Dòng sự kiện:
Một cá nhân 'nung đỏ' cổ phiếu Gốm sứ Bát Tràng
24/03/2016 10:53:51
ANTT.VN – Gốm sứ Bát Tràng kinh doanh thua lỗ liên tục nhiều năm nay, nhưng khi Hapro quyết định thoái gần hết vốn tại đây thì đã có một nhà đầu tư cá nhân chịu chi mức giá trên trời tới 421.600 đồng/cổ phần để nhận sang nhượng "quả bom" trên

Tin liên quan

Ngày 22/3 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tại Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng.

Trước đó, ngày 16/02, thông tin về việc thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Sứ Bát Tràng đã được Hapro công bố. Theo đó, Hapro sẽ chào bán 120.810 cổ phần, chiếm 63,6% vốn điều lệ của Sứ Bát Tràng. Điểm đáng chú ý là mức giá khởi điểm mà Hapro đưa ra cao hơn 14 lần so với mệnh giá thực của mỗi cổ phần (10.000 đồng/cổ phần). Số cổ phần mà Hapro chào bán đã có 21 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua với khối lượng đặt mua là 840.170 cổ phần.

Theo kết quả mà TVSI công bố, chỉ có duy nhất một nhà đầu trúng giá với giá đấu thành công là 421.600 đồng/cổ phần, tương đương với tổng giá trị lên tới 50,933 tỷ đồng.

Sứ Bát Tràng kinh doanh thua lỗ, vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

Sứ Bát Tràng có vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng – tương đương 190 nghìn cổ phần. Trước khi thoái vốn, Hapro nắm giữ 122.550 cổ phần Sứ Bát Tràng, tương đương 64,5% vốn điều lệ công ty này. Như vậy, Hapro đã gần hết vốn tại CTCP Sứ Bát Tràng, số cổ phiếu còn nắm giữ là 1.740 đơn vị.

Khác với mức giá khủng chào bán, tình hình kinh doanh của Sứ Bát Tràng không có nhiều điểm sáng, nếu không muốn nói là có phần u ám. Trong những năm gần đây, Sứ Bát Tràng kinh doanh không hiệu quả, doanh thu khiêm tốn, thường xuyên thua lỗ.

Cụ thể, năm 2013, doanh thu thuần công ty đạt 4,9 tỷ đồng, lỗ 375 triệu đồng, năm 2014 doanh thu giảm còn 3,9 tỷ đồng, tương đương với số lỗ là 485 triệu đồng. Trong quý I, Công ty đạt doanh thu 562,6 triệu đồng và tiếp tục lỗ thêm gần nửa tỷ đồng.

Như vậy, mức lỗ lũy kế của công ty này đến hết tháng 3/2015 đã lên tới 2,53 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty chính thức âm 225 triệu đồng vào cuối quý 1/2015.

Nguyên nhân thua lỗ của công ty được cho biết do ảnh hưởng chung của thị trường, giao dịch mua bán đối với mặt hàng gốm sứ mà công ty kinh doanh kém sôi động, hàng hóa tiêu thụ chậm trong khi đây lại là mặt hàng kinh doanh chính của công ty, phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các đối thủ.

Đáng chú ý là Công ty không có kế hoạch kinh doanh cụ thể để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh được phục hồi trong những năm tới. Bên cạnh đó, Sứ Bát Tràng hiện đang phải đối mặt với các khoản phải thu, nợ ngắn hạn và dài hạn có giá trị tương đối lớn. Tính đến cuối quý I, Công ty có 5,3 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, nợ phải trả ngắn và dài hạn lên tới 16,5 tỷ đồng tại cùng thời điểm.

Tuy nhiên, theo báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị vốn chủ sở hữu và giá trị vốn nhà nước tại Sứ Bát Tràng, giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu tại Sứ Bát Tràng đã thay đổi từ con số âm 225 triệu đồng thành 26,8 tỷ đồng.

Điều này chủ yếu đến từ việc điều chỉnh giá trị lô đất tại xã Đa Tốn với tổng diện tích gần 28 nghìn m2, trong đó 17.221 m2 đất để xây dựng xí nghiệp sản xuất hàng bán sứ cao cấp và 10.714 m2 đất để mở đường theo quy hoạch. Lô đất này đã được Sứ Bát Tràng sử dụng để hợp tác kinh doanh với CTCP Đầu tư phát triển Hạ tầng thương mại Hà Nội. Theo hợp đồng, diện tích hợp tác kinh doanh lô đất là 20.516 m2. Tổng lợi nhuận cố định tạm tính là 20,5 tỷ đồng, vượt qua giá trị tổng tài sản của Sứ Bát Tràng.

Có thể nói, trước tình hình kinh doanh bê bết, sau khi Sứ Bát Tràng được chính thức đổi chủ, tình hình thực hiện dự án trên mảnh đất tại xã Đa Tốn mới là thông tin được nhà đầu tư thực sự quan tâm.

Quách Minh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến