Theo ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Quản lý Thị trường Hà Nội, thương nhân phân phối là Công ty DV&TM tổng hợp Hải Hà đã dừng bán hàng từ đầu năm 2022 đến nay được lực lượng chức năng của cục phát hiện thông qua kiểm tra, giám sát các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối có kho xăng dầu trên địa bàn Thành phố theo chỉ đạo của Bộ trưởng Công Thương.
Theo đó, ngày 15/11 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 17 đã thực hiện kiểm tra Công ty Cổ phần Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà (địa chỉ số 11, ngõ 24 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Công ty này được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu số 234 ngày 22/8/2019.
Công ty có hợp đồng mua xăng dầu của các doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Thăng Long SBTC; Công ty TNHH Thương mại và Dầu khí Minh Thịnh; Công ty CP Tư vấn Đầu tư phát triển Hoàng Sơn; Công ty CP Thương mại Dầu khí Thành Đô; Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà.
Theo xác định, thương nhân phân phối Hải Hà cũng bán hàng cho 7 doanh nghiệp gồm: Chi nhánh số 2 - Công ty CP Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà; Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hòa Trường; Công ty TNHH MTV dịch vụ thương mại Huệ Anh; Công ty CP Xăng dầu Việt Lào; Công ty CP Thương mại Dầu khí Đại Long; Công ty CP Thương mại Dầu khí Thành Đô; Chi nhánh Công ty TNHH xăng dầu Bình Phước tại Hà Nội. Các hợp đồng này đều là hợp đồng nguyên tắc không có số lượng, thời gian cung cấp.
Tại cuộc kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ& Thương mại tổng hợp Hải Hà - cho biết, công ty hoạt động chủ yếu là buôn bán theo hình thức khi nhận được đơn hàng của bên mua thì mới liên hệ với các bên cung cấp để đăng ký mua hàng và bán lại cho khách hàng.
“Từ đầu năm 2022 đến nay, vì lý do sức khỏe, tôi phải điều trị dài ngày nên không thường xuyên điều hành trực tiếp công việc của công ty. Cùng với giá cả xăng, dầu tăng cao nên công ty tôi không nhận được đơn mua hàng và không bán hàng cho các đơn vị. Do đó từ tháng 1/2022 đến nay, công ty không phát sinh hoạt động mua, bán xăng, dầu, không có doanh số bán hàng. Trong 12 tháng qua không có cơ quan chức năng nào kiểm tra hành chính đối với công ty”- bà Hải cho biết.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn cung trong thời gian vừa qua do bị lỗ nặng
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 17 xác định từ tháng 1/2022 đến tháng 9/2022, Công ty Cổ phần Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà không hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo ông Kiên, căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 95 của Chính phủ, Cục đã báo cáo Bộ Công Thương và đề xem xét, thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà theo quy định của pháp luật.
Đại diện Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng cho rằng, việc kiểm tra, phát hiện sai phạm và đề nghị xem xét, thu hồi giấy phép thương nhân phân phối của Công ty Cổ phần Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà thể hiện sự nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Công điện số 7196 về kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Về giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường, mới đây Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối và cửa hàng trên toàn quốc đã ký cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ.
Việc ký cam kết này theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh không phải "để cho vui", "chiếu lệ" mà chính là một căn cứ về việc cam kết thực hiện nghĩa vụ kinh doanh có điều kiện của doanh nghiệp và ai làm sai cam kết thì sẽ xử lý nghiêm. Đây cũng là một trong những giải pháp thiết thực giúp ổn định thị trường xăng dầu, phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội của doanh nghiệp thực hiện ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhất là trong cảnh khó khăn chung của thị trường trong nước và thế giới.
Đề xuất thu hồi giấy phép đủ điều kiện làm thương nhân phân phối đối với Công ty Cổ phần Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà còn thể hiện quyết tâm chính trị “nói thật, làm thật” của Bộ Công Thương nói chung, lực lượng quản lý thị trường nói riêng, kiên quyết chấn chỉnh những hành vi sai phạm trong lĩnh vực xăng dầu dù bất kể người đó là ai.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào đồng thời thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Đồng thời, Bộ Công Thương kiên quyết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật với phương châm "xử lý nhưng phải khắc phục, sửa chữa" chứ không phải xử lý rồi cho tồn tại.
Tác giả: Phạm Tuyên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy