Dòng sự kiện:
Mòn mỏi chờ cấp tín dụng
06/09/2022 16:09:22
Nếu được phân bổ hạn mức tín dụng kịp thời, sẽ có khoảng 500.000 tỉ đồng được bơm vào nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh cuối năm

Gần đây, thị trường xôn xao trước thông tin một số ngân hàng (NH) thương mại sẽ được phân bổ hạn mức (room) tín dụng thêm từ 3%-5% tùy từng đơn vị. Tuy nhiên, đến chiều 5-9, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và một số lãnh đạo NH thương mại cho hay vẫn chưa có kết quả phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại của năm 2022.

Lĩnh vực nào được ưu tiên giải ngân?

Trong khi đó, theo nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động, dự kiến trong tuần này, room tín dụng còn lại cho từng NH thương mại sẽ được công bố.

Theo số liệu của NHNN, đến giữa tháng 8, tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH khoảng 9,6%. Tại cuộc họp gần nhất triển khai nghị quyết của Chính phủ về gói hỗ trợ lãi suất 2% mới đây, Thống đốc NHNN tiếp tục khẳng định không nới room tín dụng (14%) mà chỉ phân bổ phần hạn mức còn lại cho các tổ chức tín dụng.

Theo đó, room tín dụng của nền kinh tế từ nay tới cuối năm sẽ có thêm khoảng hơn 4,4% (tương đương khoảng 500.000 tỉ đồng theo dư nợ tín dụng của nền kinh tế hiện tại khoảng 11,4 triệu tỉ đồng). Riêng TP HCM sẽ có thêm khoảng 150.000 tỉ đồng vốn tín dụng.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng trong tuần này NHNN sẽ thông báo về việc bổ sung room tín dụng cho các NH. Hạn mức này nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mỗi NH sẽ được bổ sung khoảng 3%-5% hạn mức tăng trưởng tín dụng tùy vào tình hình sức khỏe của từng NH.

Theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), NHNN có thể dựa trên những tiêu chí như mức độ dồi dào vốn chủ sở hữu (hệ số an toàn vốn - CAR), năng lực quản trị rủi ro (thể hiện qua việc tuân thủ các chuẩn mực Basel, mức độ hỗ trợ NHNN thực hiện việc miễn giảm lãi suất và phí, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng) để xét duyệt cấp thêm tín dụng cho các NH thương mại. Theo đó, một số cái tên tiêu biểu như: MBBank, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB… có thể sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn.

Đáng chú ý, một số NH nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các NH khác. Ở chiều ngược lại, những NH trong diện cảnh báo có tỉ trọng cho vay các lĩnh vực rủi ro như đầu cơ bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (DN)... có thể bị hạn chế room tín dụng ở mức vừa phải hơn để bảo đảm hạn chế rủi ro hệ thống.

Nhu cầu vay vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh dịp cuối năm hiện rất lớn. Ảnh: TẤN THẠNH

Vẫn ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo cấp cao NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết trong gần 3 tháng qua, NH luôn phải tính toán việc giải ngân cho vay để không vượt room tín dụng đã được NHNN cấp là 10%. Đến thời điểm này, room tín dụng của VietinBank gần như đã cạn nên khi thu hồi được nợ, NH mới tính đến việc giải ngân cho các khoản vay tiếp theo.

Thậm chí, có khi khách hàng cần vay số tiền lớn nhưng NH chỉ chấp nhận giải ngân 50% vì nếu đáp ứng đủ nhu cầu vốn của bên vay, room tín dụng sẽ bị âm. Từ đó, việc giải ngân cho các khoản vay hết sức khó khăn, trong khi DN rất cần vốn để làm ăn.

Theo vị lãnh đạo trên, nhu cầu vốn từ nay đến cuối năm 2022 trên toàn hệ thống VietinBank lên tới 50.000 tỉ đồng. Thời điểm này, NH đang ngóng NHNN điều chỉnh room tín dụng. Nếu room tín dụng được nâng từ 10% lên 13%, VietinBank sẽ cung vốn cho nền kinh tế khoảng 30.000 tỉ đồng. Nhóm khách hàng tiếp cận nguồn vốn này đều là những DN tốt chuyên về sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Đồng thời, việc được nới room tín dụng cũng giúp VietinBank có thêm giải pháp đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% khi cho vay mới đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ.

Giám đốc chi nhánh một NH thương mại ở TP HCM cũng phản ánh từ tháng 5 đến nay, nội bộ NH bắt đầu quản lý chặt room tín dụng. Khách hàng nào vay vốn chi nhánh phải đăng ký để hội sở duyệt mới giải ngân được. "DN vẫn được vay vốn nhưng rất chậm vì phải cân đối từ hội sở để không bị vượt hạn mức. Rất khổ!" - vị giám đốc chi nhánh này nói.

Dưới góc độ vĩ mô, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhận định trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng nhanh, giá nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao, dẫn đến chi phí kinh doanh tăng theo. Nhu cầu vay vốn của DN tăng mạnh là tất yếu. Việc kiểm soát DN phát hành trái phiếu ngày càng tốt lên cũng khiến nhiều đơn vị không thể phát hành trái phiếu, chỉ còn biết trông ngóng nguồn vốn vay NH. Do đó, nếu room tín dụng không thay đổi là không phù hợp với diễn biến thị trường.

"Để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, NHNN cần thận trọng, linh hoạt và khéo léo điều chỉnh room tín dụng theo tín hiệu của thị trường. Vấn đề cốt lõi sau khi điều chỉnh room tín dụng là NHNN vẫn bảo đảm được mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc việc làm cho người lao động" - PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.

Không lo tín dụng chảy vào bất động sản

Một số ý kiến lo ngại khi room tín dụng được phân bổ cho các NH, liệu dòng vốn này có chảy vào DN bất động sản đang "khát" vốn?

Về vấn đề này, vị lãnh đạo VietinBank cho hay gần đây các chuyên gia kinh tế kỳ vọng NHNN sẽ nghiên cứu, điều chỉnh room tín dụng trên toàn hệ thống từ 14% lên 15%-16% nhằm đáp ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Từ đó, thị trường luôn lo ngại các NH thương mại có thể mạnh tay cho vay nhà đất, làm lệch mục tiêu tập trung vốn vào các lĩnh vực thiết yếu. Nhưng vừa qua, NHNN luôn giám sát chặt các danh mục cho vay bất động sản nên nguồn vốn chảy vào lĩnh vực này được kiểm soát rất tốt. "Nếu NH thương mại nào tập trung vốn quá nhiều vào bất động sản, NHNN sẽ có biện pháp để hướng dòng tiền ưu tiên cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh" - đại diện NH này nói.

Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - việc hết room tín dụng có cả tích cực và hạn chế. Tích cực là cả NH và DN, người dân đều phải cơ cấu lại danh mục, nhu cầu tín dụng chính đáng, chính xác và chặt chẽ hơn. Giảm bớt dòng vốn tín dụng chảy vào đất đai, các kênh đầu cơ, lướt sóng, qua đó, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản, chứng khoán hay đầu cơ khác. "Mặt hạn chế là một số dự án, hoạt động sản xuất - kinh doanh của khách hàng cá nhân và DN có thể bị gián đoạn một phần nào đó, dẫn đến thiếu nguồn cung hàng hóa, dịch vụ, lại là tác nhân tăng lạm phát cũng như rủi ro nợ xấu. Nhưng hy vọng điều này ít xảy ra" - TS Cấn Văn Lực nói.

Tác giả: Thái Phương - Thy Thơ

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến