Dòng sự kiện:
Mổ xẻ 'kinh tế ngầm' Việt Nam
25/01/2018 07:07:29
Trong hội nghị của ngành tài chính ngày 6/1/2018, Thủ tướng Chính phủ có đề cập đến cách tính GDP và cho rằng một phần của nền kinh tế chưa được tính vào GDP.

Trong thuật ngữ của Hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), phần này của nền kinh tế được gọi là “Khu vực kinh tế chưa được quan sát (Non Observed Economy - viết tắt là NOE). Thống kê tài khoản quốc gia của Việt Nam đã có những nghiên cứu đầu tiên về khu vực kinh tế chưa được quan sát vào những năm 2000,  sau đó Viện Khoa học thống kê đề cập đến nó trong hội thảo “Thị trường lao động và kinh tế phi chính thức ở Việt Nam trong cuộc khủng hoảng và phục hồi: minh chứng và thách thức mới” tổ chức năm 2010. Cho tới bây giờ, vấn đề này cũng chỉ dừng lại ở mức... nghiên cứu vì có rất nhiều ràng buộc và hạn chế trong tư duy khiến nó không thể tiến xa được nữa.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm những gì?

Cách tính chỉ tiêu GDP của Việt Nam hoàn toàn từ phía cung (tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản và thuế sản phẩm) sau đó trộn con số này lại và phân bổ cho sử dụng cuối cùng.

Đã có nhiều hội thảo quốc tế do UN, UNESCAP, OECD, ADB tổ chức hoặc đồng tổ chức với các nước trên thế giới về vấn đề này nhằm “đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát”. Các nước tham dự đã thảo luận và đi đến thống nhất một cách tương đối về định nghĩa, phạm vi và nội dung tính toán các hoạt động thuộc “khu vực kinh tế chưa  được quan sát”. Nhìn chung, các khái niệm cơ bản và phương pháp tính dựa vào tài liệu do OECD xuất bản năm 2002 và Hệ thống tài khoản quốc gia phiên bản 2008 (SNA, 2008) đã dành riêng một chương 25 để nói về khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm các hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức, hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của các hộ gia đình. Ngoài ra, các hoạt động kinh tế bị bỏ sót do khiếm khuyết của chương trình điều tra thống kê cũng được coi là các hoạt động kinh tế chưa được quan sát. Khu vực kinh tế chưa được quan sát được phân thành bốn khu vực như sau:

Hoạt động sản xuất ngầm (Underground production)

Là hoạt động sản xuất hợp pháp nhưng có chủ ý giấu giếm các cơ quan chức năng để giảm thuế phải nộp (thuế giá trị gia tăng hoặc thuế thu nhập) hoặc giảm đóng góp cho bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, hoặc trốn tránh việc đăng ký, ghi chép vào các điều tra hành chính hoặc các bảng hỏi thống kê. Ngoài thuật ngữ “sản xuất ngầm”, một số nước sử dụng các thuật ngữ khác để chỉ hoạt động loại này như “hoạt động bị giấu giếm”, “nền kinh tế bị che đậy”, “nền kinh tế đen”...

Khu vực sản xuất không định hình (Informal sector)

Là các hoạt động sản xuất hợp pháp nhưng với trình độ tổ chức sản xuất ở mức thấp, không có tư cách pháp nhân, không có đăng ký kinh doanh, sản phẩm sản xuất ra có thể đem bán trên thị trường. Đó là đặc điểm của các đơn vị sản xuất hàng hóa và dịch vụ nhỏ trong khu vực hộ gia đình.

Sản xuất của hộ gia đình để tiêu dùng tự túc là các hoạt động sản xuất của hộ gia đình tạo ra sản phẩm vật chất để tự tiêu dùng hoặc tích lũy, các hoạt động này cũng thuộc khu vực sản xuất không định hình.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia cần được đo lường vào hệ thống tài khoản quốc gia, trong đó có chỉ tiêu GDP. Tuy nhiên, đo lường khu vực kinh tế này là một việc khó khăn không chỉ đối với Việt Nam.

Sản xuất bất hợp pháp (Illegal production)

Là các hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ bị luật pháp cấm hoặc sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trở thành bất hợp pháp do các nhà sản xuất không hợp pháp sản xuất ra. Nhóm này bao gồm các đơn vị sản xuất không đăng ký kinh doanh và cả những đơn vị có đăng ký kinh doanh các ngành nghề hợp pháp nhưng không kinh doanh đúng với hoạt động đã đăng ký. Nhóm này được coi là không có đăng ký.

Các hoạt động chưa được quan sát khác (Other Non Observed Economy activities)

Bao gồm các hoạt động khác chưa được quan sát vì nhiều lý do khác nhau và thường phổ biến ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Nhóm này về thông tin cũng là loại không có đăng ký.

Các hoạt động chưa quan sát được có thể tóm tắt trong sơ đồ (xem sơ đồ).

Khu vực kinh tế chưa được quan sát là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia cần được đo lường vào hệ thống tài khoản quốc gia, trong đó có chỉ tiêu GDP. Tuy nhiên, đo lường khu vực kinh tế này là một việc khó khăn không chỉ đối với Việt Nam.

Năm 2012, Thống kê Úc đã đo lường khu vực kinh tế này và điều chỉnh quy mô của GDP tăng khoảng 3% so với số liệu đã công bố. Mexico đã đo lường khu vực kinh tế phi chính thức và điều chỉnh quy mô của GDP tăng 10,5% so với số liệu đã công bố (2008, Nguyễn Văn Đoàn, Lê Văn Dụy).

Bức tranh ngầm Việt Nam

Hiện nay cơ quan thống kê Việt Nam không coi các hoạt động bất hợp phát như mại dâm, đâm thuê chém mướn, buôn lậu, cờ bạc... thuộc phạm trù sản xuất mặc dù SNA của Liên hiệp quốc quy định những hoạt động này thuộc phạm trù sản xuất.

Cách thức tiếp cận thông tin của cơ quan thống kê là từ báo cáo quyết toán đã có con dấu của cơ quan thuế. Trên thực tế, cách tiếp cận này bỏ sót rất nhiều doanh thu thực tế của doanh nghiệp. Sự bỏ sót này nếu có thực ra do cơ quan thuế để sót khi quyết toán thuế đối với doanh nghiệp.

Cách tính chỉ tiêu GDP của Việt Nam hoàn toàn từ phía cung (tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản và thuế sản phẩm) sau đó trộn con số này lại và phân bổ cho sử dụng cuối cùng. Nếu tính toán trực tiếp từ phía cầu như bản chất của GDP thì sẽ hạn chế được rất nhiều phần thiếu này.

Đúng như Thủ tướng Chính phủ nói, “...bao nhiêu ô tô, nhà lầu, xe hơi, rượu vang, thịt bò tiêu thụ rất lớn, mà không được đưa vào GDP”. Ví dụ, các anh chị trốn thuế, buôn lậu... không những vẫn phải tiêu dùng mà họ còn tiêu dùng nhiều hơn bình thường.

Nhưng còn chuyện chênh lệch giữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, mà trong năm 2014 lên tới... 20 tỉ đô la Mỹ thì sao? Tổng cục Thống kê trả lời báo chí rằng chênh lệch này là do kinh tế ngầm. Trong trường hợp Việt Nam, nếu tính thêm các khoản này thì chưa chắc quy mô GDP tăng lên. Nếu tính Tổng thu nhập quốc gia (GNI) thì quy mô GNI có thể giảm vì những sự ngầm liên quan đến bên ngoài đất nước.

Có người ước tính nền kinh tế chưa được quan sát của nước ta chiếm 20-30% GDP, điều đó chỉ là võ đoán không dựa trên căn cứ nào. Để đo lường vấn đề này thì một mình cơ quan thống kê không thể làm được mà cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, thậm chí là cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên nếu tính thêm phần chưa quan sát được vào GDP thì cũng có những nguy hiểm, vì khi quy mô GDP tăng lên thì bội chi, nợ công so với GDP sẽ bé đi, có thể đạt được gì đó về mặt thành tích nhưng sẽ che mờ đi sự thật vì những khoản tính thêm vào là những khoản không thu được thuế và thu ngân sách - là nguồn cơ bản để trả nợ và chi tiêu công.

Để kịp thời triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng thông qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu một số bộ, ngành khẩn trương xây dựng và báo cáo một số đề án liên quan.

Trong đó, đáng chú ý là Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự tiêu... báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-1-2018.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến