TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành thi công và đưa vào vận hành thương mại tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vào cuối năm nay.
Kế hoạch này có thể phải "đổ bể" trong bối cảnh dự án đang đối diện với hàng loạt rắc rối về pháp lý, khiếu nại hợp đồng, tiến độ đào tạo vận hành, nghiệm thu, thanh toán và mâu thuẫn giữa các nhà thầu khiến nhiều đầu việc quan trọng đang bị gián đoạn.
Gia hạn 5 lần
Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM. Dự án đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thiện sau nhiều năm chậm trễ. Và việc đưa tuyến metro này vào vận hành đang trở nên càng cấp bách khi TPHCM đã 4 lần phải xin gia hạn thời gian hoàn thành với cam kết không phát sinh chi phí, lần kiến nghị gia hạn đến hết năm 2024 này là lần thứ 5.
Hồi tháng 2 năm nay, TPHCM đã kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận lùi thời gian hoàn thành metro số 1 từ năm 2023 sang năm 2024, tại công văn này thành phố phân tích các công việc liên quan hoàn thành trong nửa đầu năm và bắt đầu khai thác toàn tuyến từ tháng 7.
Tuy nhiên, tại công văn tiếp theo của TPHCM gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư vào cuối tháng 5, thời gian khai thác toàn tuyến đã được điều chỉnh sớm nhất là vào tháng 11. Sự bất nhất về mặt thời gian này đang đặt ra dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch vận hành thương mại tuyến metro số 1.
Người dân TPHCM chờ trải nghiệm tàu metro số 1 (Ảnh: Nam Anh).
Việc chậm trễ đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thương mại không chỉ gây lãng phí nguồn lực khổng lồ mà còn ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông công cộng, trong đó metro đóng vai trò xương sống, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án theo mục tiêu ban đầu.
Sẽ bị xử lý nếu làm phát sinh tiền
Cũng tại công văn trên, thành phố cho biết lần điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án lần thứ 5 này, mọi chi phí phát sinh (nếu có) sẽ được xử lý theo quy định pháp luật, tùy thuộc vào trách nhiệm của các bên liên quan đối với việc lùi tiến độ hoàn thành.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, vị chuyên gia đề nghị ẩn danh - người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông - cho rằng, nếu các tranh chấp, khiếu kiện hiện tại giữa chủ đầu tư và nhà thầu dẫn đến chậm trễ những công việc đang triển khai hoặc ảnh hưởng đến việc bàn giao công trường, thiết bị chuyên dụng, khiến công tác đào tạo nhân sự vận hành ngưng trệ thì việc đưa công trình vào vận hành thương mại cũng khó hoàn thành trong năm 2024.
Ngược lại, nếu dự án được bàn giao đúng hạn và đầy đủ cho công tác vận hành. Các bên sẽ tiếp tục đàm phán, phân xử đúng sai bằng các hành động pháp lý theo quy định như Ban phân xử tranh chấp (DAB), trung tâm trọng tài quốc tế hoặc phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, vị này cho hay tại Việt Nam, cơ chế phân xử tranh chấp bằng DAB khó thực hiện vì nhiều lý do, trong đó thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể.
Người dân trải nghiệm tàu metro số 1 hồi tháng 5 (Ảnh: Nam Anh).
Theo vị chuyên gia, trường hợp TPHCM vẫn đưa dự án vào khai thác, khi chưa có sự bàn giao chính thức, đầy đủ từ các nhà thầu cũng như chưa hoàn thành đào tạo, huấn luyện nhân sự vận hành sẽ tìm ẩn nhiều rủi ro liên quan đến yếu tố kỹ thuật và chi phí quản lý, bảo trì. Như khi có sự cố hoặc trục trặc trong quá trình vận hành, những nhà thầu sẽ không chịu trách nhiệm và thoái thác công tác bảo hành.
"TPHCM chỉ có thể tự vận hành khi mọi điều kiện kỹ thuật đã chín muồi, và các bên đồng ý với nhau rằng sẽ phân định các tranh chấp tại trung tâm trọng tài hoặc tòa án trong các vụ kiện liên quan", chuyên gia này nói.
Chỉ còn 2% nhưng chưa thể về đích
Vị chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng mốc vận hành toàn tuyến metro số 1 trong năm 2024 là thách thức rất lớn của thành phố. Dự án hiện đạt 98% tổng khối lượng, tuy nhiên khoảng cách để đến bước khai thác vẫn còn khá xa.
"Dự án metro dù có đạt 100% khối lượng thực hiện, không đồng nghĩa có thể đưa vào vận hành thương mại được ngay", chuyên gia nói và cho rằng dự án còn phải thực hiện rất nhiều công việc như đào tạo nhân sự lái tàu, đào tạo vận hành quản lý khai thác, nghiệm thu từng hạng mục, nghiệm thu PCCC, kiểm tra công tác nghiệm thu của hội đồng kiểm tra Nhà nước, đánh giá cấp chứng nhận an toàn hệ thống, chạy thử, bàn giao tài sản dự án…
Theo vị này, thời hạn hoàn thành vừa là một mục tiêu về thời gian, vừa là cơ sở pháp lý liên quan đến việc giải ngân, phân bổ ngân sách, ký kết hợp đồng với các nhà thầu.
TPHCM đang kiến nghị Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công và đưa vào vận hành thương mại metro số 1 trong năm 2024, trong trường hợp được chấp thuận và dự án hoàn thành trong thời gian đề xuất này thì sẽ có cơ sở pháp lý, có nguồn vốn để triển khai các công việc liên quan.
Tuy nhiên, nếu dự án không thể hoàn thành trong năm 2024 sẽ phát sinh nhiều vướng mắc về pháp lý cho dự án và cả trách nhiệm của các bên liên quan.
Dự án metro số 1 hiện đạt 98% tổng khối lượng, trong ảnh là giếng trời mô phỏng hoa sen khổng lồ ở ga Bến Thành (Ảnh: Hải Long).
Trước đó Thủ tướng đã phê duyệt gia hạn thời gian thi công đến quý IV/2023, và đây là lần thứ 5 chủ đầu tư xin lùi thời gian hoàn thành dự án này.
Chuyên gia nhận định việc lùi hay gia hạn thời gian thi công được chủ đầu tư kiến nghị dựa trên nhu cầu thực tế của công việc.
"Khi chưa thể hoàn thành thì phải xin thêm thời gian. Tuy nhiên, việc gia hạn này đồng nghĩa với kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng với các nhà thầu, đôi khi gặp khó khăn với việc bố trí kế hoạch vốn hàng năm, vốn trung hạn, cơ sở để thi công, nghiệm thu và thanh toán cho các nhà thầu", chuyên gia phân tích.
Với những thách thức, khó khăn chồng chất, việc lùi tiến độ metro số 1 lần nữa đặt TPHCM vào thế khó. Thành phố cần quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp với các nhà thầu, đồng thời đảm bảo nguồn lực để hoàn thành dự án theo đúng mốc tiến độ mới đang kiến nghị Thủ tướng chấp thuận.
Hiện dự án metro số 1 hình thành 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính, gồm: 2 vụ kiện với Liên danh Sumitomo - Cienco 6 và một vụ kiện với nhà thầu Hitachi với tổng giá trị khiếu kiện lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đến nay, dự án được triển khai ký kết thỏa thuận tiến hành hòa giải với nhà thầu gói thầu CP2 (Liên danh Sumitomo và Cienco 6); đồng thời đang rà soát chuẩn bị ký kết thỏa thuận tiến hành hòa giải với nhà thầu gói thầu CP1b (Liên danh Shimizu - Maeda). Riêng với gói thầu CP3, chủ đầu tư đang phối hợp với nhà thầu để lập Ban xử lý tranh chấp DAB để nhanh chóng thúc đẩy tiến độ gói thầu CP3 và công tác đào tạo chuẩn bị Trial-run (vận hành khai thác thử). |
Tác giả: Thư Trần
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy