Mở rộng diện thanh toán không dùng tiền mặt
19/08/2014 14:14:42
Việc triển khai thí điểm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn miền núi sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn mở ra phương thức cung cấp dịch vụ mới cho NH và cả các đơn vị liên kết với NH.

Theo Quyết định 2453/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015, thì mục tiêu đặt ra là phải áp dụng một số hình thức thanh toán mới, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Theo các chuyên gia NH, khi hoạt động thanh toán KTDM đã có chuyển biến tích cực ở khu vực thành thị thì nên có các giải pháp tạo sự lan tỏa đến khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy vậy, chúng ta cũng phải lường trước những khó khăn như: với khu vực nông thôn, hạ tầng công nghệ thông tin khó khăn, ít người có tài khoản NH, dân trí không đồng đều nên cần phải có giải pháp hợp lý, dễ thực hiện.

 
Cần có phương thức giao dịch thanh toán bằng thẻ đơn giản, thuận tiện, an toàn cho người dân vùng nông thôn

Vụ Thanh toán (NHNN) được giao nhiệm vụ làm đầu mối xây dựng Đề án thí điểm ứng dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn. Mục tiêu của Đề án là phải tận dụng mạng lưới sẵn có của các TCTD và các tổ chức khác trên địa bàn nông thôn nhằm thúc đẩy thanh toán KDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và cả với những đối tượng chưa có tài khoản NH.
 
Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Bùi Quang Tiên – Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, Đề án thí điểm đã cơ bản hoàn thành và thu hút một số NHTM và các tổ chức khác tham gia. Hiện nay, NHNN đang giao cho Vietcombank và PGBank thực hiện thí điểm, còn MB đề xuất phối hợp với Viettel; LienVietPostBank sẽ tận dụng mạng lưới bưu cục để triển khai.
 
Theo Ban soạn thảo Đề án thí điểm trên, thì PG Bank được thực hiện dịch vụ chuyển tiền nhanh thông qua hợp tác và sử dụng các mạng lưới chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex để cung ứng dịch vụ chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản cho khách hàng tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa nơi không có mạng lưới của PG Bank.
 
Với dịch vụ này, người dân không cần phải đến NH cũng có thể sử dụng một số dịch vụ NH. Tức là khách hàng chưa có tài khoản của PG Bank, đến cửa hàng xăng dầu bất kỳ của Petrolimex cũng có thể chuyển tiền cho người chưa có tài khoản tại PG Bank. Người nhận tiền có thể đến một cửa hàng xăng dầu bất kỳ khác của Petrolimex để nhận tiền bằng việc xuất trình giấy chứng minh thư hoặc hộ chiếu.
 
Dịch vụ này cũng có thể thực hiện nộp tiền cho người có tài khoản tại PG Bank, bằng cách khách hàng có thể đến một cửa hàng xăng dầu bất kỳ của Petrolimex nộp tiền vào tài khoản PG Bank. “Hạ tầng cung ứng dịch vụ này được truyền trên mạng máy tính nội bộ của PG Bank kết nối với chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex, thông qua phần mềm bảo mật nên rất thuận tiện và an toàn” – Vụ Thanh toán NHNN cho biết.
 
Mô hình thứ 2 được NHNN duyệt cho thí điểm là chuyển tiền giá trị nhỏ dựa trên ví điện tử Momo của Vietcombank. Với dịch vụ này, khách hàng không có tài khoản tại Vietcombank và không có ví điện tử của Momo vẫn có thể đến đại lý bất kỳ của Mservice đã được Vietcombank ủy quyền để nộp tiền mặt và gửi tiền cho người nhận chưa có tài khoản tại Vietcombank. Người nhận tiền đến đại lý bất kỳ của Mservice xuất trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu và mã nhận tiền, được gửi qua điện thoại di động của người nhận, để nhận tiền.
 
Với mô hình này, khách hàng cũng có thể thực hiện dịch vụ nạp tiền mặt, hoặc rút tiền mặt mà không cần đến tận nơi các điểm giao dịch của NH. Giả sử, khách hàng không có tài khoản, muốn chuyển tiền từ tỉnh này sang tỉnh khác qua đại lý của Mservie thì chỉ cần đưa giấy chứng minh thư hoặc hộ chiếu, khai vào giấy nộp tiền cho ai, số thuê bao điện thoại người nhận để đại lý Mservice chuyển tiền đến. Với vài thao tác, chỉ vài giây thì điện thoại của cả người gửi và người nhận tiền nhận được tin nhắn thông báo chuyển tiền thành công và có mật khẩu để khách hàng đến bất kỳ đại lý nào của Mservice nhận tiền.
 
Mô hình thứ 3 là thực hiện chuyển tiền qua các đại lý bán sim, thẻ điện thoại do MB và LienVietPostBank liên kết thực hiện để tận dụng mạng lưới hệ thống đại lý bưu cục, bưu điện tại các xã trên toàn quốc với cách thức thực hiện tương tự như hai mô hình trên.
 
Với những phương thức giao dịch đơn giản và thuận tiện như trên, việc triển khai thí điểm các phương thức thanh toán KDTM ở khu vực nông thôn miền núi sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn mở ra phương thức cung cấp dịch vụ mới cho NH và cả các đơn vị liên kết với NH.
 
Đức Nghiêm – thoibaonganhang.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến