Dòng sự kiện:
Mở cửa du lịch: Nhiều địa phương mòn mỏi ngóng hướng dẫn
21/10/2021 19:02:34
Thời gian qua, cùng với những kết quả kiểm soát dịch COVID-19 khả quan, nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch trở lại. Tuy nhiên, tất cả đều đang mòn mỏi ngóng hướng dẫn.

Thời gian qua, với sự nỗ lực, quyết tâm chống dịch của Chính phủ và các cơ quan, ban ngành, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương trên cả nước đang tích cực lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch trở lại.

Cụ thể như các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu... đang tích cực lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch trở lại. Ngành du lịch TP HCM cũng dự kiến từ nay đến 2022 sẽ từng bước khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch. Mặc dù vậy, các địa phương vẫn đang mòn mỏi ngóng hướng dẫn để đi vào triển khai.

Cần nhanh chóng tạo điều kiện cho các địa phương mở cửa du lịch

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, không chỉ các tỉnh, thành nhắm tới đẩy mạnh du lịch nội địa ngóng hướng dẫn mà một số địa phương du lịch như Đà Nẵng, Khánh Hòa... đang đề xuất thí điểm đón khách quốc tế còn thất vọng hơn, khi mới đây, lãnh đạo Tổng cục Du lịch thông tin trên cơ sở kinh nghiệm mở cửa thí điểm tại Phú Quốc, Tổng cục Du lịch sẽ đánh giá hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh mô hình cho phù hợp thực tiễn rồi mới nhân rộng thí điểm tới một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu. Thị trường khách quốc tế dự kiến tới tháng 6/2022 mới có thể hoàn toàn mở cửa lại.

Tuy nhiên, kế hoạch triển khai thí điểm đón khách du lịch tới Phú Quốc đến nay vẫn chưa chắc chắn khi một trong những yếu tố tiên quyết bảo đảm thực hiện thành công kế hoạch thí điểm là vấn đề công nhận “hộ chiếu vắc-xin” giữa Việt Nam và các nước đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Được biết, tính đến ngày 16/10, còn 3 cơ quan là Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vẫn chưa có ý kiến về Bộ dự thảo “hộ chiếu vắc-xin” của tỉnh Kiên Giang. Đây đều là các bộ chủ chốt quyết định các chính sách quan trọng cho chương trình “hộ chiếu vắc-xin”.

Theo TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB), việc triển khai mở cửa du lịch của Việt Nam quá chậm trễ.

“Đến nay, hoàn toàn chưa có bức tranh thí điểm Phú Quốc bao giờ chính thức triển khai, bao giờ đúc kết xong kinh nghiệm để nhân rộng mô hình. Vậy đến bao giờ Việt Nam mới có thể mở cửa du lịch quốc tế?”, ông Nam đặt câu hỏi.

Với quan điểm Việt Nam đã đi chậm hơn các nước, không nên tiếp tục tạo những thủ tục, rào cản gây thêm sự chậm trễ mở cửa du lịch, đặc biệt với các địa phương đã có đủ điều kiện mở cửa, TS Lương Hoài Nam đề xuất nên trao quyền tự chủ về cho địa phương. Bởi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, Bộ Y tế đã có Quyết định 4800 hướng dẫn chuyên môn về an toàn phòng, chống dịch. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo tất cả địa phương có quyền sáng tạo nhưng không làm trái quyết định của Trung ương. Vì thế, trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình đối với công tác phòng chống dịch cũng như đối với các thành phần kinh tế của địa phương, lãnh đạo địa phương cứ chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa, đề xuất, báo cáo Chính phủ để xin thực hiện. Không cần có văn bản hướng dẫn nào về mặt chuyên ngành, vì việc này nằm trong thẩm quyền và trách nhiệm của các địa phương.

Hiện nay, mỗi địa phương có điều kiện, đặc thù dịch tễ khác nhau, rất khó để xây dựng khung điều kiện đồng nhất trên toàn quốc.

“Điều kiện bắt buộc là không trái với quyết định của Trung ương, đấy là định hướng chỉ đạo. Ngoài văn bản Chính phủ, văn bản của Bộ Y tế và quy định của Bộ GTVT về đi lại, các địa phương không cần chờ thêm bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào khác. Tất cả mọi thứ còn lại, địa phương tự quyết và tự chịu trách nhiệm", TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Đồng tình, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch Việt Nam, cho rằng về mặt an toàn, chỉ cần Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế. Về bộ tiêu chí, quy trình, hướng dẫn cụ thể để đảm bảo du lịch an toàn không phải chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VH-TT-DL). Tuy nhiên, đối với ngành du lịch, có tiêu chí rất quan trọng đó là nhu cầu của du khách thì rất cần bộ chuyên ngành tư vấn, hướng dẫn cho địa phương. 

Mở cửa du lịch thế nào để an toàn?

Chia sẻ trên báo Dân Trí, PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, liên quan đến khái niệm an toàn, tiếp cận từ góc độ khách du lịch hay doanh nghiệp, ở thời điểm thí điểm này thì vấn đề đặt ra đầu tiên là "hộ chiếu vắc-xin" hay "giấy thông hành vắc-xin".

Hộ chiếu vắc-xin có những ưu điểm như tạo điều kiện đi lại thuận lợi, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho giáo dục và các ngành khác.

Tuy nhiên hộ chiếu vắc xin cũng có những hạn chế như: Việc phân bổ vắc-xin chưa đồng đều, không phải nơi nào cũng đảm bảo tiêm chủng đạt mức 70% để người dân đi lại thuận lợi.

Trình bày về những bước đi, giải pháp ứng phó với dịch bệnh để tránh trường hợp “mở ra không quản trị được lại phải đóng lại”, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Thời gian qua, chúng ta cũng đã vật lộn với COVID-19 và cũng đã có những bài học, kinh nghiệm được rút ra như: Quản trị, công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp… Đây là điều kiện để các doanh nghiệp xem xét việc mình nên chuyển đổi như thế nào để phù hợp với tình hình bình thường mới. Điều này cần có những chương trình, hành động cụ thể.

Để giúp cho doanh nghiệp tìm ra được các hướng đi mới, có sự chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ cho việc mở cửa, phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ dành thời gian để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các chính sách, quy định…

Tại một buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian qua, Bộ VH-TT-DL đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL, có cơ chế cho việc khôi phục hoạt động du lịch trong cả nước trong đó đề cập đến chính sách kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch theo 6 nhóm giải pháp là: Đảm bảo an toàn với khách du lịch; đa dạng hóa sản phẩm thích ứng với cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh bình thường mới; tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách và tìm cách phát triển nguồn nhân lực lao động về du lịch.

Chia sẻ trên báo Chính Phủ, bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietravel cho rằng, về chính sách vĩ mô, cần sự thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Đó là điều kiện tiên quyết để du lịch phục hồi bởi nếu không có những giải pháp tổng thể thì rõ ràng, việc triển khai sẽ gặp khó khăn. Trong Nghị quyết 128 của Chính phủ vừa mới ban hành cũng có đề cập đến vắc-xin là điều kiện tiên quyết, là điều kiện rất quan trọng để người dân và du khách thấy được sự an toàn và bình an của khu vực.

Bộ VH-TT-DL đã ban hành Hướng dẫn tạm thời viêc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Đối với hoạt động du lịch, hướng dẫn quy định cụ thể việc yêu cầu xét nghiệm đối với từng cấp độ dịch, từng đối tượng và quy định tỉ lệ công suất hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh du lịch ở từng địa bàn theo từng cấp độ. Nơi có dịch cấp độ 1 và 2 thì hoạt động du lịch được tổ chức phục vụ 100% công suất. Địa bàn có dịch cấp độ 3, chỉ tổ chức hoạt động tham quan tại khu, điểm du lịch, sự kiện tập trung trong nhà và các chương trình du lịch theo nhóm dưới 25 người.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Mai Loan (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến