Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tới các bộ ngành, địa phương sớm hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Trong văn bản chỉ đạo, Phó thủ tướng yêu cầu nghiên cứu quy mô công suất đảm bảo phục vụ 100 triệu hành khách/năm, phù hợp với không gian phát triển vùng thủ đô, hạn chế ảnh hưởng đến các quy hoạch có liên quan.
Mật độ dân cư lớn tại phần đất phía nam sân bay Nội Bài. Ảnh: Hiếu Duy
7 phương án mở rộng
Quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài theo hướng nam hay bắc, cấu hình nhà ga, đường cất hạ cánh như thế nào đang là vấn đề được Bộ GTVT và các đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu nhưng chưa đi đến thống nhất.
"Việc quy hoạch phải hạn chế thấp nhất diện tích đất phải bồi thường, đặc biệt là đất ở, bảo đảm thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư thấp nhất", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Tư vấn ADPi của Pháp bắt đầu nghiên cứu quy hoạch sân bay Nội Bài từ giữa tháng 6 và dự kiến đến quý 3 năm 2020 sẽ hoàn thành phương án chi tiết mở rộng sân bay Nội Bài.
Theo Bộ GTVT, tư vấn bước đầu đã đề xuất được 7 phương án quy hoạch sân bay, trong đó hầu hết phương án đều đề xuất phá dỡ nhà ga T1, giữ nguyên nhà ga T2 và xây mới 2 nhà ga hành khách ở bên kia đường Võ Nguyên Giáp.
Có 3 nhóm phương án mở rộng đường cất hạ cánh được đưa ra. Phương án đầu tiên là làm 3 đường cất hạ cánh độc lập; hai là 1 đường độc lập và 2 đường cất hạ cánh phụ thuộc; ba là 2 cặp đường cất hạ cánh song song phụ thuộc (tương tự sân bay Long Thành).
Nếu sân bay Nội Bài được mở rộng xuống phía nam, đường Võ Nguyên Giáp sẽ trở thành trục giao thông xuyên tâm của sân bay. Ảnh: Google Maps.
"Nam - bắc lưỡng nan"
Trao đổi với PV, một chuyên gia điều hành bay cho biết việc mở rộng đường băng sân bay Nội Bài về phía bắc sẽ gặp nhiều trở ngại do địa thế gần núi, khó xây dựng phương thức khai thác. Việc kết nối 2 khu bay cũng có vấn đề vì sẽ có đường lăn cắt qua đường băng.
"Bố trí hệ thống giao thông công cộng và các công trình dịch vụ hàng không cũng khó. Chưa kể phía bắc là đất quốc phòng nên việc giải tỏa sẽ phát sinh nhiều thủ tục", vị này phân tích.
Mở rộng sân bay về phía nam sẽ giải quyết được tất cả những rắc rối nêu trên, nhưng vướng mắc lại nằm ở mật độ dân cư quá lớn khiến chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cao.
Chủ trương mở rộng sân bay Nội Bài về phía nam đã được nhắc tới từ năm 2008 trong quy hoạch của Chính phủ. Sân bay sẽ được mở rộng về phía bên kia đường Võ Nguyên Giáp với diện tích 720 ha.
Phần lớn nhiều người dân sinh sống ở đây không hề biết gì về chuyện quy hoạch khu vực này nên đã xây nhiều ngôi nhà kiên cố, thậm chí khá hoành tráng. Trong ảnh là một ngôi nhà cách nhà ga T2 chưa đầy 1 km về phía nam. Ảnh: Anh Tuấn.
Năm 2016, Cục Hàng không cho biết kinh phí GPMB khi mở rộng sân bay về phía nam lên tới hơn 40.000 tỷ đồng. Có trên 5.000 hộ dân của 4 xã Phú Cường, Phú Minh, Mai Đình, Phù Lỗ sẽ phải di dời, giải tỏa.
Các chuyên gia hàng không đều khuyến cáo cần cắm mốc giới quy hoạch sân bay Nội Bài càng sớm càng tốt để giữ đất. Để càng lâu thì việc GPMB sẽ càng khó khăn.
Đại diện ADPi cho biết trong giai đoạn ngắn hạn (đến năm 2030), khả thi nhất là xây dựng đường cất hạ cánh ở phía nam.
Năm 2008, dự báo sản lượng hành khách tại Nội Bài sau 10 năm là 13,1 triệu khách/năm. Nhưng đến năm 2018, sản lượng thực tế lên tới 25,9 triệu khách/năm, vượt xa dự báo cũng như công suất thiết kế (vốn là 25 triệu khách/năm). Từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách, hàng hóa thông qua sân bay Nội Bài tăng trung bình trên 10% mỗi năm. Dự kiến cả năm 2019 sẽ đón khoảng 29 triệu khách, năm 2025 có thể lên đến 47,3 triệu khách và 2030 là 63 triệu khách. Để sân bay Nội Bài không rơi vào tình trạng quá tải như Tân Sơn nhất, vừa qua Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ Pháp tài trợ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu phương án mở rộng và lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Nội Bài giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu phương án quy hoạch hệ thống giao thông kết nối (đường bộ, đường sắt) và tổ chức giao thông khu vực quanh sân bay Nội Bài. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy