Dòng sự kiện:
Mở cửa kinh tế lại từng bước
12/07/2021 14:42:44
Gần đây, ngày càng nhiều ý kiến về mở cửa lại nền kinh tế sau những bật/tắt do dịch bệnh. Tuần Việt Nam trao đổi với TS Nguyễn Đức Kiên về chủ đề này.

Không mở toang

Mở cửa kinh tế trong bối cảnh hiện nay theo nghĩa là mở cửa từng bước, mở cửa có trọng điểm. Mở cửa nhưng phải đáp ứng được mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ bằng được các khu công nghiệp để dịch bệnh không lây lan vào. Việc này cần sự chia sẻ của doanh nghiệp lẫn chính quyền và người dân lao động.

Đối với người lao động, chủ nhà máy cần chấp nhận một bộ phận người lao động ở lại nhà máy làm việc trong điều kiện ngặt nghèo, sinh hoạt ăn uống không được thuận lợi. Doanh nghiệp cần phối hợp với người lao động và chính quyền thiết lập, phân chia lại dây chuyền sản xuất, phân chia công nhân theo cụm cư trú.

Cần có lộ trình mở cửa kinh tế

Bước thứ hai là tạo sự giao lưu giữa các địa phương với nhau chứ không phải như hiện nay, khi các tỉnh tha hồ ban hành lệnh có giấy xét nghiệm. TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước mà người dân muốn đi từ đây đến các tỉnh khác phải có giấy xét nghiệm là rất lúng túng. Cần tổ chức lại luồng xanh giao thương giữa các địa phương như cách từng xử lí vấn đề vải thiều ở Bắc Giang. Đây là trách nhiệm của chính quyền.

Mở cửa kinh tế cần hiểu theo góc độ đó chứ không phải mở toang tất cả. Hiện nay, Việt Nam mới có 22 nghìn người/98 triệu dân nhiễm Covid-19. Tỷ lệ này vẫn là thấp để nhìn nhận là quốc gia có dịch. Chúng ta về cơ bản vẫn đang khoanh vùng được, tỷ lệ người bị nhiễm lớn là trong khu cách li.

Vì vậy, cần hết sức bình tĩnh để có được phương án hợp lí nhất, chứ lockdown tỉnh, thành là cách mà các quốc gia trên thế giới hiện chả mấy ai làm nữa.

Có tận dụng được mùa du lịch đang đến?

Chúng ta vẫn đang kiên trì mở cửa từng bước, từng khu vực, từng lĩnh vực cho nền kinh tế vận hành, trong đó có lĩnh vực du lịch. Vừa rồi, báo chí cũng có loạt bài về giải cứu hàng không… đó cũng là một trong những giải pháp Chính phủ đang thực hiện để mở cửa kinh tế.

Các doanh nghiệp du lịch quốc tế đang kì vọng vào mùa du lịch mấy tháng hè này để từng bước khôi phục lại các hoạt động thương mại dịch vụ. Châu Âu từ 1/7 đã mở cửa cho tất cả 28 quốc gia trong EU. Tất nhiên, ta không thể theo được EU vì tỷ lệ tiêm vắc xin và lưu trữ vắc xin của họ rất lớn. Đến cuối năm nay, họ vẫn thừa 2 tỷ liều vắc xin so với tiêu chí số lượng ban đầu đặt ra. Thái Lan, Phillipines cũng đã có chính sách mở cửa như Thái Lan đã có chuyến bay thẳng từ Bangkok xuống Phuket.

Ở châu Âu, họ sẽ bắt đầu kì nghỉ từ giữa tháng 7 này đến khoảng giữa tháng 9. Phong cách người châu Âu hay Mỹ luôn có kế hoạch từ sớm cho nên chúng ta cố gắng ổn định sớm trong nước để chuẩn bị mở cửa đón khách từ bây giờ chứ không thể chờ đến giữa tháng 7 mới làm là sẽ không kịp, sẽ lại mất thêm mùa du lịch nữa.

Chúng ta cố gắng ổn định sớm trong nước để chuẩn bị mở cửa đón khách từ bây giờ

Vấn đề ở đây, các chuyên gia phòng chống dịch Việt Nam cần trả lời cho Chính phủ câu hỏi rằng, với những người nhập cảnh vào Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì có hạn chế họ đi lại trong nước ta hay được thoải mái đi lại hơn và thực hiện 5K?

Có chấp nhận visa vắc xin?

Việc của các địa phương là phát hiện, truy vết, hạn chế lây lan. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TƯ là đưa ra những quyết định để điều trị, phòng dịch để tham mưu cho Chính phủ chứ không thể can thiệp sâu vào từng địa phương.

Hiện nay, sự chia sẻ của doanh nghiệp cho các đoàn đi trợ giúp ở địa phương tương đối tốt. Doanh nghiệp bố trí phương tiện đi lại, ăn ở cho họ, còn chính quyền địa phương tạo điều kiện tối đa trang thiết bị cho các đoàn đó để chống dịch. Tránh tình trạng các đoàn trợ giúp và địa phương không phối hợp với nhau dẫn đến tình trạng ngồi chờ.

Một trong những điều cần ghi nhận TP.HCM trong việc chống dịch vừa qua là Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo quyết liệt, hạn chế tối đa lây nhiễm trong các khu công nghiệp.

Thêm vào đó, nếu không làm tốt về mặt truyền thông thì việc mở cửa du lịch sẽ khó. Chẳng hạn, Hội An, Quảng Nam không có dịch nhưng cũng không có khách đến. Nên nếu một địa phương mở cửa thì cũng không có tác động gì nhiều mà phải cả nước cùng mở.

Không có địa phương nào có thể tách rời thành quả chung của cả nước. Cho nên, việc mở cửa địa phương phải gắn với hoạt động giao thông thương mại trên cả nước.

Ví dụ, nhiều người ở Hội An trước đây có thói quen ra ngoài ăn sáng, uống cà phê, bây giờ dịch như vậy họ cũng không ra ngoài ăn sáng nữa. Nếu ta không xử lí tốt, sức mua sẽ giảm, cầu đã giảm mà khôi phục lại rất khó.

Vì vậy, phải có lộ trình mở cửa dần dần. Nên chăng, suy nghĩ việc chấp nhận khi khách quốc tế đã tiêm 2 mũi vắc xin thì khi đến Việt Nam sẽ được quyền đi lại như công dân Việt Nam.

Chính phủ đã làm nhiều việc

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng đưa ra thông điệp mong người dân cùng chia sẻ với Chính phủ trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Khi dịch xảy ra ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, có những người bị mất việc nhưng vẫn còn đường về quê làm nông nghiệp. Còn khi dịch xảy ra với khu vực phía Nam thì người dân vẫn phải chôn chân ở đó và trang trải các khoản chi phí điện nước, thuê nhà, sinh hoạt hàng ngày.

Gần đây có gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng cho người lao động. Thủ tướng đã nghe được những phản ứng từ phía người lãnh đạo, người dân và đã có những chỉ đạo kịp thời như vậy. Thực chất, nếu các địa phương hiểu được tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và có những đổi mới trong quản trị thì những mục tiêu đặt ra trong 6 tháng cuối năm này là thực hiện được.

Thủ tướng đã dành 50% thời gian của mình trong 100 ngày từ khi bắt đầu nhậm chức đến giờ để xử lí chuyện dịch bệnh. Hậu quả của dịch bệnh đã tiêu tốn rất nhiều thời gian của Thường trực Chính phủ.

Nửa đầu năm nay, cả Chính phủ nhiệm kì mới và nhiệm kì cũ đã chủ động thực hiện 4 giải pháp chống dịch, trong đó Chính phủ đã xử lí được 3 giải pháp, còn giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động thì cách đây mấy ngày đã ban hành gói hỗ trợ 26 ngàn tỷ rồi. Về mặt vĩ mô, những gì cần hỗ trợ cho nền kinh tế, Chính phủ đã cố gắng làm.

Còn nhiều ý kiến khác nhau về chuyện tăng trưởng GDP tốt lên mà đời sống người dân khó khăn hơn. Thực chất, giữa tăng trưởng và đời sống người dân do dịch bệnh là hai câu chuyện khác nhau.

Tăng trưởng là kinh tế vĩ mô, còn chuyện đời sống người dân thấp đi là do một bộ phận người dân không có việc làm vì ảnh hưởng dịch bệnh, trong đó có các nhóm kinh doanh cá thể bị giảm lao động, giảm doanh thu. Tuy nhiên, theo thống kê, phần đóng góp của 5 triệu hộ kinh doanh cá thể vào chỉ số tăng trưởng GDP chỉ là 8-10%. Tốc độ tăng trưởng được thúc đẩy bởi sản xuất trong các khu công nghiệp.

Tác giả: Lan Anh

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến