua để bán lại, "kiếm chác", một số ít lo ngại khi đất đã chuyển thổ cư, giá bán sẽ đắt đỏ nên giờ cũng đổ xô đi tìm mua. Chính tâm lý vội vàng  này mà nhiều người sẽ rất dễ "sập bẫy" của "cò".

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng, diện tích 26 nghìn ha đất nông nghiệp được chủ trương chuyển đổi là rất lớn. Điều khiến ông Châu băn khoăn chính là lộ trình thực hiện việc chuyển đổi của diện tích này. Nguồn lực đất đai là vô cùng to lớn. Do vậy thành phố cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi phù hợp để phát huy hết được mọi hiệu quả từ nguồn đất này mang đến. Trong quá trình triển khai, cần có giải pháp nhằm ngăn chặn việc mua bán, đẩy giá nhà đất tăng cao dẫn đến sốt đất của các đầu nậu, làm ảnh hưởng đến các dự án khác trên địa bàn cũng như tác động không tốt đến thị trường bất động sản của thành phố. Việc minh bạch quy hoạch là vô cùng cần thiết để người tiêu dùng có cơ sở khi quyết định đầu tư.

Trên thực tế, không như nhận định là sau thời gian dậy sóng thì các nhà đầu tư sẽ "đuối sức", buộc phải bung hàng ra, khi đó đất nền khu vực vùng ven sẽ "hạ nhiệt".

Nhiều chủ đất hy vọng phần đất nông nghiệp mình đang nắm giữ nằm trong phần quy hoạch mà thành phố được Chính phủ chấp thuận cho chuyển thành đất công nghiệp, dịch vụ. Nhiều cò đất tranh thủ những thông tin ban đầu chưa đầy đủ về chủ trương này để kiếm chác...

Tại Thủ đô Hà Nội, giai đoạn đến năm 2030, nhà ở đô thị phấn đấu tăng từ 7,5 m2/người (năm 2007), lên 18m2 sàn/người (chỉ tiêu chung của quốc gia là 15 – 20 m2/người) và nhà ở nông thôn đạt 15m2 sàn/người. Đồng thời giãn dân từ đô thị lõi lịch sử tới các khu đô thị mới hoặc đô thị vệ tinh với các tiêu chuẩn nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia và đa dạng về loại hình đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng sử dụng trong xã hội. Đối với khu phố cổ, không phát triển nhà ở mới, tập trung cải thiện chất lượng ở, bảo tồn giá trị kiến trúc nhà ở, không gian ở truyền thống. Đối với các khu phố cũ, hạn chế phát triển nhà ở mới, tập trung vào cải tạo quỹ nhà hiện có, bảo tồn kiến trúc nhà ở có giá trị (các biệt thự cũ). Đối với các khu tập thể cũ, quy hoạch cải tạo không làm tăng thêm quy mô dân số, bổ sung, hoàn thiện các chức năng công cộng và hạ tầng kỹ thuật. Đối với nhà ở nông thôn truyền thống, phát triển nhà ở hài hòa với bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, cải thiện chất lượng môi trường ở.

Chính vì thế, hiện các dự án nhà ở tại vùng ven Thủ đô bắt đầu vào giai đoạn tăng trưởng mạnh. Cụ thể, dự án đang thu hút được nhà đầu tư, giao dịch khá sôi động là Westpoint – Nam 32. Dự án này thuộc địa phận huyện Hoài Đức, là khu đô thị rộng khoảng 47ha được đầu tư đồng bộ về hạ tầng. Các căn liền kề đang được bán với giá dao động từ 22 - 28 triệu đồng/m2, diện tích từ 72-157m2, cao 3,5 tầng, tương đương khoảng 2,8 tỷ đồng/căn. Theo đơn vị phân phối, mặt bằng giá hiện tại tăng khoảng 25-30% so với năm ngoái. Tình hình hấp thụ rất tốt, hầu hết trong số nguồn cung khoảng trên 500 căn đã có chủ.

Có thể nhìn nhận, khi quy hoạch được minh bạch hóa thì thị trường sẽ có những tăng trưởng mang tính bền vững và người dân sẽ là đối tượng thụ hưởng, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ.

Việt Nam hiện đang trở thành một quốc gia có tốc độ phát triển nhanh và mạnh mẽ. Dự kiến tăng trưởng kinh tế quốc gia giai đoạn 15 năm tới sẽ duy trì 7% mỗi năm. Dân số đô thị sẽ tăng từ xấp xỉ 30% hiện nay lên trên 50% vào năm 2025. Chính phủ đã chỉ đạo và yêu cầu việc đô thị hóa và phát triển đô thị phải đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội theo hướng CNH-HĐH và phân bố dân cư hài hoà và bền vững. Hiện nay, Chính phủ đã có chương trình chiến lược ưu tiên phát triển Hà Nội thành một Thủ đô có quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế, là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến