Dòng sự kiện:
Môi giới và cho vay margin của CTCK đi qua thăng trầm năm 2018 thế nào?
12/02/2019 16:59:35
Tổng kết năm 2018, các công ty chứng khoán vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực so với năm trước. Song nhìn cận cảnh vẫn sẽ có những nét sáng tối từ câu chuyện hoạt động khác nhau của từng công ty.

2018 có thể nói là một năm nhiều thăng trầm đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. VN-Index vượt mốc 1,200 điểm đầu năm rồi đi vào vùng “thời tiết xấu” sau đó. Chỉ số theo đó khép lại năm 2018 ở mức 892.54 điểm, giảm 9.32% so với đầu năm. Thị trường khó khăn về cuối năm ảnh hưởng không ít tới tâm lý của nhà đầu tư, thể hiện rõ qua diễn biến thanh khoản trên thị trường (xu hướng giảm dần về cuối năm).

Năm 2018, tổng doanh thu của 74 CTCK trên thị trường công bố báo cáo tài chính quý 4 (tính tới 30/01/2019) đạt hơn 24,700 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước. Trong năm, các công ty này tạo ra khối lãi ròng hơn 7,673.3 tỷ đồng, tăng 20% trong năm.

Mảng môi giới gặp khó trong quý 4

Gần cuối năm, nhà đầu tư gặp khó trên thị trường dẫn tới hoạt động kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán (CTCK) cũng không mấy dễ dàng, nhất là đối với mảng hoạt động môi giới.

Tổng doanh thu môi giới của 74 CTCK trong quý 4 đạt hơn 1,344.8 tỷ đồng, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hơn 40 công ty ghi nhận doanh thu môi giới sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả những ông lớn như SSI, HCM, VND… cũng rơi vào tình cảnh này.

Trong tình hình thị trường khó khăn, vẫn có một vài CTCK hái quả ngọt từ mảng môi giới.VCI ghi doanh thu môi giới quý 4/2018 đạt trên 208.1 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ; VPBS thì đạt mức tăng trưởng 35% lên 35.4 tỷ đồng. Một CTCK ngoại, Yuanta Việt Nam báo doanh thu môi giới nhảy vọt hơn 340% lên mức 13.4 tỷ đồng. Nhiều công ty khác như TCBS, VDS, TVSI… cùng đạt kết quả tăng trưởng khả quan.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của các CTCK

Mặc dù, về cuối năm, mảng môi giới nhìn chung gặp khó, năm 2018 vẫn có thể nói là một năm tích cực đối với khối CTCK, tổng doanh thu môi giới cả năm của 74 CTCK thống kê ở trên đạt gần 5,502 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước. Trong đó, nhiều công ty ghi nhận kết quả doanh thu tăng bằng lần so với năm trước như VCI, Mirae Asset, TCBS, Yuanta VN…

Song song đó, mảng môi giới vẫn giữ vững vai trò của mình đối với hoạt động chung của mảng CTCK. Tỷ lệ đóng góp vào doanh thu của mảng môi giới đạt khoảng 26%, tăng 1 điểm % so với năm 2017.

Nắm trong tay lợi thế thị phần, các ông lớn môi giới trên thị trường phần lớn đều có kết quả tăng trưởng đối với hoạt động thế mạnh này. 8/10 CTCK trong top thị phần trên sàn HOSE có kết quả doanh thu môi giới tăng mạnh. Với mức tăng trưởng cả nhóm đạt gần 40% so với năm trước. Mặt khác, 9 CTCK đồng thời đứng đầu về thị phần HOSE và HNX (tổng thị phần lần lượt là 67.5% và 63.68%) có doanh thu đạt hơn 4,652 tỷ đồng, chiếm tới 84.5% tổng doanh thu môi giới của nhóm CTCK năm 2018.


Dư nợ cuối năm giảm mạnh, khối CTCK ngoại bứt phá

Không giống mảng môi giới, hoạt động cho vay ký quỹ (margin) của khối CTCK có vẻ không chịu người tác động từ biến động của thị trường. Trong quý 4/2018, tổng doanh thu từ cho vay margin của các CTCK đạt xấp xỉ 1,490.7 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng hợp BCTC của các CTC

Cả năm 2018, các CTCK thu về tổng hơn 5,548.5 tỷ đồng từ hoạt động cho vay margin, tăng trưởng 36% so với năm trước. Trong đó, SSI vẫn là đơn vị dẫn đầu về mặt nguồn thu với lãi thu cho vay margin đạt khoảng 711 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước.

Nhìn chung, xếp hạng về doanh thu từ margin năm 2018 có nhiều nét tương đồng với xếp hạng môi giới khi phần lớn đều là những cái tên quen thuộc, tuy nhiên, vẫn có những cái tên bứt phá mạnh mẽ. Điển hình, Mirae Asset báo doanh thu margin tăng vọt hơn 233% so với năm trước lên gần 211 tỷ đồng, vươn lên xếp thứ 7 trên toàn khối CTCK. Không chỉ có Mirae Asset, các CTCK vốn ngoại cũng đang tỏ rõ sự đáng gờm của mình trên đường đua cho vay margin: KIS ghi doanh thu tăng 116% lên gần 112.5 tỷ đồng; KBSV ghi doanh thu tăng 60%, đạt khoảng 78.5 tỷ đồng.

Nguồn: Tổng hợp BCTC của các CTCK

Xét về mặt dư nợ, tính đến cuối năm 2018, tổng dư nợ margin của toàn khối CTCK ở mức 33,278 tỷ đồng, giảm mạnh 21% so với con số đầu năm. Mặt bằng dư nợ giảm mạnh, song vẫn có nhiều đơn vị có dư nợ tăng vọt so với đầu năm, đặt mức trên 1,000 tỷ đồng, hầu hết là các đơn vị ngoại. Điển hình là Mirae Asset với dư nợ margin gấp 3 lần so với đầu năm lên trên 3,582 tỷ đồng, Yuanta VN với dư nợ gấp 8.5 lần đầu năm, đạt 1,239.2 tỷ đồng hay KBSV với dư nợ 1,146 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần đầu năm.

Theo FILI

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến