Dòng sự kiện:
Bị ‘tố’ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm: Tổng cục Hải quan nói gì?
14/04/2020 10:14:43
Trước phản ánh của doanh nghiệp về việc tờ khai xuất khẩu gạo mở lúc nửa đêm, mới đây, Tổng cục Hải quan đã có thông tin báo chí rằng hệ thống xử lý tự động, không có sự can thiệp của công chức hải quan.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã bức xúc, thậm chí có đơn cầu cứu Thủ tướng vì cho rằng việc mở tờ khai hải quan xuất khẩu gạo "có vấn đề" vì diễn ra quá chóng vánh và lại thực hiện lúc đêm khuya, nhiều doanh nghiệp tại chưa kịp nắm thông tin thì đã "mất cơ hội".

Theo phản ánh của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vào 0h ngày 11/4, dù là ngày nghỉ và doanh nghiệp cũng chưa nhận được công văn triển khai quyết định cho phép làm thủ tục thông quan xuất khẩu gạo trở lại, thế nhưng đến 3h sáng ngày 12/3 thì Cổng tiếp nhận hồ sơ thông quan trực tuyến của Cục Hải quan đã thông báo hết hạn ngạch và ngưng tiếp nhận hồ sơ thông quan. 

Liên quan đến vấn đề này, tối muộn 13/4, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) có thông tin báo chí về việc thực hiện xuất khẩu gạo theo Quyết định 1106/QĐ-BTC ngày 10/4/2020 của Bộ Công Thương.

Trước phản ánh của một số doanh nghiệp về việc tờ khai xuất khẩu gạo mở lúc nửa đêm, Tổng cục Hải quan tối muộn 13/4 đã lên tiếng.

Cụ thể, Quyết định 1106/QĐ-BTC của Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020, Quyết định có hiệu lực kể từ 0h ngày 11/4/2020, trong đó có quy định về nguyên tắc quản lý hạn ngạch như sau:

Thương nhân đăng ký tờ khai hải quan trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước. Số lượng khai trên tờ khai hải quan đã đăng ký sẽ được trừ lùi vào số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan cho tới khi tổng số lượng đăng ký xuất khẩu của các tờ khai chạm mốc 400.000 tấn (tờ khai hải quan có số lượng vượt quá mốc 400.000 tấn sẽ không có giá trị làm thủ tục hải quan). Trường hợp tờ khai hải quan không còn giá trị làm thủ tục hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã khai hải quan thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

Theo Tổng cục Hải quan, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động. Để thực hiện Quyết định của Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cần có thời gian để thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Kể từ 24h ngày 11/4/2020, hệ thống đã được thiết lập để hoạt động tự động theo nguyên tắc tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu theo nguyên tắc tờ khai đăng ký trước sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu trước, ngay sau khi người khai hải quan gửi thông tin tờ khai hải quan đến hệ thống, không có sự can thiệp của công chức hải quan. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động dừng tiếp nhận thông tin đăng ký tờ khai hải quan nếu số lượng đăng ký chạm mốc hạn ngạch được phép xuất khẩu trong tháng 4 (là 400.000 tấn).

Qua theo dõi, thống kê của Tổng cục Hải quan trong thời gian từ 24 giờ ngày 11/4/2020 đến 19h34 ngày 12/4 đã có 40 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu tại 13 Chi cục Hải quan; số lượng gạo đã đăng ký tờ khai XK là 399.999,73 tấn.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thưong về việc cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4. 

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành liên quan báo cáo tình hình xuất khẩu gạo trong tháng 4 và đề xuất Thủ tướng phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5 trước ngày 25/4.

Xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài đến hết năm 2020.

Đồng thời Thủ tướng giao Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, NN&PTNT và các cơ quan liên quan theo thẩm quyền bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.

Đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan...

Cuối cùng, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung chế tài đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thực hiện chế độ báo cáo cho Bộ Công Thương theo qui định tại Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (nếu cần thiết).

Thảo Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến